Đất nông thôn có giá tiền tỷ

Đến nay, bà Đặng Thị Phi, ngụ phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam vẫn chưa hết ngỡ ngàng khi mảnh đất 1.500m2 của bà được một đại gia mua với giá 3,4 tỷ đồng.

Bà Phi kể, hôm đó tự nhiên cò đất dẫn người đến trả giá mảnh đất cằn cỗi của bà với giá 3,4 tỷ đồng khiến bà choáng váng. Nông dân chân lấm tay bùn lần đầu tiên cầm tiền tỷ trên tay, bà chia cho các con, họ hàng mỗi người một ít. Còn hơn 2 tỷ đồng bà gửi vào ngân hàng để chuẩn bị làm nhà mới.

Sau khi mua lại mảnh đất của bà Phi, chủ đất mới đã xin địa phương làm hẳn đường bê tông thênh thang chạy ngang mảnh đất rồi xẻ ra hơn chục lô, đóng cọc chào bán. “Người ta tới mua nhiều lắm. Ô tô đậu kín đường”, bà Phi cho hay.

Ngay gần nhà bà Phi cũng có một lão nông khác vừa xẻ 3.000m2 đất vườn ra bán với giá 4,5 tỷ đồng. Một số người thì chia lô bán lại luôn, số khác thì chờ đường chính (đường Dũng Sĩ Điện Ngọc) được đầu tư mở rộng mới bán để có giá hơn.

Tương tự, cò đất cũng đang thi nhau đổ bộ về các thôn xóm thuộc xã Hòa Tiến, Hòa Châu,… huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) hỏi mua đất vườn, đất ở nông thôn của dân. Người, xe tấp nập khắp các ngả đường liên xã.

sốt đất Đà Nẵng, Quảng Nam
Mảnh vườn 100m2 ở nông thôn được hỏi mua với giá hơn 800 triệu đồng. Ảnh: Tấn Việt

Theo ghi nhận, thời điểm trước Tết, các mảnh đất còn nguyên bụi tre, gốc rạ được cò trả giá thấp nhất 700 triệu đồng lô 200m2. Nhưng chỉ một tháng sau Tết, mức giá đã tăng lên 1,5-2 tỷ đồng. Vì thấy đất có giá, không ít người đã lấp ao cá, ruộng vườn để bán, nhưng chỉ vài ngày sau tiếc hùi hụi vì chủ đất mới bán lại lời gấp hai, ba lần.

Một cò đất cho biết, lô đất 120m2 tại xã Hòa Châu hiện bán với giá 1 tỷ đồng, trong khi năm 2018 mảnh đất như vậy giá chỉ 400 triệu đồng.

Rắc rối pháp lý về sau

Trao đổi với PV, ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho hay, nhiều cò đất đang phao tin, đồn thổi việc tách thửa đất vườn thành đất ở rất dễ dàng để dụ dỗ người mua "nhẹ dạ cả tin". Nhưng thực tế theo quy định của TP. Đà Nẵng, điều kiện tách thửa ở huyện Hòa Vang là lô đất có diện tích tối thiểu 120m2, kèm theo đó là các điều kiện về mặt cắt đường, hạ tầng, thoát nước.

Theo ông Hành, hiện UBND huyện Hòa Vang đang đề nghị văn phòng đăng ký đất đai hướng dẫn người dân quy định tách thửa, bởi nếu làm sai sẽ mất tiền oan.

Bên cạnh các điều kiện kể trên, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho biết thêm, để được tách thửa thì phải có quy hoạch chi tiết 1/500. “Hiện TP. Đà Nẵng đang kiểm soát rất chặt việc chuyển đổi từ đất nông thôn, đất rừng sang đất ở. Người mua phải tìm hiểu kỹ về quy hoạch, hiện trạng đất có thể chuyển đổi, chia tách sang đất ở được hay không. Nếu có nhu cầu mua đất ở thật sự, người dân cần đến Phòng TN&MT huyện, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện… để tìm hiểu trước khi quyết định xuống tiền”, ông Hùng lưu ý.

Còn tại địa bàn Quảng Nam, tình trạng mua bán đất vườn, đất ở nông thôn vẫn rất phức tạp bất chấp UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 06 về tăng cường quản lý đất đai. Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam Trần Thanh Hà cho biết, Sở chỉ có thể can thiệp hành chính các trường hợp giải quyết thủ tục mua bán, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất,… còn việc người dân mua bán đất không thông qua chính quyền thì đơn vị không can thiệp được.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME