Dân đầu cơ “lướt sóng” đất nền Phú Quốc có nguy cơ mất tiền tỷ
Hiện tại, đất nền Phú Quốc không còn nóng sốt hầm hập như vài tháng trước khiến không ít nhà đầu cơ "lướt sóng" như "ngồi trên đống lửa" khi không thoát được hàng.
"Mắc cạn" ở Phú Quốc
Hiện nay, thị trường đất nền (chủ yếu là đất nông nghiệp, đất rừng) tại Phú Quốc giao dịch đã giảm hẳn. Ghi nhận thực tế cho thấy, không còn hiện tượng nhà đầu tư ồ ạt mua bán "lướt sóng", hưởng chênh cao trong thời gian ngắn. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư thứ cấp tìm mọi cách để thoát hàng nhanh.
Chị Nguyễn Hà (ngụ Tp.HCM), đặt cọc 700 triệu đồng mua mảnh đất rộng 500m2 tại đường Búng Gội, xã Cửa Dương với giá mua vào 10 triệu đồng/m2. Cuối tháng 5/2018 là đến hạn đi công chứng sang tên. Nhưng hiện tại chị không gom đủ tiền để đưa hết trong ngày công chứng nên ráo riết rao bán mảnh đất với giá huề.
"Ban đầu tôi chỉ có ý định đặt cọc rồi "lướt sóng" hưởng chênh nhưng rao bán mãi không ai mua nên giờ phải tìm cách bỏ tiền vào mua luôn. Nếu cuối tháng này không đủ tiền hoặc không tìm được người góp vốn tôi sẽ mất cọc 700 triệu đồng với chủ đất", chị Hà cho biết.
Anh Văn Đạt (ngụ Biên Hòa - Đồng Nai) cũng lâm vào tình cảnh tương tự khi đang tìm cách ra hàng nhanh mảnh đất 109m2 tại xã Dương Tơ với giá 16 triệu đồng/m2. Anh Đạt "lao" vào cơn sốt đất đặc khu và sẵn sàng bỏ hơn 1 tỷ đồng để mua miếng đất với hy vọng kiếm chênh vài trăm triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, hiện đất rao chưa có người hỏi mua khiến anh Đạt lo lắng vì có thể không thu được vốn bỏ ra.
Hiện những mảnh đất thổ cư, đất nông nghiệp tại thị Trấn Dương Đông, xã Cửa Dương, xã Hàm Ninh… không còn nóng sốt hầm hập như đợt trước. Nhiều nhà đầu tư ôm đất tại các khu vực này tìm mọi cách để ra được hàng.
Anh Vũ Văn Thắng, một nhà đầu tư "ôm" 2 mảnh đất diện tích 300m2/mỗi nền tại xã Hàm Ninh hiện đang rao bán huề vốn nhưng vẫn chưa chốt được giao dịch. "Mặc dù đã gửi nhiều sàn, nhiều môi giới khác nhau rao bán nhưng đã gần tháng nay vẫn chưa môi giới nào báo lại. Nếu tình trạng khó chốt giao dịch, có thể tôi sẽ hạ giá để ra hàng nhanh", anh Thắng lo lắng chia sẻ.
Theo ghi nhận, những thông tin kiểu như "cần bán gấp, bán lỗ…." đã dần xuất hiện tại các các trang tin rao bán đất Phú Quốc. Các chuyên gia thừa nhận, khi cơn sốt đất đi qua, nhà đầu cơ "lướt sóng" có nguy cơ mất tiền tỷ bởi không thể thoát hàng.
Không ra được hàng, thậm chí bán tháo, cắt lỗ là tình trạng đang diễn ra đối với những nhà đầu tư mạo hiểm "lướt sóng" đất nền tại Phú Quốc. Ảnh: Trí thức trẻ |
Anh Hồ Văn Đức, một môi giới tự do cho biết, thực tế có khá nhiều nhà đầu tư "ôm" nhiều sản phẩm cùng lúc trước đó, hiện tại sẵn sàng hạ giá ở một vài nền để đẩy hàng nhanh. Một số nhà đầu tư lại chờ kết quả thanh tra đất đai xong rồi tính tiếp.
"Giao dịch đất đai Phú Quốc đã chậm lại khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng vì khó ra hàng. Ở những giao dịch đang phát sinh, nhiều người chấp nhận bỏ tiền cọc vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng cho chủ đất thay vì mua vào. Bởi theo họ, nếu mua luôn đến khi giá rớt hoặc không bán được sẽ còn lỗ nặng hơn", anh Đức cho biết.
Đất Phú Quốc hạ nhiệt, tiền của nhà đầu tư sẽ về đâu?
Hàng loạt các chính sách ngăn chặn tình trạng nóng sốt đất bất thường tại Phú Quốc cùng lúc được đưa ra khiến thị trường BĐS nơi đây "giảm nhiệt".
Cụ thể, đầu tháng 4/2018, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thanh tra đất nông nghiệp ở đảo ngọc Phú Quốc. Bên cạnh đó, tỉnh ủy Kiên Giang cũng có văn bản yêu cầu các ngành siết chặt công tác quản lý đất đai, chỉ đạo công an điều tra phá rừng, bao chiếm đất ở nơi sắp trở thành đặc khu kinh tế.
Ngày 15/5, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng đã ký văn bản về việc cho tạm ngưng các hoạt động phân lô, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất cho đến khi Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được thông qua.
Sau các quyết định này, tình trạng sốt đất ở các địa phương Phú Quốc đã "giảm nhiệt" rõ nét. Theo ghi nhận, lượng người đi mua đất giảm cũng khiến giới "cò" đất vắng bóng những ngày qua. Một môi giới cho biết, quyết định tạm dừng phân lô, tách thửa của chính quyền huyện đảo đã khiến người đi mua đất e dè, không còn hiện tượng sốt sắng hùn tiền mua đất như cách đây 1 tháng.
Theo chuyên gia BĐS độc lập Phan Công Chánh, vì giá mua - bán thời gian gần đây đa phần là giá ảo nên khi có thông tin thanh tra, nhiều nhà đầu tư sẽ quay đầu lập tức, hoặc là nhanh chóng thoát hàng hoặc dừng hoạt động mua bán, hoặc bán lỗ để thu lại vốn. Thậm chí, không ít nhà đầu tư chấp nhận mất vài tỷ đồng, dừng cuộc chơi với đất đai vì sợ mất "cả chì lẫn chài".
Ông Chánh cho biết: "Đất nền tại một số khu vực của Phú Quốc hiện đã giảm giá từ 20-30%, nhà đầu tư đua nhau xả hàng. Nhiều nhà đầu tư bán lỗ, giảm giá sâu từ 40% để nhanh thu lại vốn nhưng không dễ ra hàng vì số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường đã giảm hẳn. Nhất là với những mảnh đất chưa hoàn thiện pháp lý, giấy tờ thì giao dịch cực kỳ khó khăn. Thời điểm đất sốt, nhà đầu tư ở nhiều tỉnh thành đổ về đây săn đất, không cần tìm hiểu, bất chấp cảnh báo, chỉ chăm chăm vào lợi nhuận… đến khi thị trường trầm lắng, họ sẽ là những người nhận rủi ro".
Hiện nay, dòng tiền của nhà đầu tư thứ cấp bị chôn lại ở những mảnh đất không ra được hàng. Một số nhà đầu tư đang "nín thở" để chờ thời điểm thích hợp sau quyết định thanh tra khiến giá đất tại thị trường Phú Quốc đi xuống rõ nét. Trong khi đó, các chuyên gia trong ngành cho rằng, chính đất giảm giá lại là điều kiện cho nhu cầu thực lên ngôi. Thị trường Phú Quốc thời gian tới được dự báo sẽ ghi nhận mạnh ở nhu cầu thực, đón đầu hoạt động kinh doanh, buôn bán…
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet