Đất nhiều khu vực Tây Ninh sốt ảo do "cò" làm giá
Giá đất nhiều nơi cả thành thị và nông thôn thuộc tỉnh Tây Ninh gần đây bỗng tăng cao gấp 3-5 lần so với cuối năm 2018, hình thành cơn sốt bất thường ở khu vực này.
Được biết nguyên nhân là do một số đối tượng đồn thổi sắp tới sẽ có dự án này, dự án kia sắp hình thành, và đẩy giá đất tăng mạnh so với cuối năm ngoái.
Hiện giá đất nền, đất ruộng nhiều nơi, từ thành phố, thị trấn cho đến vùng ven TP. Tây Ninh, cụ thể là ở các huyện Hòa Thành, Trảng Bàng, Gò Dầu, Châu Thành, Bến Cầu, Dương Minh Châu đều tăng chóng mặt. Ngay cả những vùng nông thôn xưa nay ít người lui tới cũng không nằm ngoài đợt sốt giá này.
Trên các mạng xã hội, thông tin rao bán đất đai xuất hiện ồ ạt... Các hoạt động giao dịch mua bán, đi xem đất của hai bên mua và bán diễn ra liên tục, từ 7h sáng đến tận 20-21h tối, tại cả đô thị và nông thôn.
Ông N.H.B, 31 tuổi, đã làm "cò đất" khá lâu ở TP. Tây Ninh cho biết: “Bây giờ cứ ra ngõ là gặp "cò" bởi ai ai cũng trở thành "cò đất" dễ dàng vì sức hút của lợi nhuận quá lớn."
Theo ông B, những người làm "cò đất" như ông trước đây phải chạy đôn chạy đáo, vận dụng hết các mối thân quen may ra mới bán được một mảnh đất. Khi đó, nhu cầu mua thấp nên có rất ít người làm nghề "cò đất".
Nhưng khoảng hơn một năm trở lại đây, "sốt" giá đất xuất hiện khắp nơi, lần lượt những người dân địa phương lấn sân làm "cò” để hưởng hoa hồng môi giới. Ông B. cho rằng, giá đất tại Tây Ninh vẫn đang tăng lên và chưa có dấu hiệu chững lại.
Một "cò đất" khác là ông Nguyễn Thanh Ch. ở huyện Hòa Thành, tiết lộ hiện các thông tin về giá đất đang bị môi giới thao túng. “Không dễ dàng tìm được đất chính chủ vì giới "cò" bằng nhiều cách biến mình như chính chủ để thổi giá lên cao," ông Ch. cho hay.
Một mảnh đất ở xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu (Tây Ninh) mới chỉ làm đường nội bộ
nhưng đã rao bán với giá cao gấp nhiều lần. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN
Thực tế, hiện có rất nhiều loại "cò đất" hoạt động. Theo đó, không chỉ có “cò” môi giới làm trung gian để hưởng hoa hồng, mà còn một loại "cò" khác chuyên nghiệp hơn khi tự dùng vốn đi “săn” đất đẹp để dành rồi bán lại kiếm lời. Một kiểu "cò" khác có vốn mỏng hơn và chiếm số đông thì tranh thủ “đặt cọc” làm chủ miếng đất rồi sau đó thổi giá sang tay hưởng lợi.
Chính sự tham gia đông đảo của nhóm đối tượng trên khiến giá đất từ chính chủ đến tay người mua thực có sự chênh lệch rất lớn, từ vài chục triệu đến vài trăm triệu/mét ngang.
Thời điểm này tại Tây Ninh, mỗi khu vực đều có những đội ngũ "cò" đất sục sạo khắp hang cùng ngõ hẻm, thậm chí ra tận ngoài ruộng xa để lùng mua đất. So với thời điểm cuối năm 2018, giá đất hiện đã tăng cao gấp 3-5 lần. Tại các khu vực thuộc huyện Hòa Thành như Long Thành Nam, Long Thành Trung, Long Hải, Trường Đông... giá đất đều tăng chóng mặt.
Thị trường mua bán đất địa bàn vùng ven TP. Tây Ninh, tiêu biểu là các xã Bình Minh, Tân Bình, Thạnh Tân, Hiệp Ninh cũng rất sôi động. Tương tự, các xã Thanh Điền, Trí Bình, Thái Bình... huyện Châu Thành cũng sôi động không kém.
Theo thông tin do ông Nguyễn Văn Bình, ngụ tại xã Trí Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh cung cấp, mảnh đất mà ông bán ra trong vòng 6 tháng đã được giới "cò đất" mua bán liên tục trải qua đến 5 chủ. Ông Bình cho biết, thời điểm ông bán ra mảnh đất này chỉ có giá 18 triệu đồng/mét ngang, nay đã tăng lên 80 triệu/mét ngang. Giá đất tăng nhanh, mảnh ruộng lúa sau nhà ông Bình cũng liên tục có người hỏi mua với giá khá cao nhưng ông chưa bán.
Hai điểm nóng nhất Tây Ninh hiện nay là khu vực quanh núi Bà Đen thuộc xã Thạnh Tân, Tân Bình (TP. Tây Ninh) và xã Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu). Đây là những nơi xuất hiện thông tin các dự án du lịch lớn sắp được triển khai. Theo đó, giá đất tại đây ghi nhận mức tăng chóng mặt, gấp 4 -5 lần so với trước đây.
Tương tự, các thương lái từ TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai cũng đổ về 2 huyện Trảng Bàng và Gò Dầu mua bán tấp nập. Tại đây, "cò" đất mua lại hàng loạt mảnh đất trước đây bỏ hoang để phân lô bán nền với giá tăng gấp 5, 6 lần giá mua vào dù mới chỉ làm đường nội bộ.
Một mảnh đất tại huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) đã được chia thành các lô để rao bán.
Trước đây, mảnh đất này là đất trồng cao su. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN
Để phục vụ mua bán, các phòng giao dịch mua bán, ký gửi nhà đất cũng đua nhau mọc lên khắp nơi; hoạt động chứng thực mua bán đất sôi động giúp các phòng công chứng giấy tờ tư nhân phất lên nhanh chóng.
Theo xác nhận của ông Đỗ Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, hiện chưa có dự án bất động sản nào được cấp phép trên địa bàn xã. Vậy nhưng, mỗi ngày, UBND xã vẫn đều đặn ký thủ tục sang nhượng, trung bình vài chục bộ hồ sơ, tăng gấp 5-10 lần so với trước đây.
"Chúng tôi cũng ghi nhận có rất nhiều thửa đất lớn được các chủ đất phân nhỏ thành từng mảnh để bán. Đây là đất do cá nhân bán với nhau nên chính quyền không thể ngăn cản," ông Vũ nói.
Sở dĩ giá đất ở khu vực thị trấn huyện Trảng Bàng và vùng lân cận tăng lên theo ngày là do xuất hiện thông tin "cò" tung ra, rằng các huyện này sắp lên thị xã, các khu thương mại hoặc bệnh viện sẽ được xây dựng tại đây.
Theo ông Trương Văn Rưa, Chủ tịch UBND xã Phước Đông, huyện Gò Dầu, sau khi có sự phát triển mạnh của khu công nghiệp Phước Đông-Bời Lời, cánh “cò đất" ráo riết tìm mua đất có diện tích lớn ở các xã lân cận, sau đó phân lô, quảng cáo với những lời đường mật, đẩy giá lên cao để dụ dỗ người mua.
Do đó, ông Rưa khuyến cáo: “Người dân phải thận trọng trong quá trình giao dịch mua bán đất, tìm hiểu kỹ tại các cơ quan chức năng để tránh bị lừa."
Mới đây, UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã ban hành Quyết định số 15/2019/QĐ-UBND quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh. Động thái này nhằm chấn chỉnh việc phân lô, bán nền manh mún, phá vỡ quy hoạch, thiếu kiểm soát, gây "sốt ảo" giá đất trên địa bàn. Cụ thể nội dung Quyết định nêu: "Diện tích tối thiểu của thửa đất sau khi tách thửa đối với đất tại khu vực phường, thị trấn có lộ giới quy hoạch lớn hơn hoặc bằng 20m là 45m2; với đường có lộ giới quy hoạch nhỏ hơn 20m, diện tích tối thiểu bằng 36m2. Tại các xã, đường có lộ giới quy hoạch lớn hơn hoặc bằng 20m thì diện tích tối thiểu được tách là 60m2; đường lộ giới quy hoạch dưới 20m thì bằng 50m2. Đối với đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp đã được quy hoạch sử dụng đất là đất ở để xây dựng nhà ở, trong đó, thửa đất có diện tích nhỏ hơn 500m2 nếu sau khi tách thửa tiếp giáp với đường giao thông được thể hiện trên bản đồ địa chính thì được tách theo quy định như trên. Nếu thửa đất không tiếp giáp với đường giao thông hiện trạng thì người sử dụng đất phải lập bản vẽ thiết kế mặt bằng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đối với thửa đất có diện tích từ 500m2 đến 2.000m2, trước khi thực hiện tách thửa, người sử dụng đất phải lập bản vẽ thiết kế mặt bằng tổng thể được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Thửa đất có diện tích trên 2.000m2, người sử dụng đất (doanh nghiệp, cá nhân) phải thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các quy định khác liên quan đến đầu tư được cơ quan nhà được có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện thủ tục tách thửa... Đất được tách thửa làm nhà ở, công trình phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất UBND tỉnh phê duyệt." |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet