Tuổi Trẻ xin giới thiệu ý kiến của các chuyên gia và người dân.

* Ông Nguyễn Đăng Sơn (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị & phát triển hạ tầng): Hà Nội chỉ cần 2-3 đô thị vệ tinh

Quy hoạch Hà Nội có năm thành phố vệ tinh: Hòa Lạc, Xuân Mai, Quốc Oai, Phú Xuyên, Sóc Sơn. Theo tôi, cần có sự phát triển cân bằng giữa nhà ở, việc làm và công trình công cộng ở các đô thị vệ tinh, tránh tình trạng người dân ở đô thị vệ tinh nhưng làm việc, học hành, giao dịch... tại nội thành sẽ tạo ra tình trạng giao thông con lắc.

Các nhà quy hoạch nên bổ sung mảng xanh hai bên bờ sông Hồng vì đây là mảng xanh nhiệt đới nằm ở ngay “xương sống của thành phố”, cây xanh gắn với mặt nước và các khu vui chơi giải trí sẽ làm cho Hà Nội hấp dẫn hơn, có bản sắc hơn.

Quy hoạch Hà Nội cũng tính đến nạo sông, vét hồ và phải có thêm nhiều hồ điều hòa nước để tránh ngập lụt. Cần có phương án trị thủy sông Hồng để bảo đảm an toàn cho thủ đô. Không nên xây dựng thành phố sông Hồng vì vừa tốn kém vừa không an toàn.

* KTS Phạm Tứ (hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc TP.HCM): Có nguy cơ phá vỡ mục tiêu đề án

Theo tôi, cần phải làm rõ tại sao trục trung tâm bắt đầu từ đường Hoàng Quốc Việt, kết thúc tại Ba Vì và lại có tên Thăng Long? Nếu chỉ để giải quyết giao thông thì tên gọi và hướng đến không thỏa đáng. Vì tên Thăng Long đối với chúng ta là một cái gì đó hết sức thiêng liêng và đặc biệt.

Nhà quy hoạch cần phải làm rõ những vấn đề trên để người dân hiểu và chia sẻ ý tưởng. Vai trò của trục này cũng chưa thể hiện rõ. Mô hình đô thị vệ tinh không mới và quy hoạch Hà Nội có đến năm đô thị vệ tinh cũng là hợp lý. Nhưng mặt trái của mô hình này là những đô thị vệ tinh luôn gây áp lực rất lớn lên đô thị trung tâm. Đồ án chưa tính đến mặt trái này.

Hiện trạng của thủ đô đang phát triển theo kiểu lỗ chỗ, nên ý đồ quy hoạch về hành lang xanh khó khả thi. Tuy “vẽ” là xanh nhưng thực tế những vị trí này đang bị đô thị hóa. Nếu không khả thi thì có nguy cơ phá vỡ mục tiêu đầu tiên của đồ án (xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại).

* TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn (chuyên gia quốc tế về quy hoạch kiến trúc): Không làm thêm trục Thăng Long

Theo tôi, nếu cần mở rộng trung tâm hành chính quốc gia thì áp dụng các giải pháp sau:

(1) cải tạo mở rộng các công trình hiện hữu, miễn là không phá hỏng cảnh quan lịch sử;

(2) dời các cơ sở hành chính của trung tâm hành chính thành phố Hà Nội hiện hữu sang khu vực mới (như Mỹ Đình, Đông Anh) để ưu tiên dành vị trí trung tâm gần Ba Đình cho việc mở rộng cơ sở hành chính của trung tâm hành chính quốc gia;

(3) dành khu vực tây hồ Tây cho việc xây công trình mới của trung tâm hành chính quốc gia (nên dời các dự án của các nhà đầu tư Hàn Quốc đi nơi khác phù hợp hơn). Không cần làm thêm trục Thăng Long song song với trục Láng - Hòa Lạc.

Đối với trung tâm lịch sử Hà Nội: Phải xác định cụ thể ranh giới trung tâm lịch sử Hà Nội (bao gồm trung tâm chính trị Ba Đình, khu 36 phố phường, khu biệt thự Pháp, khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm và khu vực bao quanh các công trình lịch sử có giá trị). Vì vậy, nhất thiết phải quy định hướng dẫn chi tiết về luật pháp và giải pháp quy hoạch kiến trúc cho nhu cầu cải tạo, nâng cấp và xây mới trong khu vực trung tâm lịch sử Hà Nội.

Trung tâm tài chính quốc tế: Không nên xây dựng trung tâm tài chính quốc tế và công trình cao tầng tại nội đô Hà Nội vì cần bảo tồn công trình và không gian lịch sử. Nên xây dựng trung tâm tài chính quốc tế ở một khu vực mới có thể cho phép không giới hạn tầng cao và dùng chức năng này để tạo nên động lực phát triển cho toàn khu vực mới. Cạnh đó, phải tạo được kết nối dễ dàng trung tâm tài chính quốc tế với trung tâm hành chính quốc gia và với sân bay Nội Bài bằng giao thông công cộng và đường cao tốc.

Hai bờ sông Hồng: Không nên xây dựng hệ thống đường kết nối chính của vùng thủ đô Hà Nội với nội đô quá sát hai bên sông Hồng mà phải cách ít nhất 400-800m. Trong trường hợp phải làm sát bờ sông thì nên xem xét giải pháp ngầm. Không nên xây dựng dãy nhà cao tầng sát hai bên sông Hồng mà nên có sự chuyển tiếp tầng cao dần dần.

Đô thị vệ tinh: Nhà nước nên ưu tiên mở rộng các đô thị vệ tinh đã có sẵn hạ tầng, không nên nghĩ đến việc tạo ra các đô thị vệ tinh mới hoàn toàn trong giai đoạn đến năm 2025.

Khu dân cư đô thị: Chính phủ cần đảm bảo việc bảo tồn phát triển mạng lưới hồ nước của Hà Nội kết hợp công viên xanh phục vụ chức năng công cộng. Luật hóa tiêu chí hạ tầng cho việc phát triển các khu dân cư mới phải đạt tiêu chuẩn ít nhất một công viên và các công trình dịch vụ công cộng tối thiểu (nhà trẻ, siêu thị, trạm xe công cộng, trường phổ thông...) nằm trong khoảng cách đi bộ tối đa 10 phút từ nơi ở.

Mạng lưới giao thông công cộng: Cần đưa ra được chiến lược phát triển hướng đến mục tiêu cung ứng giao thông công cộng các loại cho khu vực nội ô kết hợp các bãi xe lớn quan trọng, sao cho người dân có thể di chuyển trong nội ô không cần phương tiện giao thông cá nhân.

* Bà Lê Thị Trang (đường Nơ Trang Long, P.14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM): Sợ thiếu tiền thực hiện

Nhìn bản vẽ quy hoạch thủ đô tôi thấy rất đẹp. Nhiều mảng xanh bao quanh đô thị, những trục giao thông hiện đại nối liền các thành phố vệ tinh và các tỉnh khác, có rừng dự trữ trong TP và cả những khu đô thị sinh thái... Tuy nhiên, tôi vẫn lo quy hoạch này khó khả thi. Tiền đâu ra để làm những dự án hoành tráng như trục Thăng Long, những đường cao tốc, nhiều tầng nối các đô thị vệ tinh?

Liệu chúng ta có quá lý tưởng hóa để rồi sau đó biến cả những vùng đất mới thành những khu quy hoạch treo dài năm. Quan trọng hơn nữa là cách điều hành của Nhà nước có theo kịp với cái hiện đại, hoành tráng của thủ đô? Nếu Nhà nước vẫn quản lý đô thị theo lối “thủ công” làng xã như hiện nay thì việc xây dựng tràn lan trong quá trình đô thị hóa sẽ dẫn đến quy hoạch bị phá vỡ và hoàn toàn xa lạ với thực tế.
 

Theo Tuổi Trẻ

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME