Công trình xanh không chỉ là cây xanh và mặt nước
Nhà ở cao tầng xanh được nhận định là xu thế phát triển tất yếu ở các đô thị lớn. Thế nhưng quá trình xanh hóa các tòa nhà chọc trời ở Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Nhà ở cao tầng xanh – sân chơi chưa xôm tụ
Tại Hội thảo Phát triển thị trường nhà ở cao tầng xanh tại Việt Nam, các chuyên gia đều chung nhận định biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí đang trở thành vấn nạn tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Nhà cao tầng bị coi là một trong những tội đồ của thực trạng này với một lượng lớn khí thải, bụi thoát ra từ hoạt động xây dựng. Cùng với đó, các tòa nhà cao tầng khi vận hành thường tiêu thụ nhiều năng lượng, là tác nhân không nhỏ phát thải khí carbon ra môi trường, làm gia tăng hiện tượng đảo nhiệt đô thị, khiến bề mặt trái đất nóng lên.
Thế nhưng những tòa nhà xanh, thân thiện với môi trường tại Việt Nam đang rất hiếm hoi. Báo cáo của CBRE cho thấy, tính đến tháng 12/2018, Việt Nam mới chỉ có 104 dự án được chứng nhận xanh với gần 2,5 triệu m2 sàn. Đây là một con số rất khiêm tốn so với hàng ngàn dự án được xây dựng trên cả nước.
Ông Hoàng Mạnh Nguyên, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu và phát triển đô thị xanh cho rằng, cấu trúc đô thị nén (xây dựng các tòa nhà cao tầng) là giải pháp thiết thực tại các đô thị lớn do sự hạn hẹp của quỹ đất. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà ở cao tầng tại các thành phố lớn chưa có sự quan tâm đúng cách, khiến môi trường sống bị đe dọa. Hiện phần lớn dự án nhà ở đang chạy theo lợi nhuận mà quên đi các tiêu chí bền vững. Trong khi đó, môi trường sống xuống cấp càng đòi hỏi việc phát triển nhà cao tầng xanh phải trở thành xu thế tất yếu của tương lai.
Theo đại diện IFC, cho rằng công trình xanh chưa phát triển mạnh là do chưa có chính sách khuyến khích đầu tư cụ thể tại Việt Nam. Một rào cản lớn khác đến từ nhận thức khi nhiều chủ đầu tư cho rằng công trình xanh đồng nghĩa với đắt đỏ, chi phí đầu tư sẽ cao hơn so với công trình thường. Dù trên thực tế, nếu công trình được định hướng “xanh” ngay từ đầu và triển khai đồng bộ ở các khâu thì mức tăng chỉ dao động từ 1-2%.
Xu thế tất yếu của tương lai
Nhà ở cao tầng xanh được nhận định là xu thế phát triển tất yếu ở các đô thị lớn.
Những năm gần đây, công trình xanh, dự án xanh, sinh thái xuất hiện với tần số cao trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, tại phần lớn các dự án, “yếu tố xanh, sinh thái” chỉ là “mác”, được sử dụng như một công cụ để truyền thông, marketing dự án nhằm bán hàng. Cũng chính quá trình truyền thông này khiến nhiều người lầm tưởng, công trình xanh chỉ đơn thuần là gồm cây xanh và mặt nước. Trên thực tế, cây xanh hay mặt nước chỉ là một phần nhỏ của công trình xanh. Một dự án xanh đích thực không đơn thuần là các yếu tố thiên nhiên mà còn là quá trình thiết kế, xây dựng, sử dụng thiết bị, vật liệu, vận hành dự án đó…
Nhìn nhận về thực tế này, ông Hoàng Mạnh Nguyên cho biết nhiều dự án gắn “mác xanh” không theo một tiêu chuẩn xanh nào và “mác xanh” là để phục vụ cho mục đích bán hàng là chính. Không theo một quy chuẩn rõ ràng nên người mua khó có thể đánh giá được mức độ xanh của một dự án.
Cũng tại hội thảo, ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm Capital House cho biết một sản phẩm nhà ở xanh không đơn thuần là cây xanh và mặt nước. Việc nghiên cứu để đưa ra các phương án về thiết kế, sử dụng vật liệu trong kiến tạo công trình xanh rất quan trọng. Tại nhiều dự án của Capital House, đơn vị chú trọng sử dụng kính low-2 2 lớp cho những căn hộ cửa sổ hướng tây, sử dụng màu sơn phản xạ với hệ số SRI trung bình 80%, thiết kế xẻ khe, đón ánh sáng và gió tự nhiên, hệ thống màng lọc tổng UF…
Theo ông Bách, với việc đầu tư vào công trình xanh khiến chi phí tăng lên 1,5%. Tuy nhiên, những lợi ích mà chủ đầu tư thu về lại rất lớn như sản phẩm tiêu thụ tốt hơn, chi phí vận hành giảm, mang đến cuộc sống tốt hơn cho người dân, nâng cao thương hiệu doanh nghiệp.
Kiến trúc sư Hoàng Mạnh Nguyên cho rằng, nhà ở cao tầng xanh cần trở thành xu thế tất yếu của cuộc sống. Bởi những công trình này có vai trò, ý nghĩa quan trọng hướng tới một tương lai bền vững khi giúp tiết kiệm quỹ đất, tạo ra sự đồng bộ về hạ tầng và kỹ thuật, mang lại môi trường sống tốt cho người dân.
Ông Nguyên, cho rằng để công trình xanh có thể phát triển mạnh cần những hệ thống chính sách và pháp luật rõ ràng. Bên cạnh đó cũng cần xây dựng hệ thống quản lý với các quy chuẩn rõ ràng để khuyến khích các đơn vị tham gia phát triển công trình xanh.
Bạch Cúc
(Theo TC Thanh niên)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet