Chuyên gia: Xây khu đi bộ ở trung tâm Sài Gòn là không khả thi
Quá tầm, giao thông rối loạn, cuộc sống người dân ảnh hưởng cùng hàng loạt bất cập khác được các chuyên gia chỉ ra, nếu Tp.HCM biến 220 ha khu trung tâm thành nơi đi bộ.
TS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông cho rằng, đề án chuyển một phần khu trung tâm thành khu đi bộ (rộng hơn 220 ha) mà Tp.HCM đang nghiên cứu là quá tầm. Bên cạnh vấn đề giao thông, nó phải là dự án tổng thể với sự góp sức của nhiều ngành như xây dựng, quy hoạch - kiến trúc, du lịch, xã hội...
Theo ông Sanh, trên thế giới chỉ làm các tuyến phố đi bộ chứ chưa có khu rộng lớn như thế. Những tuyến phố này cũng phải có mục đích rõ ràng như mua sắm, vui chơi, văn hóa - nghệ thuật,... mới thu hút được người dân. Ngay cả bên Mỹ, những năm 1960 đã quy hoạch khoảng 100 khu đi bộ thì hơn 80% phá sản, hiện chỉ còn 11 khu vực còn hoạt động.
"Bài học trước mắt là phố đi bộ Nguyễn Huệ đã phát sinh rất nhiều vấn đề hạ tầng, giao thông, chỗ giữ xe. Giờ nếu làm khu đi bộ hơn 220 ha thì biết bao vấn đề nảy sinh, chúng ta đã tính toán kỹ lưỡng, tổng thể chưa?", ông Sanh lo ngại.
Khu đi bộ ở trung tâm Sài Gòn bị cho là “không khả thi”. Ảnh minh họa |
Chuyên gia này đặt vấn đề, nếu đề án được thực hiện, phương tiện giao thông sẽ dồn từ khu vực trung tâm qua các khu lân cận ở quận 4, quận 7. Bản chất là dồn xe, ách tắc từ nơi này sang nơi khác. Đấy còn chưa kể, khu vực theo đề án khu phố đi bộ là nơi tập trung nhiều cơ quan Nhà nước, khu thương mại quan trọng, liên quan mật thiết với đời sống người dân. "Việc mua bán, hoạt động của các trung tâm, cơ quan này sẽ diễn ra như thế nào?", ông nhấn mạnh.
Theo đề xuất của ông Sanh, thay vì làm một khu đi bộ, thành phố nên làm từng tuyến đường đi bộ và kết nối chúng theo lộ trình hợp lý.
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh (Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học - Kỹ thuật - Môi trường thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) nhận xét, đề án trên cần lưu ý ở vấn đề xã hội. Với đô thị tầm vóc như Tp.HCM thì nhu cầu đi lại là rất lớn. Nó xuất phát từ cuộc sống mưu sinh của người dân với rất đông người làm kinh tế cá nhân.
Ông Ninh cho rằng, nếu thành phố khoanh vùng làm phố đi bộ, đời sống của họ chắc chắn bị ảnh hưởng rất lớn. Bằng cách này hay cách khác, họ vẫn tìm cách đi lại để kiếm sống thì vô tình sẽ tạo ra sự rối loạn giao thông. Hơn nữa, nó có thể gây lãng phí những con đường nằm trong khu quy hoạch. Người dân không có nhu cầu đi bộ nhiều đến vậy, trong khi đời sống của họ lại bị ảnh hưởng.
Từ đó, ông Ninh nhận định đơn vị nghiên cứu đề án này đã vội vàng, có góc nhìn hẹp và duy ý chí dù mục đích của đề án là tốt, hướng đến văn minh đô thị. Theo ông Ninh, thành phố không nên quy hoạch một khu đi bộ mà chỉ nên xây dựng thêm các con phố đi bộ phục vụ nhu cầu thiết thực. Chẳng hạn như phố đi bộ Bùi Viện cho du khách nước ngoài.
Tương tự, PGS.TS Hồ Thanh Phong (Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Tp.HCM) cho rằng, khu trung tâm thành phố đang rất chật, giao thông phức tạp. Vì vậy, việc xây dựng khu đi bộ ở đây sẽ khiến mọi thứ rối loạn.
Đề án dự tính sẽ bố trí một số bãi đậu xe ở vành đai khu đi bộ, ông Phong tính toán, cần bãi đậu xe hơn 10 ha mới đủ đáp ứng cho nhu cầu đi lại như hiện nay. Bên cạnh đó, bãi giữ xe này phải ở gần trung tâm quận 1, gần khu vực đi bộ... Xét tổng thể các yếu tố kỹ thuật và kinh tế hiện nay thì không thể thỏa mãn.
"Về phía người dân, nếu có nhu cầu đi qua khu vực này sẽ phải phát sinh hành trình di chuyển mới và sinh ra khả năng tắc nghẽn giao thông. Trong khi đó, du khách lưu trú ở trung tâm lại có khả năng di chuyển đến nơi khác khiến khu đi bộ trở nên vắng vẻ, còn khu vực xung quanh thì chật cứng", ông Phong đưa quan điểm.
Với góc nhìn lạc quan hơn, PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa (nguyên Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển Tp.HCM) ủng hộ đề án, vì trật tự vỉa hè của quận 1 đang ngày càng thông thoáng, tạo ra nhu cầu đi bộ thật sự của người dân.
Chuyên gia này nhìn nhận, không nên ngại đề án quá lớn mà quan trọng là cách làm của mình đúng hay không. Phải tính toán kỹ, có lộ trình thực hiện cụ thể. Quan trọng phải làm triệt để, đừng đánh trống bỏ dùi như xưa nay.
Nhưng theo ông Hòa, nếu thành phố quyết làm cần có những phương án giao thông linh hoạt. Có thể là, ban ngày cho đi bộ, ban đêm cho xe lưu thông hoặc xây dựng đường hầm cho xe chạy phía dưới. Cũng cần nghiên cứu phương tiện công cộng phục vụ khách hàng ở các khu thương mại, khách sạn trong khu đi bộ này.
Dự kiến, đề án chuyển một phần khu trung tâm (930 ha) thành khu đi bộ sẽ được trình UBND Tp.HCM trong quý II/2017. Theo đó, khu phố đi bộ ở trung tâm có chu vi 7,35 km, rộng hơn 220 ha, gồm một số đoạn trên đường: Pasteur, Lê Duẩn, Hai Bà Trưng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Mạc Đĩnh Chi, Đồng Khởi, Lý Tự Trọng, Nguyễn Du, Lê Lợi và một số tuyến đường nhỏ ở quận 1.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet