Cơ chế “xin - cho”, điểm nghẽn của quy hoạch đô thị
Một lần nữa, câu hỏi khó về “Giải pháp nào cho quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam?” lại được đặt ra tại Hội thảo “Quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch” do Bộ Xây dựng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức sáng nay (20/12) tại Hà Nội.
Theo báo cáo của các chuyên gia tại Hội thảo, Việt Nam là nước đang có quá trình đô thị hóa nhanh. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 24,2% năm 2000 lên mức 32% năm 2012. Cùng với đó, số lượng dân đô thị cũng tăng tương ứng từ 18,7 triệu người lên mức 30 triệu người vào năm 2012.
Thống kê của Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho thấy, số đô thị cuối năm 2011 là 731 đô thị nhưng đến cuối năm 2012 đã tăng thêm 34 đô thị mới thành 765 đô thị. Cùng với đó, dân số đô thị cũng tăng nhanh.
Mô hình đô thị Hà Nội hiện trạng và tương lai gần
Bộ Xây dựng dự báo, đến năm 2015 sẽ có khoảng 870 đô thị với số dân là 35 triệu người, đạt tỷ lệ đô thị hóa 38%. Dự báo xa hơn đến năm 2025 các con số này sẽ lần lượt là 1.000 đô thị, 52 triệu dân và đạt tỷ lệ đô thị hóa tương đương mức 50%.
Tỷ lệ này sẽ gần chạm ngưỡng trung bình của các nước phát triển với GDP/người đạt từ 10.000 USD trở lên tỷ lệ đô thị hóa không dưới 60%.
Tại Việt Nam, các đô thị có đóng góp chủ yếu vào GDP quốc gia khi chiếm khoảng 70% tổng GDP nhưng trên thực tế khâu quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định, tuy đô thị có quy hoạch, thậm chí đã có cả Luật Quy hoạch Đô thị nhưng thực tế cho thấy chính quyền đô thị và các nhà làm chính sách nước ta chưa quan tâm mấy đối với khâu quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch.
Hậu quả là có sự cách biệt khá lớn giữa quy hoạch và thực tiễn phát triển đô thị hay nói cách khác là quy hoạch mất chức năng kiểm soát quá trình phát triển đô thị. Do đó, ông Liêm kiến nghị: “Quản lý phát triển đô thị phải theo thứ tự ưu tiên chứ không được làm tràn lan. Cái gì quan trọng cần làm trước thì phải thực hiện ngay đồng thời phát triển đến đâu phải quản lý tốt đến đấy”.
Mặt khác, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam lại cho rằng, nguyên nhân khiến các đô thị ở Việt Nam không thể phát triển đúng với tiềm năng vốn có chính là do các địa phương làm ngơ quy hoạch, xuất hiện nhóm lợi ích trong hoạt động quy hoạch đặc biệt là cơ chế “xin-cho”.
Thực tiễn công tác quy hoạch nhiều năm qua cho thấy rõ, tình trạng quy hoạch tại nhiều địa phương vẫn còn tồn tại nhiều sai phạm, như công trình xây dựng không phép, sai phép, xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm, vi phạm mật độ xây dựng, xây nhà vượt số tầng cao cho phép; các khu đô thị thiếu thậm chí không có diện tích mảng xanh, cây xanh, các khu tiện tích cần có …
Ông Hùng cho rằng, những sai phạm trong quy hoạch đô thị đã tác động xấu đến chất lượng cuộc sống người dân và môi trường kinh doanh đô thị, ảnh hưởng không tốt đến năng lực của quốc gia.
Ở một góc nhìn khác, các chuyên gia quy hoạch quốc tế lại cho rằng, giữa quy hoạch và thực tiễn phát triển đô thị tại Việt Nam đang có một khoảng cách lớn.
Theo nhận xét của các chuyên gia quy hoạch đô thị nước Pháp, tình hình quy hoạch đô thị Tp.HCM đã thể hiện một số vấn đề như quy mô dân số trong quy hoạch khác với thực tế, nhà đầu tư không tuân thủ giấy phép xây dựng, nạn xây dựng tự phát, xây dựng không phép vẫn tiếp tục diễn ra, hạ tầng không theo quy hoạch, nhiều công trình có giá trị di sản bị phá vỡ…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh nhận định, quy hoạch đô thị và phát triển đô thị theo quy hoạch không thể tách rời nhau trong quá trình phát triển của Việt Nam.
Thứ trưởng Linh cho biết, hiện Bộ Xây dựng đang tích cực và nghiêm túc tiếp thu ý kiến đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước để có thể sớm đưa ra được các giải pháp tổng thể cho quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam trong tương lai.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet