Đất "dự kiến quy hoạch" là gì?
Năm 2006, gia đình chúng tôi phải tằn tiện lắm mới mua được một miếng đất tại ấp Tây Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Mảnh đất vốn là một phần miếng đất lớn của một gia đình từ rất lâu đời và đã được cấp sổ đỏ riêng, mục đích sử dụng TRỒNG CÂY LÂU NĂM.
Tuy nhiên, đến nay khi có đủ điều kiện xin cấp giấy phép chuyển đổi mục đích sử dụng lên thành đất xây dựng để làm nhà ở, chúng tôi mới biết đây là đất không thể chuyển đổi mục đích do nằm trong quy hoạch tuyến đường DỰ PHÓNG.
Khi chúng tôi thắc mắc tại sao đường dự phóng mà không có thông tin gì (không có bảng biển quy hoạch) thì được cán bộ xã và huyện cho biết đó "chỉ là bản đồ dự định quy hoạch, đường dự phóng cũng có thể chỉ là dự định, chưa chắc đã làm và được áp dụng theo bản đồ quy hoạch 1/2000 từ năm 1998 (tức cách đây đã 11 năm).
Chúng tôi muốn hỏi:
1. Tại sao bản đồ quy hoạch của ấp Tây Lân, Bà Điểm, Hóc Môn từ năm 1998 đến nay mà vẫn chưa chắc làm?
2. Có quy định nào bắt buộc với các quận huyện, thành phố phải xóa bỏ những DỰ KIẾN QUY HOẠCH sau một thời gian nhất định mà địa phương không thực hiện được hay không?
3. Nếu cứ TREO như vậy thì ĐẾN BAO GIỜ chúng tôi mới biết miếng đất của mình có bị giải tỏa, phóng đường hay không?
4. Nếu đã có bản đồ dự kiến quy hoạch thì vì sao năm 2006 khi làm giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất chúng tôi không được thông báo từ chính quyền, huyện, xã về vấn đề này?
5. Tôi có thể gửi đơn khiếu nại, yêu cầu giải thích đến những đâu nữa để được giải thích thỏa đáng?
Xin cảm ơn.
Hoang Lam ([email protected])
- Trả lời của luật sư Huỳnh Văn Nông:
Theo quy định tại Điều 30 của Nghị định 181/2004/NĐ-CP thì tại vị trí thửa đất muốn chuyển mục đích thành đất làm nhà ở phải có quy hoạch sử dụng đất chi tiết hay kế hoạch sử dụng đất chi tiết (là đất làm nhà ở), hoặc quy hoạch xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.
Trường hợp chưa có quy hoạch sử dụng đất chi tiết hoặc kế hoạch sử dụng đất chi tiết thì căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt (quy hoạch định hướng đất làm nhà ở).
Theo thư của ông trình bày thì tôi hiểu tại vị trí đất mà ông muốn chuyển mục đích sử dụng làm nhà ở chỉ có bản đồ “dự kiến quy hoạch đường dự phóng”. Như vậy, tại vị trí này không có quy hoạch sử dụng đất theo mục đích làm nhà ở, nên Nhà nước không cho phép ông chuyển mục đích sử dụng đất làm nhà ở là đúng pháp luật.
Ông cũng thắc mắc rằng “dự kiến quy hoạch đường dự phóng” đã tồn tại cách đây 11 năm sao chưa được xóa bỏ. Như đã nói thì bản đồ “dự kiến quy hoạch đường dự phóng” không phải là một quy hoạch sử dụng đất. Nó có thể là “quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội”, đây là một trong các căn cứ (được quy định tại Điều 22 Luật đất đai) để cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập quy hoạch sử dụng đất.
Pháp luật đất đai hiện hành chỉ quy định kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm, còn các căn cứ để lập quy hoạch sử dụng đất như “quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội” thì không quy định thời hạn. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chỉ thay đổi khi Nhà nước thấy cần thiết.
Pháp luật về công chứng, chứng thực không bắt buộc cơ quan công chứng, chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải thông báo cho các bên về thông tin (quy hoạch, kê biên và các hạn chế quyền dân sự khác) liên quan đến thửa đất chuyển nhượng.
Trước khi ký hợp đồng, các bên muốn biết thông tin thửa đất chuyển nhượng, có thể liên hệ với cơ quan tài nguyên và môi trường để được cung cấp thông tin. Do vậy, vào năm 2006 khi làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các cơ quan nhà nước không thông báo cho ông về thông tin thửa đất là không vi phạm pháp luật.
Thân ái chào ông.
Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG
(Công ty luật TNHH Sài Gòn Luật)
Theo Tuoi tre Online
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet