Đất nền Tp.HCM sốt nóng: Coi chừng "sập bẫy" của môi giới
Giá đất nền Sài Gòn lại tiếp tục lên "cơn sốt" sau mấy tháng tạm lắng nhờ sự can thiệp kịp thời của chính quyền. Đất sốt khiến nhiều người lao vào kiếm lời, nhưng nếu không thận trọng, nhà đầu tư rất dễ dính bẫy của các môi giới.
Giá đất nền lại sốt nóng
Theo ghi nhận của phóng viên, dù đã 5h chiều nhưng tại những dự án đất nền trên đường Trường Lu, quận 9 (Tp.HCM), cảnh người coi đất, kẻ bán và nhân viên môi giới vẫn tấp nập.
Được biết tháng 1/2018, tại đây có 5 dự án đất nền mở bán với giá từ 19 - 24 triệu đồng/m2, nhưng chỉ sau 3 tháng, hiện giá đất đã thay đổi chóng mặt.
Ông Nguyễn Văn Đức, một nhà đầu tư đang chào bán nền đất đã mua tại Dự án Centana Điền Phúc Thành cho hay, tháng 1 ông mua nền đất 100m2 tại đây với giá 19 triệu đồng/m2, nhưng nay lô đất này đã có giá tới 26 triệu đồng/m2.
Theo ông Nguyễn Thanh Trinh, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Gia Phú (quận 9, Tp.HCM), giá đất nền hiện nay đang tăng đồng loạt ở toàn khu Đông chứ không chỉ đường Trường Lu. Trong đó, tăng mạnh nhất thuộc về quận 2, khu vực Bình An và Thạnh Mỹ Lợi.
Được biết cuối năm 2017, giá đất tại đây dao động từ 60 - 70 triệu đồng/m2, nhưng sau khi cây cầu bắc qua đảo Kim Cương hoàn thành, từ tháng 1/2018 tới nay, giá đất tại đây đã được đẩy lên tới 80 - 110 triệu đồng/m2.
"Tháng 1 vừa qua, tôi bán nền đất tại khu Thạnh Mỹ Lợi với giá 65 triệu đồng/m2, nhưng ngay sau đó, giá đất tại đây đã tăng mạnh. Nếu để lại lô đất trên tới giờ bán, tôi đã có thêm gần 1 tỷ đồng”, ông Trần Hoàn, một nhà đầu tư thứ cấp tại quận 2 tiếc rẻ cho biết.
Cùng với đó, giá đất nền cũng tăng mạnh tại khu Nam. Báo cáo của DKRA Việt Nam cho thấy, trong quý I/2018, khu Nam là khu vực có giao dịch đất nền sôi động, giá đất nền tại đây cũng tăng từ 10 - 15% ở Bình Chánh, quận 7. Trong khi đó, khu Tây cũng có lượng dự án đất nền, nhà phố ra hàng nhiều, nhưng giá tăng thấp hơn, chỉ từ 5 - 8%.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, hiện nay, đã xuất hiện hiện tượng đầu nậu, "cò" đất lợi dụng việc thị trường căn hộ chung cư bị chững lại sau vụ cháy chung cư Carina để đầu cơ, thổi giá đất nền lên cao. Mặt khác, kể từ khi chính quyền Tp.HCM siết việc phân lô, tách thửa, nguồn cung ở dòng sản phẩm này hạn chế dẫn đến giá tăng cao.
Coi chừng "sập bẫy" của môi giới
Thực tế, việc thị trường đất nền sôi động và giá đất chóng mặt một phần đến từ việc làm giá và tạo sóng ảo của dân môi giới bất động sản.
Phó tổng giám đốc Cát Tường Group Lê Tiến Vũ cho hay, dân môi giới đang có nhiều chiêu quảng cáo đất nền mới. Thậm chí, nhiều nhân viên môi giới bỏ tiền để chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Google, Gmail… Đặc biệt, trên Facebook, dân môi giới chạy like (lượt thích) và comment (bình luận) ảo để hút nhà đầu tư nhẹ dạ.
Thông thường, các thông tin quảng cáo đều đăng những thông tin na ná nhau, như diện tích đất lớn, dự án đầu tư bài bản, tiện ích gần chợ, siêu thị, trường học, đặc biệt là giá rất rẻ. Kèm theo đó là hình ảnh dự án đang xây dựng rất đẹp và số điện thoại nhân viên môi giới để người mua thêm phần tin tưởng. Nhưng đa phần hình ảnh về dự án này đều là giả.
Ông Vũ cho biết: "Hình dự án của chúng tôi đang thực hiện tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An lại xuất hiện trong quảng cáo một dự án nằm ở quận 9, Tp.HCM”.
Chạy theo "cơn sốt" đất nền tại Tp.HCM đầu năm 2017, nhiều nhà đầu tư bị mắc kẹt và phải trả giá đắt |
Các chuyên gia phân tích, sau khi đã nhử được khách hàng chấp nhận đi coi đất với chiêu quảng cáo giả mạo trên, "cò" đất sẽ bố trí các khách hàng lên xe tập trung để đưa đi coi dự án. Trên xe luôn có khoảng hơn 10 khách hàng, nhưng chỉ khoảng 1 đến 2 khách hàng là thật, còn lại đều là "chim mồi". Khi tới nơi, mặc dù dự án không như quảng cáo, từ vị trí tới tiện ích, nhưng “chim mồi” vẫn đặt cọc một số tiền lớn ngay tại chỗ, làm cho khách hàng thật tưởng dự án tốt, hút khách thực sự, nên cũng xuống tiền theo, dù giá cao hơn so với thực tế.
Còn một chiêu bẫy khách hàng khác mà nhiều môi giới đang thực hiện đó là dẫn khách hàng tới coi dự án, khi khách này đang coi, thì một người khác cũng tới hỏi đất dự án này (chim mồi). Sau khi xem xét một vòng quanh dự án, khách hàng thứ hai này quyết định mua lô đất được môi giới giới thiệu là lô đất cuối cùng của dự án. Trong trường hợp khách hàng thứ nhất vẫn phân vân, thì sẽ có khách hàng thứ ba (cũng là chim mồi) đến và cầm tiền đặt cọc ngay nền đất này. Khách hàng thứ nhất nếu không vững lòng tin, sẽ rất dễ sập bẫy của môi giới, xuống tiền đặt cọc mua đất với giá cao.
Ngoài ra, môi giới còn dụ khách bằng chiêu cam kết lợi nhuận, “thả con săn sắt, bắt con cá rô”. Theo đó, môi giới cam kết với khách hàng, chỉ cần đặt cọc, chưa cần vào tên hợp đồng, thì 2 tuần sau cũng đã có lãi. Khi khách hàng đặt cọc, khoảng hơn 1 tuần sau, nhân viên môi giới sẽ thông báo với khách là có người muốn mua lại quyền mua lô đất đó với chênh lệch 20 triệu đồng (thực chất đây là số tiền môi giới tự bỏ ra).
Sau khi khách hàng bán có lời, môi giới sẽ dụ khách mua thêm vài nền đất nữa và giá đất lúc này cũng được đẩy lên cao hơn. Môi giới sẽ vào luôn hợp đồng và yêu cầu khách thanh toán. Nhưng sau khi khách đã ký hợp đồng và thanh toán đủ theo hợp đồng thì môi giới sẽ "phủi tay", lời lỗ khách tự chịu.
Không chỉ vậy, các môi giới còn sử dụng chiêu đổ bộ vào các quán cà phê, nhà hàng, nơi có nhiều dân đầu tư hay tụ tập để dẫn dụ khách. Các môi giới sẽ đưa “chim mồi” tới những địa điểm đó, chọn chỗ ngồi ở vị trí trung tâm vào đúng giờ dân đầu tư nhà đất tụ tập nhiều nhất để làm thủ tục thanh lý hợp đồng hoặc làm thủ tục sang nhượng hợp đồng mua bán với lượng tiền mặt lớn và "chim mồi" hớn hở vì lãi to.
"Chiêu thức này sẽ khiến những nhà đầu tư non kinh nghiệm dính bẫy, lân la dò hỏi "chim mồi" và xuống tiền mua đất dự án của môi giới đó. Do vậy, người dân cần hết sức tỉnh táo khi mua đất nền”, ông Vũ cảnh báo.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet