Chuyển nhượng đất vườn trong khu dân cư tại Hà Nội
Hỏi: Tôi có ý định mua một thửa đất diện tích 35m2 tại phố Thúy Lĩnh (Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội). Thửa đất là đất vườn lâu dài nằm trong một mảnh đất lớn gồm 100m2 đất ở và 160m2 đất vườn lâu dài (có thể hiện trên sổ đỏ).
Xin hỏi trong trường hợp này, có thể ra UBND phường làm công chứng mua bán giữa hai bên và tôi có thể sang tên? Hiện người bán chỉ có ý định làm giấy viết tay giữa hai bên và công chứng cho tôi sổ đỏ chung chứ không ra phường làm công chứng mua bán.
Việc chuyển đổi hình thức từ đất vườn sang đất ở có thực hiện được không, chi phí thế nào?
- Trả lời:
1. Đối với hộ gia đình, cá nhân, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất là quy định bắt buộc để được pháp luật thừa nhận đối với giao dịch này. Do đó bạn sẽ không thể thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu đối với thửa đất nếu không tuân thủ hình thức chuyển nhượng nêu trên.
Với trường hợp bạn nêu, để có thể công chứng hoặc chứng thực việc mua bán này, thửa đất phải được chuyển mục đích sử dụng sang đất ở và đảm bảo diện tích tối thiểu để được phép tách thửa, như sau:
Thửa đất được hình thành từ việc tách thửa và thửa đất còn lại sau khi tách thửa có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3m trở lên và có diện tích không nhỏ hơn 30m2/thửa
2. Trên địa bàn TP Hà Nội, người dân được phép chuyển mục đích sử dụng đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở trong khu dân cư nhưng chưa được công nhận là đất ở và đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư (không thuộc đất công) sang đất phi nông nghiệp (quyết định số 121 ngày 22-12-2009 của UBND TP Hà Nội).
Theo đó, diện tích đất xin chuyển công năng sang đất làm nhà ở phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị hoặc xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được phê duyệt; không nằm trong chỉ giới mở đường quy hoạch, phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng, đê, sông, kênh, mương, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình an ninh, quốc phòng, quy hoạch phòng chống lũ và diện tích dành lối đi sử dụng chung trong khu vực.
Bạn có thể trực tiếp liên hệ với địa phương nơi có đất để hỏi thông tin về quy hoạch cũng như trình tự, thủ tục để chuyển mục đích sử dụng đất.
VP LS Lê Nguyễn
Theo Tuổi trẻ
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet