Con nuôi được quyền thừa kế nhà
Nếu không đọc được hoặc không nghe được; hoặc không ký và không điểm chỉ được, người yêu cầu công chứng phải có người làm chứng.
Tôi năm nay 32 tuổi. Cách đây hai năm, tôi được bà B. nhận làm con nuôi. Sau đó không lâu, mẹ nuôi tôi mất, có để lại một căn nhà nhưng không để lại di chúc. Tôi đòi chia một nửa căn nhà nhưng người con ruột của mẹ nuôi không đồng ý với lý do tôi không có quyền thừa kế. Tôi được biết pháp luật về thừa kế không có sự phân biệt con nuôi hay con ruột. Vậy tôi có thể khởi kiện để đòi quyền lợi cho mình hay không?
Nguyễn Thị Hồng, Đồng Nai
Bà Nguyễn Thị Lan, thẩm phán TAND huyện Cần Giờ (TP.HCM):
Theo Điều 676 Bộ luật Dân sự, con ruột và con nuôi thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng: Theo khoản 1 Điều 68 Luật Hôn nhân và gia đình, người được nhận làm con nuôi phải là người từ 15 tuổi trở xuống. Người trên 15 tuổi có thể được nhận làm con nuôi nếu là thương binh, người tàn tật, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc làm con nuôi của người già yếu cô đơn. Ngoài ra, theo Điều 72 Luật Hôn nhân và gia đình, việc nhận con nuôi phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký và ghi vào sổ hộ tịch.
Như vậy, nếu việc được nhận làm con nuôi của chị thỏa mãn những điều kiện trên, chị mới có cơ sở để khởi kiện phân chia di sản thừa kế. Ngược lại, nếu việc làm con nuôi chưa được pháp luật công nhận, chị không có quyền đòi chia căn nhà.
2. Nhà nước giao đất nên phải nộp tiền sử dụng đất
Năm 1985, tôi được mua hóa giá một căn nhà thuộc sở hữu nhà nước ở phường Tân Tiến, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Đến năm 1997, căn nhà bị giải tỏa trắng và tôi nhận được tiền bồi thường. Sau đó, tôi tự xây một căn nhà ở phần đất phía sau căn nhà cũ (lúc tôi mua hóa giá không bao gồm diện tích này). Tôi có nộp hồ sơ xin cấp “giấy đỏ” và được giải quyết. Tuy nhiên, Phòng Tài nguyên và Môi trường lại xác định trường hợp của tôi phải đóng tiền sử dụng đất. Tại sao?
Lê Thanh Hóa, Biên Hòa, Đồng Nai
Ông Hồ Bá Minh, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường TP Biên Hòa, Đồng Nai:
Vậy là vào năm 1997 ông đã tự ý xây nhà trên mảnh đất phía sau vốn là đất công và đã có quyết định thu hồi. Xét thấy căn nhà không vướng quy hoạch nên Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Biên Hòa đã đề xuất cho ông tiếp tục sử dụng. Thực chất đây là trường hợp được nhà nước giao đất nên khi được cấp “giấy đỏ”, ông phải đóng tiền sử dụng đất theo Điều 2 Nghị định 198 ngày 3-12-2004 của Chính phủ (áp dụng cho diện được giao đất ở).
3. Việt kiều nào được mua nhà?
Năm 2001, tôi kết hôn với một Việt kiều Pháp và sau đó tôi theo chồng định cư tại Pháp. Hiện nay, tôi đang mang hai quốc tịch Pháp, VN. Vậy tôi có thuộc diện được đứng tên mua nhà ở trong nước hay không?
Lê Thị Phương Thảo, 3 Madeleine 68200 Mulhouse France
Ông Nguyễn Quang Thắng, Trưởng phòng Công chứng số 1 TP.HCM:
Theo Điều 126 Luật Nhà ở, những người VN định cư ở nước ngoài sau đây được phép mua nhà ở tại VN: người về đầu tư lâu dài tại VN, người có công đóng góp với đất nước, nhà hoạt động văn hóa, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại VN nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước, người được phép về sống ổn định tại VN và các đối tượng khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Ngoài ra, các Việt kiều đã về VN cư trú với thời hạn được phép từ sáu tháng trở lên được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ.
Bà sẽ được đứng tên mua một căn nhà tại VN nếu thuộc một trong các đối tượng nêu trên.
4. Chia tiền bồi thường?
Năm 1988, mẹ tôi mua một miếng đất của người dì để xây nhà ở. Việc mua bán chỉ bằng giấy tay và giờ giấy này cũng đã thất lạc. Nay căn nhà bị chính quyền giải tỏa trắng và gia đình tôi được bồi thường 100% để chuyển sang nơi khác ở. Thấy vậy, con của người dì (đã chết) đã kiện đòi tôi phải chia 30% số tiền bồi thường nêu trên. Chúng tôi có phải đáp ứng yêu cầu này hay không?
Trương Văn Dũng, 387 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh
Luật sư Trần Công Ly Tao, Đoàn luật sư TP.HCM:
Theo Quyết định 17 ngày 14-3-2008 của UBND TP.HCM, khi thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, mục đích phát triển kinh tế, nhà nước sẽ bồi thường cho người sử dụng đất hội đủ các điều kiện quy định. Cụ thể là người được bồi thường phải là người có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một số giấy tờ về quyền sử dụng đất và được UBND cấp xã xác nhận không có tranh chấp...
Nếu không thuộc đối tượng được bồi thường nhưng lại muốn tranh chấp số tiền bồi thường và không thể thương lượng với gia đình anh về việc này, con của người dì có thể khởi kiện đến TAND cấp huyện để được xem xét, giải quyết. Tất nhiên là nguyên đơn chỉ có thể thắng kiện khi chứng minh được yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
5. Không đọc, nghe được thì mời người làm chứng
Tuy đã hơn 70 tuổi nhưng bà ngoại tôi vẫn còn minh mẫn, sáng suốt. Thế nhưng khả năng đọc và nghe của bà lại rất kém. Nay bà muốn tự mình đi công chứng di chúc và không muốn ai đi theo làm chứng. Không rõ các công chứng viên có chứng nhận di chúc của bà hay không?
Lê Thị Mai, Quận Tân Phú
Ông Hoàng Mạnh Thắng, Phó phòng Công chứng số 7, TP.HCM:
Theo khoản 2 Điều 658 Bộ luật Dân sự và Điều 9 Luật Công chứng, trong trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được hoặc không ký và không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng. Người làm chứng do người yêu cầu công chứng mời, nếu họ không mời được thì công chứng viên chỉ định. Người làm chứng phải có đủ các điều kiện sau đây: từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ về tài sản liên quan đến việc công chứng.
Nếu không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc thì khi lập di chúc, bà ngoại của bạn phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên (hoặc người có thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã).
Theo Pháp luật TP
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet