Condotel thất sủng, nhà đầu tư quay về với sản phẩm truyền thống
Năm 2018, condotel sụt giảm cả về nguồn cung và giao dịch. Trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, nhà đầu tư không còn mặn mà với mô hình căn hộ khách sạn mà đang có xu hướng tìm về các sản phẩm nghỉ dưỡng truyền thống.
Sau giai đoạn khủng hoảng, bất động sản nghỉ dưỡng khởi sắc mạnh mẽ với sự bung hàng ồ ạt của mô hình căn hộ khách sạn condotel, hometel. Loại hình mới mẻ này chiếm lĩnh nguồn cung và giao dịch, tạo nên sức nóng của thị trường nghỉ dưỡng những năm qua. Tuy nhiên, từ năm 2018, mô hình trên đã giảm sức hút, dẫn tới sự giảm tốc của thị trường. Đáng chú ý, giới đầu tư đang có xu hướng đổ tiền vào các sản phẩm nghỉ dưỡng truyền thống, vốn hiện diện từ trước khi cơn bão táp condotel đổ bộ là biệt thự biển, chung cư biển.
Số liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy trong năm 2018, ở hầu hết các thủ phủ phát triển du lịch, nguồn cung mới và giao dịch condotel đều giảm mạnh so với năm trước đó. Đến quý III/2018, lượng giao dịch condotel cả nước chỉ đạt khoảng 1.000 sản phẩm, trong khi tồn kho lên đến hơn 20.000 căn. Đáng chú ý, theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, trong khi condotel ế ẩm thì các sản phẩm thuần của thị trường nghỉ dưỡng như biệt thự biển, chung cư biển lại chứng kiến sự quay lại mạnh mẽ của dòng tiền đầu tư.
Ông Nguyễn Hữu Đào (Hà Nội) từng là nhà đầu tư biệt thự biển cho thuê trước khi condotel xuất hiện ở Việt Nam. Sau một thời gian đứng ngoài thị trường, quan sát cơn sốt condotel, khi quay trở lại, ông vẫn quyết định không xuống tiền với sản phẩm này mà tiếp tục “trung thành” với dòng sản phẩm nghỉ dưỡng truyền thống. Lý do được ông Đào cho biết condotel hiện vẫn chưa được pháp luật định nghĩa rõ ràng cũng như chưa có quy định cụ thể về quyền sở hữu sổ đỏ, do đó sẽ rất rủi ro cho các nhà đầu tư khi đầu tư loại hình này.
Từ năm 2018, mô hình condotel đã giảm sức hút, dẫn tới sự giảm
tốc của thị trường. Ảnh minh họa
“Danh phận pháp lý không có, vậy khi có vấn đề phát sinh thì cơ sở nào của pháp luật sẽ đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư? Ngoài ra, lợi nhuận condotel chủ đầu tư cam kết rất cao nhưng trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện được cam kết thì lại không hề có chế tài nào được đưa ra để xử phạt”, ông Đào nhấn mạnh. Nhà đầu tư này cũng nêu lên tình cảnh “lực bất tòng tâm” của giới đầu tư khi chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết lợi nhuận đã xảy ra ở 1 dự án thuộc Nha Trang.
Tương tự ông Đào, thay vì chọn mua condotel, ông Phạm Tuấn Cảnh (Hà Nội) xuống tiền với nhiều căn chung cư có vị trí gần các địa điểm du lịch nổi tiếng ở Quảng Ninh. Với những căn hộ này, ông Cảnh đầu tư theo hình thức homestay và thuê người quản lý. Hoài nghi về bài toán cam kết lợi nhuận 8-12%/năm của condotel, ông Cảnh cho rằng các chương trình cam kết này góp phần đẩy giá condotel lên mức quá cao. Các chủ đầu tư đang nâng giá để trả cam kết. Trong khi, giá bán của căn hộ chung cư ông Cảnh mua chỉ bằng 1/2 đến 2/3 so với giá của các căn condotel. Ngoài ra, ông Cảnh nhận định năng lực phát triển, vận hành dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam vẫn còn hạn chế nên bài toán cam kết lợi nhuận cao là không khả thi.
Giới đầu tư đang có xu hướng đổ tiền vào các sản phẩm nghỉ dưỡng truyền thống, vốn hiện
diện từ trước khi cơn bão táp condotel đổ bộ là biệt thự biển, chung cư biển.
Trao đổi với Batdongsan.com.vn, nhiều môi giới phân khúc nghỉ dưỡng cũng thừa nhận dòng biệt thự nghỉ dưỡng, chung cư biển với pháp lý đảm bảo có giao dịch sôi động hơn hẳn so với condotel trong năm 2018. Nhà đầu tư càng ngày càng cẩn trọng và bảo thủ hơn khi xem xét tính pháp lý và đánh giá tiềm năng sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư kí Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, dù chưa cập nhật đầy đủ số liệu nhưng theo khảo sát sơ bộ của Hội Môi giới, trong năm 2018, nếu condotel có dấu hiệu chậm lại thì biệt thự nghỉ dưỡng lại giao dịch rất sôi động và nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của giới đầu tư, đặc biệt là những vùng như Quảng Ninh, Phú Quốc.
Ông Dương Đức Hiển, giám đốc Bộ phận kinh doanh nhà ở miền Bắc và miền Trung Savills Việt Nam cũng cho biết, thị trường 2018 dường như không còn phát triển nóng các sản phẩm phái sinh như condotel mà đang dần quay về các sản phẩm nghỉ dưỡng thuần. Theo ông Hiển, nguyên nhân của hiện tượng này là bởi bản chất của các sản phẩm bất động sản phái sinh thường mang tính chất xu hướng. Qua thời gian, có những sản phẩm sẽ bị đào thải, có những sản phẩm sẽ thay đổi để phù hợp với thị hiếu, xu hướng và sự phát triển của nền kinh tế.
Trong quá trình phát triển, các sản phẩm bất động sản phái sinh cũng vấp phải nhiều khó khăn và trở ngại, mà rào cản lớn nhất chính là về mặt pháp luật. Với những sản phẩm mới, đôi khi quy định và chính sách chưa thể theo kịp, vì vậy khung pháp lý cho nhiều sản phẩm phái sinh còn chưa rõ ràng và nhất quán, gây ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động giao dịch. Mặt khác, các sản phẩm đơn thuần luôn là gốc của thị trường bất động sản và đóng vai trò cốt lõi, không bao giờ thay đổi của thị trường.
Thúy An
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet