Cố mua nhà to gần trung tâm, vợ chồng trẻ đuối sức phải bán nhà trả nợ
Quyết định vay đến 70% để mua căn nhà 2,1 tỷ đồng, nhưng chỉ được một thời gian ngắn vợ chồng anh Hoàng Văn Bách đã phải bán nhà vội để trả nợ vì không thể gồng gánh được khoản tiền trả lãi hàng tháng.
Dưới đây là chia sẻ của anh Hoàng Văn Bách về bài toán tài chính sai lầm khi mua nhà của vợ chồng anh:
Tôi 29 tuổi, quê ở Ý Yên, Nam Định, còn vợ tôi quê ở Bắc Giang. Hai vợ chồng tôi kết hôn được gần 5 năm và đã có 1 bé trai. Tôi làm thiết kế cho một công ty chuyên về quảng cáo, lương tháng 17 triệu đồng/tháng. Còn vợ tôi làm SEO cho một công ty về nội thất, thu nhập 12 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập của 2 vợ chồng cũng ngót nghét 30 triệu đồng/tháng. Sau khi kết hôn được 3 năm, vì không muốn phải đi ở trọ, lại sẵn có khoản tiền tiết kiệm 500 triệu nên chúng tôi lên kế hoạch mua 1 căn chung cư trả góp.
Tuy nhiên những căn hộ chung cư giá tầm trên dưới 1 tỷ thường tập trung ở các quận, huyện ngoại thành như Gia Lâm, Đông Anh, Long Biên,… Những vị trí này quá xa nơi làm việc của cả hai vợ chồng. Còn căn hộ trong nội đô, tiện đi lại thì tối thiểu cũng có giá khoảng 2 tỷ đồng.
Hai vợ chồng tôi tiếp tục huy động thêm từ anh chị em người thân nhưng chẳng được là bao. May thay tôi có cậu bạn mới đi nước ngoài về nên cho vay gần 200 triệu đồng (không tính lãi suất). Sau nhiều đêm thức trắng suy nghĩ, cuối cùng vợ chồng tôi vẫn quyết định vay ngân hàng 1,5 tỷ đồng với lãi suất 6,79%/năm để mua căn hộ 2,2 tỷ đồng, ở Định Công, Hoàng Mai. Lúc đó tôi suy nghĩ rất đơn giản rằng đời người cũng chỉ có 2 việc lớn đó là lấy vợ và mua nhà cho nên phải cố hết sức để con cái có được chỗ ở tử tế. Hơn nữa sau này tôi cũng muốn đón mẹ ở quê lên ở cùng nên chọn hẳn căn hộ 80m2, 3 phòng ngủ cho rộng rãi thoải mái.
Chúng tôi làm hồ sơ vay vốn trong 20 năm - tối đa thời gian mà ngân hàng cho phép vay. Ban đầu, mỗi tháng vợ chồng tôi chỉ phải trả 8,5 triệu đồng cả gốc và lãi, do ngân hàng mới giải ngân một phần nên không thấy có gì áp lực. Sau khi giải ngân hết, chúng tôi phải trả khoảng 14,5 triệu đồng/tháng. Với tổng thu nhập 30 triệu đồng/tháng, trừ đi số tiền trả nợ, vợ chồng tôi vẫn đủ để chi tiêu cho cuộc sống. Có nhà riêng, hai vợ chồng đều vui mừng và hạnh phúc, càng có thêm động lực “cày cuốc” để trả nợ hàng tháng.
Vay đến 70% để mua nhà, nhưng chỉ được một thời gian ngắn vợ chồng anh Bách
đã phải bán nhà vội để trả nợ vì đuối sức. Ảnh minh họa
Thế nhưng bài toán tài chính ngỡ là an toàn cuối cùng lại trở thành gánh nặng khiến vợ chồng tôi “sa lầy” trong đống nợ. Sau khi trả nợ được 1 năm thì đến tháng 4/2019, tin nhắn báo tổng khoản gốc và lãi phải nộp là 18,6 triệu đồng, trong đó riêng tiền lãi là 12,3 triệu đồng. Tôi thấy hoảng quá vì tới thời điểm đó mình đã trả gốc được hơn 70 triệu thì đúng ra lãi phải ngày càng giảm chứ, sao lại vọt lên kinh khủng như thế. Tôi tức tốc gọi điện cho nhân viên ngân hàng thì được giải thích, từ ngày 30/3/2019 chúng tôi đã hết thời gian hưởng lãi suất ưu đãi. Lãi vay sau thời điểm đó được tính bằng lãi suất tiết kiệm 24 tháng cộng với biên độ 3,5% rơi vào khoảng 10,5%/năm.
Vậy là với số tiền trả nợ hàng tháng lên tới hơn 18 triệu đồng, vợ chồng tôi phải thắt chặt mọi chi tiêu, tôi cũng cố gắng nhận thêm việc về làm tới khuya. Tuy nhiên tháng nào cứ đến hạn trả tiền ngân hàng là vợ chồng tôi phải chạy vạy vay mượn khắp nơi. Ban đầu vì mọi người ái ngại nên cũng cố gắng giúp nhưng những tháng sau đó bắt đầu từ chối khéo.
Thậm chí có một lần con tôi bị sốt rồi viêm phổi nặng phải đưa vào viện mà trong túi hai vợ chồng chỉ còn vài chục nghìn tiền lẻ. 11h đêm, vợ tôi phải gọi điện cho đồng nghiệp để vay tiền. Lúc ấy tôi thực sự cảm thấy hối hận vô cùng, chỉ vì cố mua nhà to, gần trung tâm mà hai vợ chồng tôi nhẵn túi, đến khoản tiền dự phòng những lúc đau ốm cũng không có. Một thời gian ngắn sau đó, vì không cẩn thận nên vợ tôi dính bầu, lại trúng đợt công ty cắt giảm nhân sự do kinh doanh khó khăn nên vợ tôi bị cho nghỉ việc.
Khó khăn chồng chất khó khăn khiến hai vợ chồng tôi thực sự cảm thấy đuối sức. Mỗi sáng mở mắt ra nghĩ đến món nợ khổng lồ treo lơ lửng trên đầu khiến tôi rùng mình. Quá căng thẳng và áp lực tiền bạc, cuối cùng vợ chồng tôi đã phải nuốt nước mắt đưa ra quyết định bán nhà để trả nợ rồi đi thuê nhà ở tạm.
Vun vén trong suốt hơn 1 năm trời, tự tay sắm sửa, trang trí mọi thứ nên quyết định bán nhà với vợ chồng tôi là không dễ dàng. Buồn, tiếc nuối nhưng trong tình cảnh bế tắc, đó là giải pháp tốt nhất giúp vợ chồng tôi giải phóng được nợ nần để sống vui vẻ, hạnh phúc hơn. Nếu có cơ hội mua nhà lần 2, chắc chắn tôi sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng về tài chính và tính đến những rủi ro có thể xảy ra để tránh gặp phải bài học đắt giá như thế này.
Từ bài học đau thương của bản thân, tôi cũng muốn nhắn nhủ đến các cặp vợ chồng trẻ đang có ý định mua nhà cần phải lưu ý:
Thứ nhất, hiện nay mua căn hộ trả góp sẽ được thanh toán thành nhiều đợt, số tiền đặt cọc ban đầu rất thấp chỉ khoảng 100-200 triệu đồng. Nhưng mọi người cần phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng về tài chính vì sẽ phải trả từng đợt cho chủ đầu tư theo tiến độ dự án.
Thứ hai, đừng mua nhà trả góp nếu phải vay ngân hàng tới 70%. Thực tế chỉ nên vay tối đa 50% giá trị căn nhà. Điều này vừa đảm bảo được ngân sách chi tiêu cho cuộc sống gia đình, vừa đảm bảo khả năng trả nợ hàng tháng.
Thứ ba, khi vay không nên quan tâm đến lãi suất ưu đãi vì lãi ưu đãi thường được áp dụng trong thời gian khá ngắn mà cần phải hỏi rõ nhân viên tín dụng về lãi suất thả nổi sau ưu đãi được tính ra sao, đừng để rơi vào trường hợp như vợ chồng tôi.
Hà Nhung (ghi)
>> 8 điều cần hỏi nhân viên tín dụng trước khi vay mua nhà
>> Đắng lòng ở trọ vì chưa mua được nhà mới đã vội bán nhà cũ
>> Cách lập kế hoạch tài chính chi tiết nhất để mua nhà trả góp
>> Đầu tư đất lãi đậm, vợ chồng trẻ tậu nhà tiền tỷ sau 8 tháng kết hôn
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet