Công chứng nhà đất phải đối mặt với nạn “người giả, giấy tờ giả”
Hiện nay, nạn làm giả giấy tờ, thậm chí “mượn” người đi công chứng ngày càng trở nên khá phổ biến. Đây đã trở thành “vấn nạn” mà bất cứ công chứng viên nào dù mới hành nghề hay có thâm niên đều phải “ngán ngẩm”.
Để tự bảo vệ mình, bảo vệ quyền lợi khách hàng, giới công chứng phải cảnh giác cao độ |
Thuê “vợ” qua mặt công chứng
Đầu năm 2011, ông T.V.L ở quận Phú Nhuận, Tp.HCM có vay của bà H một tỷ đồng để làm ăn. Đảm bảo cho khoản vay này, ông L thế chấp căn nhà số 16 đường Đ do vợ chồng ông là chủ sở hữu.Ngày 6/1/2011, ông L, bà H đã đến Văn phòng công chứng T. để ký hợp đồng. Tham gia vào hợp đồng này còn có cả bà N.T.T.T, vợ ông L. Các quy trình của việc ký hợp đồng được thực hiện trước mặt công chứng viên. Tuy nhiên, sau thời hạn giao kèo 3 tháng không thấy ông L trả tiền, bà H tìm ông này nhiều lần không gặp nên đã khởi kiện ra tòa án.
Tại Tòa, bà H mới té ngửa ra rằng, hai “vợ chồng” ông L. mà bà đã giao kết hợp đồng cho vay tiền lại không phải là chủ sở hữu căn nhà đã dùng để thế chấp. Chủ sở hữu căn nhà này là hai người hoàn toàn khác và cũng mang tên ông L, bà T.
Theo trình bày của ông L, bà T. (thật) tại Tòa án, họ đã bị mất toàn bộ giấy chủ quyền của căn nhà 16 Đ. cùng giấy chứng minh nhân dân, vào năm 2009 và hiện đã làm thủ tục xin cấp lại bộ giấy mới. Theo đó, bà H. đành rút đơn và tố cáo ông L. đến Công an về hành vi lừa đảo.
Sau đó, bà H. tình cờ phát hiện đối tượng “lừa đảo” và báo Công an. Tại đây, “vợ” ông L mới khai thật, bà được ông K. (người giả làm ông L.) thuê đóng giả vợ ông để lấy thù lao 5 triệu, tất nhiên để hợp thức hóa một số giấy tờ, họ đã cùng nhau làm một số công đoạn khác để qua mắt cơ quan chức năng.
Vụ việc của bà H có lẽ không còn xa lạ với giới công chứng viên Tp.HCM bởi lẽ nhiều người trong số họ đã từng phải báo Công an vì phát hiện đương sự mượn người, thuê người..đến công chứng
Giấy tờ giả “lộng hành”.
Không những “phát triển” rầm rộ tại TP HCM, “dịch” làm giả giấy tờ công chứng còn diễn biến khá phức tạp ở nhiều nơi trên cả nước với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi. Tháng 4/2012 Công an Hà Nội Công an Hà Nội đã phát hiện vụ lừa đảo bằng sổ đỏ giả để chiếm đoạt tài sản với giá trị hành trăm tỷ đồng gây chấn động dư luận. Chỉ một ngôi nhà, nhưng có đến 4 sổ đỏ, được giao cho 4 người tuy nhiên khi Công an vào cuộc họ mới tá hỏa tất cả đều là giả, chỉ có chất liệu phôi là thật.Cũng với thủ đoạn này, nhiều tổ chức tín dụng cũng lâm vào tình trạng dở khóc dở cười khi cho vay vốn mà “trót” cầm trong tay các sổ đỏ vô giá trị. Hiểm họa lớn hơn khi một lượng lớn phôi sổ đỏ vẫn đang bị thất lạc tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục xảy ra cho người dân và các tổ chức tín dụng.
Đó là những vụ lừa đảo có giá trị lớn, liên quan đến quyền sở hữu nhà đất, dễ phát hiện. Còn những phi vụ như làm giả giấy chứng minh nhân dân, bằng cấp, chữ ký, hợp đồng mua bán… thậm chí giả luôn cả lời chứng, con dấu, chữ lý của công chứng viên...đã thành “chuyện thường ngày ở huyện”.
Phải “diệt tận gốc”
Một trong những nguyên nhân làm “bùng phát” nạn giả giấy tờ, giả người đi công chứng theo Trưởng phòng công chứng số 1 Tp.HCM Nguyễn Quang Thăng là do chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công chứng còn quá nhẹ (theo Nghị định số 60/CP là phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng đối với hành vi làm giả hoặc sử dụng giấy tờ giả mạo, mạo danh chủ thể để được công chứng hợp đồng, giao dịch). Trong khi có kẻ gian nhờ làm giấy tờ giả mà thu lợi bất chính gấp rất nhiều lần. Bên cạnh đó, là thiếu sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng với nhau trong xử lý vụ việc giả mạo giấy tờ.Còn theo ông Nguyễn Thanh Tú, Trưởng Văn phòng công chứng Nguyễn Tú (Hà Nội) thì với trình độ công nghệ cao như hiện nay, thật giả rất khó phát phát hiện. Bản thân công chứng viên khi tiếp nhận các yêu cầu công chứng, nếu thấy nghi ngờ thì được từ chối tuy nhiên, không có quy định nào buộc họ phải đem giấy tờ đó đi kiểm tra, xác minh hay giám định. Muốn biết thật giả thì chỉ có cơ quan tiến hành tố tụng mới được trưng cầu theo quy trình tố tụng luật định.
Để tự bảo vệ mình, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho khách hàng, theo giới công chứng thì ngoài trình độ họ cần phải có bề dày kinh nghiệm và ý thức cảnh giác cao độ. Khi có nghi ngờ việc giải người công chứng là giả, ngoài việc kiểm tra các giấy tờ tùy thân, hồ sơ, quan sát thái độ của đương sự …cần áp dụng một số biện pháp nghiệp vụ khác như đối chứng dấu vân tay, kiểm tra tính hợp pháp của giấy tờ ở các cơ quan nhà nước khác.
Đề cao tin thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm, thận trọng khi ký vào văn bản công chứng là những việc làm cần thiết với công chứng viên tuy nhiên, bên cạnh đó cũng rất cần sự phối hợp, vào cuộc của các cơ quan chức năng liên quan để công chứng không chỉ xử lý phần “ngọn” mà phải “diệt” tận gốc (tăng cường phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử…) mới giải quyết được vấn đề.
Theo Bộ Tư pháp, công tác công chứng hiện đang phát sinh nhiều tiêu cực, vi phạm pháp luật nhưng chưa được chấn chỉnh kịp thời. Tình trạng làm giả hồ sơ hoặc giả người để làm thủ tục công chứng mua bán, thế chấp nhà đất diễn ra ngày càng nhiều.
(Theo PLVN)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet