Đất nông trường Hà Nội đang bị buông lỏng quản lý | ảnh 1
Nhiều ngôi nhà kiên cố xây trên đất nông trường chè Long Phú (Hòa Thạch, Quốc Oai). 

Mua đất nông trường, vừa rẻ, vừa dễ

Trong vai những người tìm mua đất, chúng tôi đến khu vực chợ Long Phú (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội) nằm cạnh mặt đường Xuân Mai-Hòa Lạc. Khu vực này từ nhiều năm nay trở thành"điểm nóng" về tình trạng giao đất trái thẩm quyền, chuyển nhượng trái phép, sử dụng sai mục đích... Chị Nguyễn Thị H, công nhân Công ty chè Long Phú giới thiệu cho chúng tôi hai mảnh đất của nhà chị. Mảnh thứ nhất là đất ở, nằm bên tuyến đường Xuân Mai-Hòa Lạc, mặt tiền rộng 5m. Mảnh thứ hai là đất trồng chè rộng sáu sào. Giá đất ở là 250 triệu đồng/mét chiều ngang (sâu khoảng 25m), còn đất nông nghiệp là 260 triệu đồng/sào. Chị H cho biết, từ năm 1989, chị được Nông trường chè Long Phú giao khoán hơn 5.000 m2 đất nông nghiệp, thời hạn 50 năm. Năm 2008, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chị đã bán tám sào đất (gần 2.900 m2).

Ðể minh chứng cho việc này, chị cho chúng tôi xem hai bản hợp đồng chuyển nhượng đất viết tay, kèm bản chụp hợp đồng giao khoán đất của nông trường với bên mua và quả quyết:"Yên tâm đi, mọi thủ tục bên bán sẽ lo liệu đầy đủ". Chị H cho biết thêm, phần lớn đất được nông trường giao khoán từ trước năm 1993, hiện tại không có tranh chấp và đã có nhiều người từ nơi khác đến mua, xây nhà và sinh sống ổn định. Hai bên chỉ cần viết hợp đồng chuyển nhượng trao tay để làm tin. Còn khi thực hiện giao dịch, bên mua, bên bán và chủ sử dụng đất (đại diện nông trường) sẽ cùng thực hiện các thủ tục hợp thức hóa việc mua bán dưới hình thức như sau: bên bán sẽ viết giấy trả lại diện tích đất cho chủ sử dụng đất, sau đó, bên bán sẽ"nhờ" lãnh đạo nông trường ký hợp đồng giao khoán trực tiếp diện tích đất nêu trên với bên mua. Bên mua sẽ trở thành công nhân nông trường, được bảo đảm mọi quyền lợi.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Nông trường Long Phú trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao hơn 465 ha đất từ trước năm 1980. Thực hiện Nghị định số 01/CP ngày 4-1-1995 của Chính phủ, nông trường đã ký hợp đồng giao khoán đất cho các cán bộ, công nhân viên để trồng chè. Tuy nhiên, do buông lỏng quản lý, cho nên hàng chục ha đất nông trường đã bị người dân lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, xây nhà kiên cố, chuyển nhượng trái phép... Hiện nay 88 ha đất của nông trường đã chuyển thành đất vườn, 27,7 ha biến thành đất ở. Diện tích đất trồng chè chỉ còn lại 260,98 ha, đất rừng còn hơn 20 ha...

Việc cán bộ, công nhân nông trường chuyển nhượng đất trái phép diễn ra khá phổ biến như vậy, nhưng chính quyền địa phương không có giải pháp gì để ngăn chặn. Giải thích điều này, Trưởng thôn Long Phú Ðỗ Tiến Hùng cho biết, sau khi nông trường tiến hành cổ phần hóa vào năm 2009, tháng 3-2010, thôn Long Phú được thành lập với 663 hộ, 2.405 nhân khẩu, diện tích khoảng 250 ha. Cán bộ, công nhân viên của nông trường trở thành công dân của xã Hòa Thạch.

Tuy nhiên do công ty chưa bàn giao đất cho chính quyền địa phương quản lý, cho nên việc rà soát thống kê đất ở, đất canh tác, đất công cộng, lập bản đồ, mốc giới... chưa thực hiện được. Chính vì vậy, chính quyền khó phát hiện và xử lý. Ông Hùng còn biện giải thêm, sở dĩ người dân phải làm như vậy là do đời sống của công nhân trồng chè gặp khó khăn do công ty sản xuất cầm chừng. Người dân phải tự chế biến hoặc bán chè búp ra thị trường với giá trị thấp. Người dân đã nhiều lần đề nghị chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân yên tâm đầu tư sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển trang trại chăn nuôi hoặc thế chấp vay vốn ngân hàng nhưng chưa được giải quyết.

Thực trạng sử dụng đất tại khu đất của Trạm nghiên cứu và sản xuất tinh bò giống đông lạnh Môn-ca-đa (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì) cũng tương tự như vậy. Mặc dù chưa được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, nhưng đơn vị đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, giao hơn 20 ha đất nông nghiệp cho 209 hộ dân làm nhà, vườn. Gần bảy ha đất tại các khu vực lò gạch, chân đồi Trung Nghĩa... bị các hộ dân lấn chiếm. Hàng chục ha đất rừng không được khai thác, sử dụng hiệu quả. Trong khi đó các khu dân cư lân cận không có quỹ đất để xây dựng các công trình hạ tầng xã hội.

Cần xây dựng cơ chế quản lý phù hợp

Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 57 nông trường, trạm trại, tổng diện tích hơn 11.700 ha, tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Quốc Oai... Trong đó, riêng huyện Ba Vì có 12 cơ sở với hơn 10.800 ha. Phần lớn các nông trường, trạm trại hình thành trước năm 1980. Từ năm 1990, chuyển sang cơ chế thị trường, các nông trường, trạm trại chuyển sang hình thức giao khoán ruộng đất cho các cán bộ, công nhân viên sản xuất. Tuy nhiên, công tác quản lý đất đai tại nông trường, trạm trại còn chồng chéo, bất cập. Phần lớn các nông trường, trạm trại không có quy hoạch sử dụng đất; hồ sơ, bản đồ phục vụ công tác quản lý không đầy đủ. Việc kiểm tra, rà soát hiện trạng đất hằng năm không được thực hiện, dẫn đến tình trạng hàng trăm ha đất bị các đơn vị giao khoán không đúng đối tượng, trái thẩm quyền, tự phát hình thành các khu dân cư.

 Bên cạnh đó, tình trạng người dân lấn chiếm đất công, chuyển nhượng đất trái phép diễn ra phổ biến, gây lãng phí tài nguyên. Theo báo cáo của UBND thành phố gửi Ðoàn giám sát của Ðoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, tình hình vi phạm Luật Ðất đai tại các nông trường, trạm trại đang diễn ra rất phức tạp. Ðiển hình như trạm thực nghiệm giống cây rừng Ba Vì tự ý giao 4,4 ha cho 22 hộ dân xã Cẩm Lĩnh để làm nhà vườn, 12 hộ của xã Ba Trại làm nhà ở. Công ty cổ phần Giống gia cầm Ba Vì giao gần 21 ha đất cho các hộ dân làm nhà ở và đất vườn; ký hợp đồng cho thuê lại đất để hưởng lợi. Trung tâm dịch vụ và chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp Ba Vì khi giao khoán đất chỉ ghi tên người nhận, không ghi địa chỉ, thậm chí chưa có chữ ký của người nhận khoán...

Nguyên nhân dẫn đến các vi phạm nêu trên là do công tác quản lý đất đai tại các nông trường, trạm trại bị buông lỏng trong thời gian dài. Thậm chí nhiều trường hợp lãnh đạo một số đơn vị còn làm ngơ, hoặc tiếp tay cho các vi phạm để hưởng lợi. Trong khi đó, các văn bản quy định về chức năng quản lý còn chồng chéo, mô hình tổ chức nông trường, trạm trại chưa rõ ràng. Công tác phối hợp giữa nông trường, trạm trại, nhất là những đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với chính quyền cơ sở thiếu chặt chẽ khiến nhiều trường hợp chính quyền địa phương không tiếp cận, xử lý được các vi phạm...

Ðể tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất tại các nông trường, trạm trại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Hà Nội cần chỉ đạo các đơn vị rà soát, đo đạc hiện trạng, lập bản đồ, phân loại và lập phương án sử dụng đất theo chức năng, ngành nghề đăng ký kinh doanh. Ðối với những diện tích giữ lại để sản xuất kinh doanh cần tiến hành lập bản đồ, cắm mốc giới. Ðối với diện tích đất công cộng, đất ở của các hộ dân, cần tiến hành cấp sổ đỏ, bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý. Cơ quan chủ quản kịp thời chấn chỉnh, kiện toàn tổ chức, bộ máy hoạt động và tăng cường quản lý tại các nông trường, trạm trại... Các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu xây dựng quy chế quản lý, sử dụng đất đai phù hợp với đặc thù nông trường, trạm trại để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy vai trò đơn vị quản lý và bảo đảm lợi ích của cán bộ công nhân viên nông trường.

Trước mắt, UBND thành phố Hà Nội cần chỉ đạo chính quyền các cấp tổ chức thanh tra các trường hợp vi phạm để làm rõ nguyên nhân và có biện pháp xử lý, khắc phục, nhất là đối với những trường hợp đất để hoang hóa, bị lấn chiếm hoặc sử dụng sai mục đích; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, không để phát sinh vi phạm mới.

(Theo Nhân dân)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME