Đại biểu Quốc hội bức xúc thực trạng dự án treo bỏ đất hoang
Theo đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), thực tế vừa qua một số dự án treo gây bất bình trong nhân dân, có những dự án lợi ít, hại nhiều nhưng không có ai chịu trách nhiệm, bị xử lý kỷ luật, bị truy tố trước pháp luật.
Thời gian vừa qua, tình trạng sử dụng đất đai thiếu quy hoạch, kế hoạch đã gây nhức nhối trong dư luận. Đánh giá về thực trạng này tại buổi thảo luận về sửa đổi Luật Đất đai chiều 16/7, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nói, tình trạng dự án treo hiện đang gây bất bình trong dư luận trong nhân dân. Đất bỏ hoang không sử dụng, không cho dân sản xuất, không cho dân xây dựng nhà ở. Nhiều dự án sau khi được phê duyệt nhưng nhiều năm không công bố quy hoạch, gây khó khăn cho công tác quản lý tại địa phương và ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền của người sử dụng đất.
Để minh chứng cho việc sử dụng đất thiếu kế hoạch, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đưa ra con số cụ thể: Trong định hướng về mặt tổng thể phát triển đô thị Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998 có dự báo đến năm 2010 diện tích đất đô thị khoảng 243.000 héc ta chiếm 1,4% diện tích cả nước. Nhưng thực tế chỉ đến năm 2005 diện tích đô thị cả nước đã lên đến 325.000 héc ta vượt 1,8 lần so với dự báo diện tích đất đô thị năm 2010.
Theo quyết định phê duyệt, điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 của Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 445 ngày 7/4/2009 đã định hướng phát triển với tốc độ đô thị hoá còn nhanh hơn cả giai đoạn 10 năm vừa qua. Theo đó lộ trình này được xác định năm 2015 dân số đô thị khoảng 35 triệu, tỷ lệ đô thị hoá là 38% với nhu cầu đất xây dựng đô thị là 335.000 chiếm 1,06 diện tích cả nước. Đến năm 2020 dân số đô thị khoảng 44 triệu người, tỷ lệ đô thị hoá là 45% so với nhu cầu đất xây dựng đô thị khoảng 400.000 héc ta chiếm 1/3 diện tích cả nước. Vào năm 2025 các con số này lần lượt là 52 triệu người, tốc độ đô thị hoá là 50%, nhu cầu sử dụng đất khoảng 450.000 héc ta chiếm 1,4%.
Để đảm bảo được định hướng quy hoạch phát triển đô thị, theo đại biểu Trịnh Ngọc Phương, thời gian tới việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp vẫn sẽ là xu thế tiếp tục chuyển giao. Đối với các đô thị lớn thì xu thế chuyển hoá đất nông nghiệp ven đô, ngoại thành sẽ càng thấy rõ hơn. Do vậy, yêu cầu đặt ra lúc này là phải quản lý thật chặt chẽ kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất.
Theo kiến nghị của Đại biểu Trịnh Ngọc Phương, trong dự thảo lần này, Quốc hội nên gắn quy hoạch sử dụng đất gắn chặt quy hoạch kế hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất vùng tỉnh, kế hoạch sử dụng đất vùng, miền Chính phủ quy định chi tiết điều này. Theo đó đối với quy hoạch, kế hoạch sử đụng đất cấp quốc gia chỉ quy hoạch ở dạng chiến lược.
Trên cơ sở đó quy hoạch sử dụng đất vùng tỉnh sẽ xác định các mục đích chính, có chính sách chiến lược vùng để sở hữu, sử dụng và sắp xếp các nguồn lực, nhằm đạt được mục đích đề ra cho vùng, đồng thời kết nối phù hợp định hướng với quy hoạch chung của quốc gia, sau đó vùng huyện đưa quy hoạch chi tiết và cụ thể về kế hoạch sử dụng đất cùng vùng, đồng thời xây dựng kế hoạch sử dụng đất cho cấp xã.
Trước thực trạng sử dụng lãng phí nguồn tài nguyên đất đai hiện nay, tại phiên thảo luận, nhiều Đại biểu Quốc hội đã yêu cầu ban soạn thảo cần đưa ra những chế tài mạnh quy trách nhiệm cho những cá nhân đã làm sai.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nhấn mạnh, “hiện nay nhiều khu quy hoạch bỏ hoang hóa trong khi đó nhân dân không có đất sản xuất mà quy hoạch bỏ hoang hóa nhưng không ai chịu trách nhiệm. Tôi nghĩ ai đề ra quy hoạch đó mà không thực hiện được thì người đó phải chịu trách nhiệm”.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) chất vấn "thực tế vừa qua một số dự án treo gây bất bình trong nhân dân, có những dự án lợi ít, hại nhiều nhưng không có ai chịu trách nhiệm, bị xử lý kỷ luật, bị truy tố trước pháp luật" đại biểu Huỳnh Nghĩa cho biết.
Đồng quan điểm, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) kiến nghị Quốc hội, từ việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến phê duyệt các dự án đầu tư thu hồi đất, giao đất, sử dụng đất cần đảm bảo tính khả thi cao. Đồng thời, cần phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn đối với cơ quan quản lý, cá nhân phê duyệt việc thu hồi giao đất, tránh tình trạng lãng phí quá lớn như hiện nay với hàng ngàn ha đất bỏ hoang ở các khu công nghiệp và khu đô thị trong nhiều năm qua.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet