Còn nhiều kẽ hở trong Luật Xây dựng (sửa đổi)
Đổi mới căn bản cách thức quản lý các nguồn vốn để chống thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực đầu tư xây dựng - đặc biệt vốn ngân sách - là tinh thần dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) đang được lấy ý kiến đóng góp.
Tại hội thảo về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) do Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức ở TP HCM ngày 31-3, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết Luật Xây dựng hiện hành không phân rõ phương thức quản lý với các nguồn vốn khác nhau, công trình xây dựng có vốn nhà nước hay ngoài nhà nước đều giao cho chủ đầu tư có quyền tối cao. Điều này chỉ hợp lý với dự án có vốn ngoài nhà nước vì đó là tiền của chủ đầu tư thì chủ đầu tư sẽ quản lý chặt chẽ. Song, với vốn nhà nước thì chủ đầu tư chỉ là người được ủy quyền của nhà nước, không phải người sở hữu nên rất dễ gây thất thoát.
Xây xong, hết trách nhiệm!
Hiện nay, đa số dự án dùng vốn nhà nước đều sử dụng mô hình ban quản lý dự án (BQLDA). “Việt Nam có đến hàng ngàn BQLDA, mỗi địa phương có đến hàng trăm cán bộ quản lý dự án nhưng hạn chế về năng lực nên hiệu quả kém.
Chưa kể, khi công trình xây dựng xong thì BQLDA cũng giải tán, đến khi xảy ra sự cố thì không có đơn vị nào chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó là tình trạng thông thầu giữa chủ đầu tư với các đơn vị tư vấn, thi công để đội giá …” - ông Dũng băn khoăn.
Luật Xây dựng sửa đổi theo hướng giảm thất thoát trong các công trình sử dụng vốn ngân sách (Ảnh chỉ có tính minh họa) |
Vì thế, dự thảo luật lần này quy định đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách hoặc vốn ngoài ngân sách của tập đoàn - tổng công ty nhà nước, phải thành lập BQLDA theo hình thức chuyên nghiệp (quản lý dự án theo ngành) hoặc khu vực (quản lý dự án trong một khu vực địa phương). Quy định này vừa tinh giảm biên chế các BQLDA vừa nâng cao năng lực quản lý lại có đơn vị chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố, đồng thời phải có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan nhà nước đối với dự án sử dụng vốn nhà nước.
Một vấn đề khác cần thay đổi là quy định về thiết kế cơ sở. Đây là vấn đề cốt lõi của dự án nhưng người quyết định đầu tư tự chịu trách nhiệm thẩm định thiết kế cơ sở, trong khi các cơ quan chuyên ngành chỉ được lấy ý kiến nên không mang tính quyết định. Quá trình thực hiện dự án, do đó, phải điều chỉnh, bổ sung, kéo dài thời gian, vừa gây lãng phí lớn vừa làm giảm hiệu quả của dự án, giảm chất lượng xây dựng.
Để khắc phục tình trạng này, dự thảo luật quy định cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật đối với dự án sử dụng vốn nhà nước. Trường hợp dự án từ các nguồn vốn khác, cơ quan chuyên môn về xây dựng chỉ thẩm định thiết kế cơ sở với công trình có tác động lớn đến cảnh quan, môi trường và an toàn của cộng đồng.
Những điểm mới này được khá nhiều địa phương tán thành. Theo đại diện Sở Xây dựng TP Cần Thơ, luật mới cũng nên quy định về thời gian bảo hành công trình, có thể là không ít hơn 1/10 thời gian tuổi thọ công trình. Theo quy định hiện hành, thời gian bảo hành công trình không quá 24 tháng nhưng trên thực tế, có những công trình mới xây hơn 1 năm đã lún sụt, xuống cấp.
Lãng phí vì quy hoạch
Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, ông Trương Văn Vở, đề nghị dự thảo luật cần chú trọng làm rõ và quy định việc lập quy hoạch vùng kinh tế giữa các vùng lân cận. Tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lắp nhau giữa các địa phương hiện nay cũng do chưa có quy hoạch vùng.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng thừa nhận có thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng công trình. Mức độ bao nhiêu, Bộ Xây dựng vẫn chưa đánh giá được nhưng về cơ bản, có 2 loại thất thoát, lãng phí. Một là, các trường hợp bớt xén đầu tư, rút ruột công trình. Hai là, các công trình xây dựng nhưng bỏ hoang, không sử dụng được - loại này lãng phí 100%.
Nguyên nhân chủ yếu của loại thất thoát, lãng phí thứ hai, theo ông Dũng, là từ quy hoạch. Theo đó, quy hoạch chậm trễ, xây dựng xong công trình mới hoàn thành quy hoạch khiến nhiều công trình sai vị trí, không gian hoặc sai quy hoạch, khi xây dựng xong không sử dụng được. Do đó, dự thảo luật đã đưa ra các quy định về quy hoạch vùng, quy hoạch khu chức năng đặc thù, tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng và quản lý quy hoạch theo xây dựng… nhằm khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, khép kín giữa các địa phương.
Nhiều địa phương đề xuất đối với khu vực đã có quy hoạch chi tiết 1/500 thì không nên cấp phép xây dựng để tránh tình trạng đẻ thêm thủ tục. Tuy nhiên, theo ông Dũng, giấy phép xây dựng nhằm ngăn chặn tình trạng người dân xây cất tràn lan, không theo quy hoạch được duyệt nên dù đã có quy hoạch chi tiết 1/500 vẫn rất cần thiết.
Dẫu vậy, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu theo hướng giấy phép xây dựng chỉ quản lý phần xây dựng bên ngoài: chiều cao, mật độ xây dựng…, không can thiệp cấu trúc bên trong.
Áp dụng công nghệ mới thì bị kiện Theo ông Trần Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, dự thảo luật có quy định về việc sử dụng công nghệ, vật liệu mới trong xây dựng công trình nhưng chỉ có công trình vốn ngoài ngân sách mới áp dụng được. Còn công trình sử dụng vốn ngân sách chắc chắn không thực hiện được vì bị khống chế bởi nhiều quy định, nhất là quy định về suất đầu tư công trình. “Tôi từng có ý tưởng áp dụng công nghệ mới trong việc xây dựng trụ sở sở xây dựng nhưng bị kiện tụng khắp nơi nên phải từ bỏ” - ông cho biết. Ngoài ra, theo ông Phương, các địa phương cũng cần đánh giá về tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra thế nào, hậu quả ra sao... để có những quy chuẩn, tiêu chuẩn hợp lý trong xây dựng công trình. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet