Cổ phiếu ngành BĐS: Xu hướng và thách thức
Chiếm trên 20% giá trị vốn hóa toàn thị trường, cổ phiếu ngành bất động sản (BĐS) được nhiều NĐT quan tâm. Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm 2011 tiếp tục là một giai đoạn khó khăn của ngành này.
Khó khăn với nguồn vốn
Cánh cửa vốn tín dụng từ ngân hàng đang bị siết chặt. Quy định hạn chế tín dụng cho lĩnh vực phi sản xuất, trong đó có BĐS đã khiến dòng vốn tín dụng vào thị trường sụt giảm mạnh. Người mua không có tiền mua do không thể tiếp cận vốn ngân hàng. Trong khi đó, các dự án không thể bán được trong ngắn hạn khiến các DN BĐS lao đao khi ngân hàng gấp rút thu hồi nợ.
Hoạt động trong tình trạng lãi suất cao kéo dài. Là ngành có nợ vay chiếm tỷ trọng lớn trên tổng tài sản, kết quả kinh doanh của các DN BĐS đang chịu ảnh hưởng khá nặng nề bởi tình trạng lãi suất leo thang. Mặt khác, lãi suất cao đã hạn chế hoạt động lướt sóng BĐS của giới đầu cơ và giao dịch thành công chỉ dành cho người có nhu cầu ở thật sự. Đó cũng là lý do khiến thị trường BĐS sụt giảm và gần như đóng băng. Ngoài ra, sự ứ đọng nguồn cung đang tạo ra tình trạng cung vượt cầu, dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty BĐS.
Những diễn biến bất lợi trên thị trường BĐS đã ảnh hưởng trực tiếp đến giao dịch của các cổ phiếu nhóm ngành này, đặc biệt là trong khoảng 1 tháng trở lại đây, khi giá cổ phiếu giảm 10 - 25% (trừ QCG, KDH). Trong khi đó, VN-Index giảm 7,46%. Giá cổ phiếu BĐS giảm sâu hơn so với mặt bằng chung của thị trường có thể là do các NĐT đã dự đoán được về tình hình kinh doanh khó khăn của các DN BĐS trong năm 2011 và một phần xuất phát từ hệ số beta của các cổ phiếu ngành này, đa phần là lớn hơn
Xu hướng giá cổ phiếu
Trước những khó khăn, chúng tôi không kỳ vọng thị trường BĐS trong ngắn hạn sẽ hồi phục. Do đó, nhiều khả năng nhóm cổ phiếu ngành BĐS vẫn ở trong xu thế giảm giá, trừ trường hợp TTCK chung gặp nhiều yếu tố thuận lợi và hồi phục mạnh.
Tuy nhiên, ngành BĐS vẫn có một số điểm sáng và được nhận định sẽ có cơ hội tăng trưởng trong dài hạn, khi các yếu tố vĩ mô dần đi vào ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Khi vấn đề nguồn vốn tín dụng của thị trường BĐS được giải quyết, thị trường này nhiều khả năng sẽ sôi động trở lại. Vì vậy, việc đầu tư dài hạn vẫn có nhiều triển vọng. Mặc dù vậy, lựa chọn cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt, thanh khoản cao là yếu tố đóng vai trò quan trọng. Theo các số liệu tính toán, chỉ số EPS cũng như ROA, ROE của nhóm cổ phiếu BĐS tương đối cao so với các ngành nghề khác, do đặc thù lợi nhuận cao của các dự án BĐS.
Chúng tôi đánh giá, các cổ phiếu được kỳ vọng tăng trưởng trong ngành này thuộc về những công ty có các lợi thế cạnh tranh như:
- Phân khúc có thu nhập trung bình. Trên cơ sở nhận định từng phân khúc thị trường, chúng tôi thể hiện quan điểm tích cực đối với những DN đang nắm giữ dự án phát triển BĐS đất nền và phân khúc căn hộ trung bình với quỹ đất sạch và có vị trí tốt.
- Ít phụ thuộc vào nợ vay. Tuy còn gặp nhiều khó khăn với chi phí lãi cao do đặc điểm sử dụng đòn cân nợ cao, nhưng DN nào có tỷ lệ vốn vay ngân hàng thấp có thể đạt kết quả lợi nhuận khả quan trong năm nay. Các DN có tỷ lệ nợ vay không cao trên tổng tài sản hiện có ITC (0,29), ITA (0,36), TDH (0,36), KDH (0,39), HAG (0,47).
- Lợi nhuận tăng trưởng trong quý I/2011. Phần lớn DN BĐS có kết quả kinh doanh quý I/2011 sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, VPL, NTL, HQC, VIC có lợi nhuận quý I tăng đột biến.
- Giá hợp lý. Cổ phiếu ngành BĐS có chỉ số P/E bình quân trên 20 lần, tương đối cao so với mức bình quân toàn thị trường (P/E của VN-Index ngày 3/6 là 9,35), khiến nhóm cổ phiếu ngành này kém hấp dẫn hơn. Nhưng sau một thời gian dài sụt giảm mạnh, giá nhiều cổ phiếu đã về mức hấp dẫn, đặc biệt chỉ số P/E của hai cổ phiếu NTL, TDH đã xuống mức thấp, chỉ còn 2,54 và 2,83.
(Theo ĐTCKO)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet