Đất nền tỉnh giáp ranh Hà Nội bị thổi giá chênh 600 triệu/lô
Những khách hàng mua đất nền tại Phố Nối, Hưng Yên không chỉ phải nộp số tiền theo hợp đồng, mà phải trả thêm khoản chênh từ 150 - 600 triệu tiền "phí dịch vụ" cho mỗi lô đất.
Anh Minh, một trong số các nhà đầu tư đang có nhu cầu đầu tư dự án đất nền tại Phố Nối, Hưng Yên cho biết, giá đất nền các sàn đang rao bán dao động từ 7,6 - 17 triệu đồng/m2. Trong đó, giá đất lô liền kề dao động từ 7,5 - 11 triệu đồng/m2, giá đất lô biệt thự từ 14,5 - 16 triệu đồng/m2 và giá đất shophouse dao động từ 10,7 - 17 triệu đồng/m2 tùy từng diện tích, vị trí. Như vậy giá mỗi lô đất cũng từ 1 - 3 tỷ đồng tùy loại và diện tích. Chủ đầu tư thu tiền theo tiến độ.
Còn theo thông tin từ nhân viên môi giới một sàn bất động sản, khách hàng không chỉ phải trả số tiền theo báo giá, mà còn phải nộp thêm từ 150 - 600 triệu đồng mỗi lô tiền chênh. Nhân viên này giải thích thêm, khoản tiền thu thêm không được thể hiện trong hợp đồng mua bán, mà chỉ xuất hoá đơn ngoài ghi là phí dịch vụ môi giới. Bên cạnh đó, người mua phải nộp số tiền này một lần trực tiếp cho đơn vị phân phối. Số tiền chênh lệch nói trên tương đương 20 - 25% giá trị mỗi lô đất.
Theo bảng hàng do đơn vị phân phối cung cấp, giá giao dịch của một lô shophouse 145 m2 vị trí góc là hơn 1,785 tỷ đồng. Tuy nhiên giá trị khi vào hợp đồng chỉ là 1,196 tỷ đồng, còn lại hơn 589 triệu đồng là phí dịch vụ. Tương tự, một lô shophouse khác có diện tích 102 m2, dù giao dịch thực là 1,092 tỷ đồng nhưng trên hợp đồng chỉ ghi 765 triệu đồng.
Một môi giới tên Chính cũng đem bảng hàng ra giới thiệu, sau khi báo giá không quên cho biết khách phải nộp thêm tiền chênh từ 200 - 600 triệu đồng cho mỗi lô đất trong dự án. Môi giới này giải thích, số tiền sẽ nộp lại cho chủ đầu tư một phần, còn lại là phí dịch vụ môi giới nhưng trên giấy tờ chỉ ghi chung là phí dịch vụ môi giới.
Với mỗi lô đất nền dự án tại địa bàn giáp ranh Hà Nội (Phố Nối, Hưng Yên), khách
hàng phải trả thêm hàng trăm triệu đồng. Trong ảnh là dự án đang trong giai đoạn
làm hạ tầng nhưng đã được rao bán rầm rộ. Ảnh: N.H
"Dự án đưa ra giá hợp đồng thấp. Số tiền phải nộp trong hợp đồng càng thấp thì số thuế mà người mua phải nộp càng ít. Do đó, đây cũng là cách có lợi cho người mua nhà. Nhà đầu tư cứ yên tâm về mức độ pháp lý của dự án", anh Chính khẳng định.
Cũng theo giới thiệu của môi giới này, so với đợt trước, giá đợt hàng mới ra đã đội thêm khoảng 20%, lượng giao dịch thành công cũng rất cao, tỷ lệ khoảng 80%.
"Vì vậy, nếu không mua nhanh, giá đợt sau có thể còn tăng cao hơn. Nhà đầu tư mua đợt này, cứ nhanh tay mua được là có lãi", anh Chính giới thiệu và cho biết thêm, do dự án vẫn đang triển khai làm hạ tầng nên khách hàng chỉ cần nộp tiền theo tiến độ. Tuy nhiên, với khoản phí dịch vụ thì người mua phải nộp ngay một lần cho đơn vị môi giới khi giao dịch.
Đáng chú ý, theo tìm hiểu của PV, đại diện phía chủ đầu tư khẳng định, kể từ ngày 1/1/2019 họ đã chấm dứt và thanh lý hợp đồng với tất cả các đối tác đại lý bán hàng.
Còn lãnh đạo các đại lý thì từ chối trả lời, không giải thích vì sao có sự chênh giá hàng trăm triệu đồng như trên mà chỉ cho biết, các giao dịch đều được điều chỉnh theo nhu cầu thị trường.
Theo giám đốc một sàn bất động sản tại Hà Nội, nếu so với 1 - 2 năm trước, giá đất nền các tỉnh giáp ranh Hà Nội đã tăng đáng kể. Vậy nhưng, mức độ giao dịch chưa nhiều đến mức tạo ra cơn sốt nên chắc chắn sẽ không có tình trạng sốt giá do giao dịch. Ông cho rằng, thực chất đơn vị phân phối đã "bỏ túi" số tiền họ thu thêm từ khách hàng và tính vào phí dịch vụ.
Trước tình trạng trên, luật sư Phùng Viết Vĩnh, đoàn Luật sư TP. Hà Nội khuyến cáo khách hàng, nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ trước khi giao dịch các bất động sản có giá chênh cao bất thường. Bởi việc giao dịch như vậy tiềm ẩn nhiều rủi ro, chẳng hạn khó đòi lại tiền nếu dự án gặp khó khăn trong quá trình triển khai. Cũng theo ông Vĩnh, nếu việc thu chênh tiền là để phục vụ mục đích lách thuế của chủ đầu tư thì cũng vẫn sẽ tạo ra những rủi ro khác nếu dự án bị thanh tra, phần thiệt thòi chắc chắn sẽ thuộc về người mua.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet