Cuộc đua khốc liệt trên thị trường bán lẻ
Sự kiện chuyển nhượng lại toàn bộ 87 cửa hàng của Shop&Go cho Vingroup với giá tượng trưng 1USD được đánh giá giống một tuyên bố phá sản hơn là việc "cho, tặng".
<<87 cửa hàng Shop&Go được chuyển nhượng cho Vingroup với giá 1USD
Vốn là một trong những chuỗi cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại thị trường Việt Nam, mới đây, Shop&Go đã nhượng toàn bộ 87 cửa hàng cho VinCommerce, đơn vị quản lý hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ (thuộc Tập đoàn Vingroup) với giá chỉ 1USD.
Một số chuyên gia cho rằng, đây không phải là nghĩa cử "cho, tặng" đơn thuần, mà là động thái rút lui "không kèn, không trống", là lời tuyên bố "phá sản" của một doanh nghiệp. Trên thực tế, thương hiệu này đã có những dấu hiệu cho thấy đang gặp khó khăn trong những năm gần đây. Số lỗ được báo trong hai năm 2015 và 2016 của hệ thống cửa hàng này lần lượt là 17,8 và 38,6 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến cuối năm 2016 là gần 205 tỷ đồng.
Một cửa hàng tiện lợi của doanh nghiệp ngoại đang hoạt động tại thị trường Sài Gòn
Theo chuyên gia chiến lược tăng trưởng doanh nghiệp Phạm Việt Anh, xét đến tổng thể hoạt động kinh doanh, dòng tiền là yếu tố quan trọng hơn lời lãi đối với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành bán lẻ. Đơn cử như Shop&Go, chuỗi có thể thua lỗ về mặt số liệu tài chính, nhưng vẫn đảm bảo dòng tiền dương để hoạt động. Điều này đến từ 2 yếu tố chính là vòng quay hàng hóa đủ nhanh và khả năng chiếm dụng vốn từ các nhà cung cấp.
Việt Nam theo Bảng xếp hạng Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) của ATKearney đã có 7/10 năm (2007-2017) được nằm trong nhóm 30 thị trường bán lẻ tiềm năng hàng đầu thế giới. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, doanh thu bán lẻ hàng hóa Việt Nam vào cuối năm 2018 là 3,3 triệu tỷ đồng. Việt nam đang có nhiều điểm hấp dẫn để phát triển thị trường bán lẻ như: Tốc độ phát triển kinh tế được duy trì ở mức cao, quy mô dân số lớn và trẻ, tiến trình đô thị hóa và thu nhập của người dân đô thị ngày càng tăng... |
Song, phương án "mượn vốn từ đối tác" để hoạt động chỉ có thể áp dụng trong ngắn hạn, bởi, nếu trạng thái thua lỗ kéo dài sẽ khiến hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng ít nhiều. Hay nói cách khác, khi hoạt động của chuỗi bán lẻ không có hiệu quả, vòng quay hàng tồn kho không hoàn thành trước mỗi kỳ thanh toán sẽ dẫn đến sự thiếu hụt về dòng vốn lưu động.
Từ báo cáo tài chính của Shop&Go có thể phần nào thấy được, doanh nghiệp này đã phải bù đắp thiếu hụt thanh khoản bằng việc sử dụng nguồn vốn đi vay. Tính đến thời điểm cuối năm 2016, toàn bộ tài sản của chuỗi đều được hình thành từ nợ phải trả.
Ông Việt Anh đánh giá: "Doanh nghiệp bán lẻ, có thể chiếm dụng được vốn của nhà cung cấp để tạo ra vòng quay vốn lưu động nhưng về lâu dài sẽ phải tìm ra cách để có lợi nhuận. Nếu không làm được, khi các khoản lỗ âm vào vốn chủ sở hữu, việc phá sản sẽ diễn ra".
Shop&Go là trường hợp tiếp theo trong danh sách các tên tuổi phải thu hẹp hoạt động, hoặc rút khỏi thị trường bán lẻ Việt Nam.
Đầu năm 2018, Vissan cũng từng cho biết, có gần 60 trong chuỗi 100 cửa hàng tiện lợi của đơn vị này đã đóng cửa hoạt động. Từng có tham vọng mở chuỗi 500 cửa hàng/năm khi thành lập hệ thống bán lẻ Co.op Smile vào năm 2016, nhưng chỉ sau hơn 2 năm hoạt động, quy mô của chuỗi này chưa bằng 1/5 kỳ vọng ban đầu mà Saigon Co.op đã đưa ra. Cũng từng tuyên bố sẽ thành lập khoảng 1.000 cửa hàng tại Việt Nam vào 2020, nhưng đến năm 2018, Familymart đã phải dừng kế hoạch mở rộng đầu tư vì hoạt động của chuỗi không hiệu quả.
Một trong những ông lớn trong ngành cà phê như Trung Nguyên cũng không thoát cảnh thất bại khi tham gia vào thị trường bán lẻ với G7 Mart và G7-Ministop. Cùng với đó, một số thương hiệu khác cũng đã âm thầm rời bỏ thị trường bán lẻ chỉ sau thời gian ngắn.
Thua lỗ và không đủ sức cạnh tranh là lý do chính dẫn đến sự rời bỏ của các doanh nghiệp này. Tổng giám đốc Vissan Nguyễn Ngọc An từng cho biết, do hoạt động không hiệu quả, không có nhiều khách tới mua nên nhiều cửa hàng của họ đã phải đóng cửa. Và lý do thua lỗ cũng được lãnh đạo Family Mart nhắc tới khi tuyên bố "không thể đổ thêm nguồn lực để đầu tư".
5 năm trở lại đây, sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn đã khiến thị trường bán lẻ Việt Nam dần trở nên chật chội và gia tăng sức ép cạnh tranh lớn.
Cuộc chạy đua mở rộng thị trường, lựa chọn vị trí đắc địa để hoạt động của những thương hiệu ngoại sớm có mặt tại thị trường Việt Nam như FamilyMart, Ministop, Circle K, Shop & Go, 7-Eleven cho tới những đối thủ nội như Vingroup, Sài Gòn Co.op, Satra hay Vissan đã khiến họ phải bỏ ra con số quá lớn để duy trì "cuộc chiến" này. Như Vingroup, chỉ chưa tới 5 năm hoạt động với hai thương hiệu quy mô chuỗi lớn nhất hiện nay là Vinmart và Vinmart+, họ đã phải bỏ tới hơn 16.000 tỷ đồng vào phân khúc bán lẻ.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet