Dài cổ chờ giấy hồng vì chủ đầu tư mắc nợ
Đầu tháng 8, gần 400 hộ dân tại chung cư Gia Phú, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân bất ngờ được Phòng TN&MT quận thông báo chưa thể cấp giấy hồng cho họ. Lý do là giấy đỏ của dự án đang bị chủ đầu tư thế chấp tại một ngân hàng ở quận 5.
Đem tài sản chung đi thế chấp
Chị Đinh Thị Linh, lầu 4, lô B cho biết: Năm 2010, chị mua căn hộ tại chung cư Gia Phú của Công ty Thiết kế và Xây dựng Trung Nam. Tháng 4-2013, chủ đầu tư yêu cầu chị chuẩn bị hồ sơ và nộp 5% số tiền còn lại để làm thủ tục cấp giấy hồng. Sau đó, chủ đầu tư tiếp tục thông báo đã có giấy hẹn của quận đến nhận giấy hồng vào tháng 8.
“Mới đây, tôi lên quận hỏi thăm thì được biết việc cấp giấy cho cư dân chung cư Gia Phú phải hoãn lại vì giấy đỏ của dự án đã bị chủ đầu tư “cắm” trong ngân hàng. Phòng TN&MT quận Bình Tân cho hay đang xin hướng dẫn của Sở TN&MT (công văn gửi ngày 31-7) và đề nghị tôi tiếp tục chờ” - chị Linh bày tỏ.
Dự án căn hộ cao cấp Sông Đà, số 14B Kỳ Đồng, phường 9, quận 3 |
Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (ĐKQSDĐ) quận Bình Tân xác nhận Công ty Trung Nam đã thế chấp dự án chung cư Gia Phú cho ngân hàng. Khi làm việc với quận và phía ngân hàng, công ty này hứa sẽ giải quyết nợ trong tháng 7 nhưng đến nay vẫn không có động tĩnh gì.
Tương tự, 40 khách hàng mua căn hộ tại dự án căn hộ cao cấp Sông Đà, số 14B Kỳ Đồng, phường 9, quận 3 cũng chưa được cấp giấy vì giấy đỏ của dự án đang bị thế chấp tại ngân hàng. Làm việc với Sở TN&MT, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Sông Đà giải thích việc thế chấp được thực hiện trước khi bán căn hộ cho khách hàng.
Tuy nhiên, theo Văn phòng ĐKQSDĐ TP, Công ty Sông Đà đã hai lần thế chấp giấy đỏ tại ngân hàng vào năm 2008 và năm 2012. Trong khi đó, họ đã ký hợp đồng mua bán và bàn giao căn hộ cho 40 khách hàng từ tháng 10-2009 (có nghĩa từ thời điểm này toàn bộ dự án không còn là tài sản riêng của chủ đầu tư nữa).
Chủ yếu vận động chủ đầu tư trả nợ
Đầu tháng 6, Văn phòng ĐKQSDĐ TP đã làm việc với chủ đầu tư dự án Sông Đà và ngân hàng. Ngân hàng nhận thế chấp cho hay trường hợp này đã chuyển thành nợ xấu nên thẩm quyền giải quyết thuộc về hội sở. Công ty Sông Đà hẹn sẽ trả nợ trong tháng 7 nhưng sau đó lại xin gia hạn sang tháng 8. “Chiều 27-8, chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với hội sở ngân hàng và chủ đầu tư để thống nhất hướng giải quyết” - ông Phạm Gia Hòa, Phó Giám đốc Văn phòng ĐKQSDĐ TP, cho biết.
Cũng theo Văn phòng ĐKQSDĐ TP, hiện vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể cho những trường hợp trên. Về nguyên tắc, sau khi chủ đầu tư đã bán nhà cho khách hàng thì phải nộp lại giấy đỏ (chưa có công trình, là sở hữu riêng của chủ đầu tư) để cơ quan chức năng hủy và ra giấy mới (đã có công trình và là sở hữu chung của nhiều người) cho chủ đầu tư và khách hàng.
“Văn phòng ĐKQSDĐ TP sẽ yêu cầu chủ đầu tư và ngân hàng thỏa thuận về các khoản nợ và khả năng hoàn trả nhằm có thể sớm lấy giấy đỏ đã thế chấp ra. Trường hợp chủ đầu tư có dấu hiệu lừa đảo, cơ quan chức năng sẽ chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan công an điều tra làm rõ. Ngoài ra, người dân cũng có thể kiện chủ đầu tư ra tòa” - ông Phạm Gia Hòa nói.
Tại cuộc họp giao ban về tiến độ cấp giấy đầu tháng 8, UBND TP chỉ đạo: Trường hợp chủ đầu tư đã “cắm” giấy đỏ trong ngân hàng, trách nhiệm giải quyết là của cơ quan nhà nước, chủ đầu tư và ngân hàng. Nếu người dân đã đóng tiền đầy đủ thì phải được cấp giấy chứng nhận.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu chủ đầu tư không có khả năng trả nợ (đương nhiên phía ngân hàng cũng không thể trả lại giấy đỏ) thì cơ quan chức năng sẽ xử lý như thế nào? Bởi theo quy định, cơ quan chức năng không thể cấp thêm một giấy chứng nhận khác cho dự án khi chưa hủy giấy cũ.
Chúng tôi đã chờ đợi giấy hồng từ năm năm nay, nếu giờ lại phải đi kiện nữa thì quá gian nan, mệt mỏi. Mong rằng cơ quan chức năng sớm tìm ra giải pháp xử lý để người dân đỡ phiền hà. Ông Phạm Anh Khanh, lầu 3, lô A, chung cư Gia Phú Quận Bình Tân đã chuẩn bị xong mọi thủ tục để cấp giấy cho các hộ dân tại chung cư Gia Phú, một số phôi giấy cũng đã in xong. Tuy nhiên, khi yêu cầu chủ đầu tư nộp giấy đỏ cấp trước đây để hủy trước khi cấp giấy mới thì mới biết họ đã thế chấp tại ngân hàng. Chúng tôi đang chờ hướng dẫn của Sở TN&MT để giải quyết trường hợp này. Tôi cho rằng ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư, phía ngân hàng cũng cần phải xem xét việc thẩm định tài sản thế chấp để tránh rủi ro cho người dân. Ông Trần Minh Khiêm, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet