Cổ phiếu bất động sản của các 'ông lớn': Những số phận trái ngược
Trên sàn hiện chỉ có hai doanh nghiệp bất động sản niêm yết có vốn hóa đạt trên 10.000 tỷ đồng, còn lại khá nhiều cổ phiếu của các 'ông lớn' bất động sản khác chỉ giao dịch dưới giá trị sổ sách.
Khoảng giữa đầu năm 2017 là giai đoạn khởi sắc của các doanh nghiệp ngành bất động sản trên sàn chứng khoán. Tín hiệu tích cực đến từ kết quả kinh doanh, đầu tư dự án mới cho đến những biến động giá cổ phiếu.
Hầu hết cổ phiếu bất động sản niêm yết trên các sàn đều tăng thị giá, thậm chí có một số mã đạt mức tăng vài lần so với đầu năm.
Cổ phiếu đại gia tăng 8 lần
Điển hình nhất phải kể đến trường hợp doanh nghiệp của đại gia Cường Đôla, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai. Tại thời điểm đầu năm, thị giá mỗi cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai chỉ hơn 3.000 đồng, thấp hơn rất nhiều so với giá trị sổ sách. Tuy nhiên sau đó, những thông tin thuận lợi liên tiếp từ việc thanh toán xong khoản nợ vay ngắn hạn và kết quả kinh doanh, triển khai các dự án... đã khiến cổ phiếu của doanh nghiệp bật tăng gấp 8 lần.
Giá mỗi cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai hiện đạt hơn 24.000 đồng, nghĩa là vốn hóa của doanh nghiệp đạt gần 6.800 tỷ đồng.
Trong nửa đầu năm nay, cổ phiếu bất động sản của nhiều "ông lớn" trong ngành cũng khởi sắc thấy rõ. Đơn cử, Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt có giá mỗi cổ phiếu tăng từ 13.000 đồng lên 27.500 đồng. Cổ phiếu của Công ty CP Tập đoàn FLC cũng tăng 47%, Công ty CP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh tăng 49%; hay Công ty CP Đầu tư Nam Long tăng 37%...
Chỉ có 3 cổ phiếu có giá trên 30.000 đồng
Tuy nhiên, kết quả thống kê 15 doanh nghiệp bất động sản có vốn lớn nhất trên sàn chứng khoán hiện nay lại cho thấy số phận hoàn toàn trái ngược về thị giá cổ phiếu. Cụ thể, chỉ có 3 doanh nghiệp là Vingroup, Novaland và Nam Long có thị giá mỗi cổ phiếu đạt trên 30.000 đồng.
Vốn hóa thị trường của Vingroup lên tới hơn 111.000 tỷ đồng với 26.377 tỷ đồng vốn điều lệ, đây là mức vốn hóa cao nhất trong số các doanh nghiệp bất động sản trên sàn chứng khoán.
Tiếp theo là Novaland tuy có vốn điều lệ chỉ 6.297 tỷ đồng nhưng cũng có vốn hóa thị trường lên tới gần 40.000 tỷ đồng.
Đây là 2 doanh nghiệp bất động sản có vốn hóa đạt trên 10.000 tỷ đồng trên sàn chứng khoán.
FLC, Tân Tạo, Hoàng Quân loay hoay đẩy giá
Trong khi chỉ có 3 doanh nghiệp có thị giá cổ phiếu cao thì rất nhiều "ông lớn" khác có cổ phiếu phải giao dịch dưới giá trị sổ sách rất nhiều. Đơn cử, như FLC có thị giá mỗi cổ phiếu chỉ 7.800 đồng, Tân Tạo 4.410 đồng/cổ phiếu, còn thị giá cổ phiếu của Hoàng Quân chỉ được 3.340 đồng/cổ phiếu.
Nửa đầu năm 2017 là giai đoạn ghi nhận sự khởi sắc của cổ phiếu bất động
sản trên sàn chứng khoán. Đồ họa: Quang Thắng
Mặc dù FLC vẫn đang tiếp tục đưa ra hàng loạt dự án tham vọng trong phân khúc du lịch, nghỉ dưỡng và căn hộ cao cấp, nhưng cổ phiếu của FLC vẫn loay hoay đường về mệnh giá từ năm 2014. Mới đây, tại ĐHĐCĐ thường niên của FLC, ban lãnh đạo tập đoàn đã phải cam kết mua gom cổ phiếu, để đẩy thị giá, thậm chí còn khuyến khích cán bộ, nhân viên mua cổ phiếu để góp phần đẩy giá lên.
Cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo cũng có hoàn cảnh tương tự. Doanh nghiệp này vốn được xem là "đế chế" của gia đình ông Đặng Thành Tâm khi chị gái ông Tâm là Chủ tịch HĐQT còn anh trai là Tổng giám đốc.
Tân Tạo là một trong số ít doanh nghiệp theo đuổi phân khúc xây dựng công nghiệp. Mặc dù sở hữu vốn điều lệ lên tới 9.385 tỷ đồng, đây là con số lớn nhất trong các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp, nhưng những gì mà Tân Tạo thu được trong nhiều năm qua lại khá nhỏ bé.
Đơn cử, trong năm 2016, doanh nghiệp chỉ đạt 243 tỷ đồng doanh thu, giảm gần 500% và chỉ đạt vỏn vẹn 39 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm tới 3,5 lần so với năm 2015. Theo Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016, Tân Tạo có các khoản vay với tổng giá trị hơn 1.492 tỷ đồng, trong đó có 162,7 tỷ đồng đã quá hạn thanh toán đến cuối năm 2016 và hơn 285 tỷ đồng đến hạn vào cuối năm 2017.
Tuy nhiên, cổ phiếu của nhiều "ông lớn" bất động sản hiện vẫn đang
có giá trị giao dịch rất thấp. Đồ họa: Quang Thắng
Công ty CP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân cũng không khá hơn hai doanh nghiệp nói trên. Hoàng Quân theo đuổi phân khúc ít doanh nghiệp tham gia là nhà ở xã hội, tuy nhiên suốt nhiều năm qua doanh nghiệp vẫn chưa thành công trong phân khúc này.
Theo đó, Hoàng Quân đã đầu tư 22 dự án nhà ở với nguồn vốn hơn 20.000 tỷ đồng. Trong số này, 19 dự án có quy mô khoảng 26.437 căn hộ và 3 dự án nhà ở công nhân với quy mô gần 8.000 căn hộ.
Tính đến cuối năm 2016, số căn hộ nhà ở xã hội mà Hoàng Quân đưa ra thị trường lên tới 4.000 căn. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ ghi nhận 112 tỷ đồng lãi ròng, tức đạt được 22% kế hoạch lợi nhuận và bằng 1/6 của năm 2015.
Mặc dù chưa công bố kết quả kinh doanh quý II, nhưng trong quý I vừa qua, cả doanh thu lẫn lợi nhuận của Hoàng Quân đều giảm so với cùng kỳ. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của đại gia nhà ở xã hội này được giao dịch ở mức khá thấp (trên 3.000 đồng/cổ phiếu), nằm trong nhóm cổ phiếu bất động sản thấp nhất sàn chứng khoán.
Hoàng Quân sở hữu vốn điều lệ lên tới 4.226 tỷ đồng tuy nhiên vốn hóa thị trường của ông 'trùm nhà ở xã hội' này lại chỉ đạt 1.629 tỷ đồng.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet