Cocobay vỡ trận khiến thị trường condotel sóng gió
Không chỉ khách hàng vay ngân hàng mua condotel, shophouse ở Cocobay nếm trái đắng khi Empire Group phá vỡ cam kết lợi nhuận “khủng”, nhiều dự án condotel đã và đang triển khai bán hàng cũng khó khăn khi người mua bắt đầu hoài nghi.
Nhà đầu tư lo lắng
Empire Group - chủ đầu tư Tổ hợp Cocobay Đà Nẵng tuyên bố dừng chi trả lợi nhuận với các shophouse, condotel từ đầu năm 2020 dù mới thực hiện hơn một phần tư thời hạn cam kết ban đầu và sẵn sàng ra tòa. Tuyên bố này khiến nhiều khách hàng tại dự án hoang mang, bức xúc.
Thanh toán gần 95% số tiền mua căn condotel một phòng ngủ tại dự án Cocobay từ năm 2017 với giá 35 triệu/m2, bà Thúy (Ninh Kiều, Đà Nẵng) cho biết đang rất hoang mang khi hay tin CĐT đơn phương hủy cam kết lợi nhuận 12%/năm cho suất đầu tư này. Được biết hơn 50% giá trị căn hộ bà Thúy mua là đi vay ngân hàng, hàng tháng vẫn phải trả lãi. “Tôi đã hi vọng trong năm nay dự án đưa vào vận hành sẽ giúp mình giảm bớt gánh nặng tài chính. Tuy nhiên với tình trạng hiện nay thì áp lực từ khoản nợ này đang ngày càng nặng hơn”.
Không chỉ condotel, nhiều nhà đầu tư khác trót mua các sản phẩm nhà liền kề và shophouse tại Cocobay cũng rơi vào cảnh tương tự. Một nhà đầu tư tại TP.HCM cho biết, ông đang đau đầu vì căn shophouse giá gần 17 tỷ tại đây rao bán lại giá gốc 6 tháng vẫn không ra được hàng. Thời điểm mua ông đã phải vay khoảng 30% giá trị căn shophouse, tức là khoảng hơn 5 tỷ đồng. Riêng tiền lãi mỗi năm đã vào khoảng 700 triệu, tương đương gần 60 triệu/tháng. Nhà đầu tư này hiện lo sợ thông tin xấu sẽ khiến căn shophouse của ông không thể bán ra được với giá mong muốn.
Thực trạng của Cocobay không chỉ ảnh hưởng đến khách hàng tại dự án này mà ngay cả những dự án condotel khác đang triển khai cũng vấp phải khó khăn khi khách hàng nghi ngại. Giám đốc một công ty môi giới chuyên phân phối BĐS nghỉ dưỡng tại TP.HCM cho biết, sau vụ hủy cam kết lợi nhuận từ Empire Group, rất nhiều khách hàng đã mua sản phẩm tại các dự án condotel tỏ ra hoang mang. Các sản phẩm nghỉ dưỡng khác như biệt thự, shophouse có cam kết lợi nhuận cũng bị liên lụy, đặc biệt là dự án tại Đà Nẵng và Nha Trang. Trong 2 năm nay, condotel vốn đã ít người quan tâm giờ lại càng ảm đạm, khách mua thưa thớt, nhiều kèo đã đi xem dự án, chuẩn bị xuống tiền ký HĐ lại thay đổi sau loạt thông tin xấu từ Cocobay.
Dự án cocobay đơn phương chấm dứt cam kết lợi nhuận khiến nhiều nhà đầu tư lâm vào khó khăn.
Kết cục đã được dự báo trước?
Cocobay vỡ trận là thông tin khá chấn động nhưng không quá bất ngờ bởi đã có nhiều chuyên gia cảnh báo từ trước. Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết ông đã từng có những cảnh báo về cam kết lợi nhuận đối với condotel từ thời điểm 2016-2017 khi phân khúc này nóng nhất. Thế nhưng không mấy người quan tâm đến cảnh báo mà họ vẫn tiếp tục đầu tư. Ngoài những chủ đầu tư kinh nghiệm và danh tiếng lâu năm, 3-4 năm trước rất nhiều doanh nghiệp chưa nhiều kinh nghiệm cũng nhảy vào phân khúc này với cam kết lợi nhuận phi lý. Rồi khi đi vào vận hành, chất lượng, kinh nghiệm không đảm bảo thì việc thực hiện cam kết lợi nhuận với nhà đầu tư là rất khó khăn, thậm chí bất khả thi.
Các chuyên gia quốc tế cũng nhiều lần cảnh báo về thực trạng phát triển condotel tại Việt Nam. Ông Michael Piro, CEO Indochina Capital từng thẳng thắn nhận định, cam kết lợi nhuận đầu tư condotel lên tới 8-12% là không tưởng, không ai trên thế giới dám đưa ra cam kết như vậy. Trong điều kiện phải vay vốn, lại còn cam kết lợi nhuận 10% trong 10 năm thì tính trên hiệu suất kinh tế không thể có lợi nhuận hấp dẫn. Trong 1-2 năm, chủ đầu tư có thể giữ mức lợi nhuận này nhưng về lâu dài, mức lợi nhuận này là không khả thi.
Đồng quan điểm, ông Kai Marcus Schroter, TGĐ Hospitality Tourism Management cho rằng, condotel đã bị đánh giá quá cao ở Việt Nam. Trên thế giới, mức cam kết lợi nhuận 10-15% là phi lý, vì để có được lợi nhuận 10-15% phải tốn rất nhiều chi phí vận hành. Condotel chỉ đạt được mức lợi nhuận đó khi nằm ở điểm đến rất nổi tiếng và khách du lịch thường xuyên quay trở lại. Còn ở Việt Nam, doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận này để quảng bá hơn là để hiện thực.
Ngoài ra, cam kết lợi nhuận cao phi lý còn kéo theo rất nhiều hệ lụy khi HĐ mua bán condotel thường dựa vào Luật Dân sự trên cơ sở những thoả thuận của hai bên. Theo đó, trong trường hợp CĐT không chịu trả phần cam kết lợi nhuận này, khách hàng khó có thể đòi được quyền lợi cho mình.
Ông Adam Bury nhận xét, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể thành công khi bán condotel nếu dành sự quan tâm nhiều hơn đến tính minh bạch và chất lượng sản phẩm. Thay vì dùng chiêu cam kết lợi nhuận, chủ đầu tư nên cung cấp cho người mua condotel kế hoạch kinh doanh khả thi, như thế sẽ tránh được gánh nặng nợ nần, áp lực lợi nhuận.
Phương Uyên
Link bài gốc: http://thanhnienviet.vn/2019/12/02/cocobay-vo-tran-khien-thi-truong-condotel-song-gio
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet