Cơ hội cho thị trường bất động sản
Nhiều người cho rằng, sau khi siết tín dụng, thị trường BĐS sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, cũng có những quan điểm khác lạc quan hơn, cho rằng thị trường BĐS đang có nhiều cơ hội khi mà các kênh đầu tư khác đang "bị chặn".
Khó khăn hay cơ hội?
Thị trường bất động sản trong năm 2010 trầm lắng được cho là do lãi suất vay vốn cao, nay cộng thêm chủ trương kiềm chế lạm phát, thắt chặt cho vay đối với bất động sản thì kênh đầu tư này càng trở nên khó khăn. Ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vinaland nhận định: “Nếu sắp tới, lãi suất tiếp tục tăng cao, chủ trương thu hẹp tín dụng bất động sản được các ngân hàng triển khai thì các dự án của chúng tôi phải dừng lại ở công tác chuẩn bị chứ chưa thể triển khai. Còn với khách hàng, chắc chắn họ cũng gặp khó khăn rất nhiều nếu như họ phải vay mượn nhiều để mua nhà”.Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản lại không nghĩ như vậy. Ông Hà cho rằng, thời điểm hiện tại khi các kênh đầu tư khác đang gặp khó thì đây lại là cơ hội cho thị trường bất động sản. Ông phân tích, bất động sản sẽ khó khăn khi Chính phủ thắt chặt tín dụng, nên thị trường sẽ có những điều chỉnh nhất định và người dân có thêm nhiều lựa chọn hơn. Ông Hà tin rằng bất động sản vẫn có giao dịch và thậm chí có những phân khúc sẽ còn giao dịch mạnh. Ông Hà nói: “Vì lãi suất cao, giá ngoại tệ, vàng đều tăng mà giá đất giảm thì dân sẽ có điều kiện để đầu tư bất động sản”.
Những năm trước đây, chứng khoán đã từng là một kênh đầu tư ưu tiên của anh Nguyễn Xuân Tùng ở Hào Nam, Hà Nội. Tuy nhiên sau một thời gian thị trường này mất “lửa” thì vàng và USD lại nằm trong danh mục đầu tư hàng đầu của anh, vì lượng vốn không nhiều. Trong suốt năm 2010, cơn sốt vàng và USD đã giúp anh kiếm được kha khá vốn. Nhưng sau khi Chính phủ công bố các biện pháp kiềm chế lạm phát, trong đó quản chặt thị trường ngoại tệ tự do, tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng… thì đối với anh Tùng đây lại là thời điểm phù hợp để chuyển hướng đầu tư sang bất động sản.
Vốn học và hiện đang công tác trong ngành xây dựng nên anh tỏ ra khá tự tin với quyết định của mình. Anh cho biết từ lâu đã rất thích đầu tư vào lĩnh vực này nhưng thiếu vốn. Nhưng cách đây mười ngày, anh đã tìm được căn hộ ưng ý ở Khu căn hộ số 1 Thăng Long, dự án nằm ngay ngã tư Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Trần Duy Hưng và đại lộ Thăng Long.Điều làm anh hết sức tâm đắc là dự án nằm ở vị trí được đánh giá là đẹp nhất Hà Nội hiện nay, thêm vào đó chủ nhân mỗi căn hộ đều được sử dụng một chỗ để xe ô tô miễn phí trong tầng hầm, dự án có giá được tính bằng đồng Việt Nam...
Là dân xây dựng nên anh Tùng tỏ ra có cái nhìn khá sát thực tế, anh cho biết, nhiều người “ngoại đạo” không hiểu nhiều về chuyên môn và vẫn có tâm lý “sính ngoại” nên đã chấp nhận đổ nhiều tiền vào các dự án có “dính” chữ nước ngoài. Chính vì vậy mà không ít dự án đua nhau gắn tên nước ngoài, rồi thả mức hét giá và giữ giá theo đồng USD, gây thiệt hại không nhỏ cho khách hàng trong bối cảnh đồng nội tệ tiếp tục mất giá do lạm phát. Không “chê” các dự án có vốn và công nghệ nước ngoài nhưng anh Tùng nói: “Hàng mua phải đúng với giá trị của nó”.
Ông Lâm Bảo Kỳ, Tổng giám đốc Công ty CP Quốc tế Lạng Sơn cũng cho rằng: “Kinh doanh bao giờ cũng phải tính hiệu quả và lợi nhuận lên trên hết. Và khi mà một mặt hàng có giá trị như nhau, công dụng và chất lượng như nhau thì tất yếu bạn sẽ chọn cái nào có giá rẻ hơn. Chính vì vậy trong thời gian qua nhiều dự án bất động sản nước ngoài đã phải chịu cảnh “chợ chiều”.
Thời điểm tốt để đầu tư
Thực tế, sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá USD/VND thêm 9,3%, cùng với nhiều mặt hàng thiết yếu như điện tăng 15,3%, xăng dầu tăng 17,6% đã tạo áp lực lớn đối với chủ đầu tư và tác động trực tiếp tới các dự án bất động sản. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản vẫn sẽ sôi động. Số chịu tác động từ tỷ giá chủ yếu là các dự án sử dụng nhiều nguyên vật liệu và thiết bị nhập khẩu.Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, khi giá đầu vào tăng, đặc biệt việc tăng giá cước vận chuyển sẽ khiến giá sản xuất tăng, chi phí này sẽ “chui” vào giá thành xây dựng, đương nhiên, chủ đầu tư sẽ phải điều chỉnh tăng giá bán. Tuy nhiên, điều chỉnh như thế nào lại phụ thuộc vào thị trường. Trong bối cảnh này, chịu ảnh hưởng lớn nhất là phân khúc nhà ở cao cấp do sử dụng nhiều thiết bị nhập khẩu, song khi thị trường còn ảm đạm, các chủ đầu tư chưa thể tăng giá ngay được bởi giá tăng sẽ làm cho thị trường càng khó giao dịch.
Thông thường trong thời buổi lạm phát tăng cao thì người dân thường có xu hướng tìm nơi “trú ẩn” vào vàng hoặc ngoại tệ mạnh. Tuy nhiên gần đây cả hai kênh này đang bị kiểm soát chặt và giá cả tăng giảm bất thường cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Trong khi đó, bất động sản đã trải qua một năm 2010 trầm lắng nhưng vẫn là một nơi an toàn và sinh lời cao cho nhà đầu tư. Thực tế nhu cầu về nhà ở của người dân Việt Nam vẫn rất cao.
Theo số liệu công bố ngày 8/3 tại Hội thảo tham vấn và hỗ trợ kỹ thuật cho chiến lược phát triển nhà quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam hiện thiếu gần 20 triệu căn hộ, khoảng 70% số các hộ chưa có các phương tiện sinh hoạt phù hợp. Cùng với tốc độ đô thị hoá mạnh mẽ, nhu cầu về nhà ở sẽ tiếp tục tăng.
Ông Nguyễn Trần Nam nhận định: “Tiền trong dân còn lớn, lạm phát tăng cao, người dân càng không muốn gửi tiền vào ngân hàng và trong khi vàng, USD, chứng khoán lên xuống thất thường, rủi ro lớn nên dòng vốn sẽ dồn vào bất động sản, nơi được coi là kênh đầu tư an toàn, hiệu quả. Thực tế thì thời gian gần đây, tôi được biết, giao dịch và cả giá bán nhà đất ở Hà Nội đã tăng lên khá cao”.
Trên thực tế, ông Nguyễn Trí Dũng, GĐ Sàn giao dịch bất động sản Viglacera cho biết, trước và sau Tết Nguyên đán, thị trường chung cư bắt đấu có dấu hiệu ấm lên, lượng người tìm hỏi mua nhà, đất đã tăng đáng kể. Đại diện một sàn giao dịch bất động sản khác cũng cho biết, những căn hộ thuộc các tầng không đẹp hay có diện tích lớn còn “ế”, thì đến nay, phần lớn số hàng tồn này cũng được khách hàng đăng ký mua gần hết.
Báo cáo mới nhất của Savills Vietnam cho biết, riêng thị trường căn hộ chung cư ở Hà Nội năm 2011 dự kiến có khoảng gần 20.000 căn mới sẽ được chào bán. Với lượng cung lớn như vậy, chỉ những dự án được chuẩn bị tốt, có yếu tố cạnh tranh cao và chính sách giá phù hợp với điều kiện thị trường mới có khả năng thành công và thu hút được khách hàng, bản báo cáo nhận định.
Anh Nguyễn Xuân Tùng cũng khuyên rằng, giờ là thời điểm tốt để đầu tư bất động sản vì nhà đầu tư sẽ có nhiều lựa chọn, giá cả đang chững và quan trọng là an toàn.
(Theo VOV)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet