Công trình xanh – giải pháp của những thành phố ô nhiễm
Chỉ trong vòng 1 tháng qua, Hà Nội đối mặt liên tiếp những vấn nạn về môi trường, từ nồng độ bụi PM2.5 tăng mạnh so với các tháng trước đến sự cố nước sông Đà nhiễm bẩn. Trong bối cảnh đó, xu hướng phát triển bền vững là hình thành công trình xanh tại các đô thị càng trở nên cấp thiết.
Hà Nội ô nhiễm trầm trọng
Phát biểu tại tọa đàm “Nước và Không khí trong phát triển Công trình xanh”, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho biết mức độ ô nhiễm của không khí Hà Nội đang tăng lên và chất lượng môi trường sống đang xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân của thực trạng này là do tốc độ đô thị hóa quá nhanh nhưng lại không đảm bảo các tiêu chuẩn trong quá trình phát triển. Bên cạnh đó, điều kiện khoa học công nghệ của nước ta chưa mạnh để có thể xử lý kịp thời và triệt để với các vấn đề ô nhiễm. Đặc biệt, sự gia tăng dân số đột biến, nhất là tại các thành phố lớn đã gây áp lực lớn lên môi trường.
Nồng độ bụi mịn tăng mạnh và tiếp đó là vụ ô nhiễm nguồn nước sông Đà đã và đang đẩy người dân Hà Nội vào một môi trường sống nguy hại tới sức khỏe. Bà An nhận định vụ ô nhiễm nước sông Đà cho thấy những lỗ hổng về quản lý và trách nhiệm quản lý. Khi sự việc xảy ra, đúng ra cơ quan quản lý địa phương cấp cho ai, Bộ Xây dựng phân cấp cho Cục nào hay đơn vị nào là phải báo cáo. Tuy nhiên, trên thực tế lại không báo cáo.
Cũng theo bà An, để đảm bảo sự an toàn của nguồn nước, Quốc hội cần có sự giám sát về vấn đề quy hoạch nguồn nước trên các tiêu chí: điều kiện, tiêu chuẩn của vùng nước vào đầu nguồn, tiêu chuẩn về lấy nước mặt và lấy nước ngầm. Hiện tất cả các tiêu chí này đều đã có trong các văn bản quy phạm pháp luật. Việc chủ đầu tư không thực hiện đúng những nguyên tắc này đã gây nên thảm họa về nguồn nước cho khoảng 20% hộ dân tại Hà Nội.
Việc xây dựng các dự án nhà cao tầng cho người dân phải có sự song hành với
trách nhiệm đảm bảo môi trường sống. Ảnh chụp tại buổi tọa đàm.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Dũng, Tổng Giám đốc Công ty D&L cũng cho rằng ô nhiễm không khí ngày một trầm trọng và kéo dài từ năm này qua năm khác là bởi dù luật, quy chuẩn tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng nước, không khí… đã được đưa ra nhưng lại chưa được thực thi. Một ví dụ điển hình là rất nhiều xe buýt xả khói gây ô nhiễm trên đường phố Hà Nội. Theo quy định của pháp luật, các xe đó đăng kiểm là không được lưu thông nhưng trên thực tế không có chế tài để phạt, cấm những xe đó. Ông Dũng nhấn mạnh cần có một hình thức có thể kiểm soát, đi kèm với đó là các chế tài cụ thể để có thể có thể bảo vệ được môi trường.
Công trình xanh - giải pháp giải quyết ô nhiễm
Tại hội thảo, PGS. TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên - Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu và phát triển đô thị xanh cho biết trên thế giới các công trình xanh đạt chuẩn đều đặc biệt chú trọng đến chất lượng nguồn nước và chất lượng không khí. Mô hình nhà ở này được coi là một trong những giải pháp bền vững với tình trạng ô nhiễm tại các đô thị lớn. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra sự xuất hiện của các công trình xanh có ý nghĩa trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển của Tập đoàn Capital House đã chia sẻ câu chuyện phát triển công trình xanh tại chính dự án của đơn vị này trên đường Tố Hữu là Ecolife Capitol. Trong đại nạn nước Hà Nội nhiễm bẩn vừa qua, dự án này do tuân thủ các chuẩn của công trình xanh nên người dân vẫn được sử dụng nguồn nước an toàn. Ông Bách cho biết Ecolife Capitol do được trang bị hệ thống lọc nước sử dụng màng siêu lọc UF ngay từ khi xây dựng nên khi nước Hà Nội nhiễm bẩn thì nước tại đây vẫn đạt chuẩn đóng chai sau khi đã xét nghiệm. Đáng nói, hệ thống lọc nước công nghệ màng siêu lọc UF được ứng dụng tại công trình xanh có giá thành không hề đắt, chỉ dao động từ 2 – 3 tỉ đồng cho gần 1000 căn hộ. Theo ông Bách, nếu chia số tiền này cho khoảng 1.000 căn hộ thì giá thành rất rẻ.
Còn theo bà An, việc xây dựng các dự án nhà cao tầng cho người dân phải có sự song hành với trách nhiệm đảm bảo môi trường sống. Nếu nhân rộng mô hình công trình xanh thì người dân sẽ được hưởng những điều kiện tốt nhất về chất lượng sống và chất lượng môi trường xung quanh cũng được nâng cao. Nữ Viện trưởng kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển công trình xanh. Sự xuất hiện của các dự án đảm bảo tiêu chí xanh có ý nghĩa quan trọng với đời sống của người dân. Bản thân các doanh nghiệp bất động sản cũng nên nhận thức rõ và tham gia nhiều hơn vào việc phát triển công trình xanh.
An An
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet