Gần 11% hộ gia đình có diện tích dưới 30m2

Bộ Xây dựng vừa hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Bộ Xây dựng, mặc dù tốc độ phát triển nhà ở đạt tốc độ cao trong thời gian qua, nhưng vẫn còn không ít hộ gia đình phải sống trong các căn nhà chật hẹp, chất lượng kém.

Hiện cả nước còn hơn 1,6 triệu căn nhà và khoảng 1,7 triệu căn nhà thiếu kiên cố (chiếm 7,42%); còn 2,2 triệu hộ gia đình có diện tích nhà ở dưới 30 m2/căn (chiếm 10,64%), trong đó tỷ lệ căn hộ có diện tích dưới 15 m2 khu vực đô thị là 4%.

Nếu tính theo đầu người, cả nước vẫn còn hơn 770.000 hộ gia đình có diện tích nhà ở bình quân dưới 5 m2/người và hơn 4,6 triệu hộ gia đình có diện tích nhà ở bình quân từ 6-10 m2 /người…

Trong khi đó, thị trường bất động sản nói chung và thị trường nhà ở, đất ở nói riêng trong vừa qua biến động phức tạp theo xu hướng giá cả tăng cao, vượt quá khả năng về tài chính của bộ phận lớn dân cư có thu nhập trung bình và thấp, dẫn đến sức ép về nhà ở ngày càng tăng, đặc biệt là nhà ở tại khu vực đô thị.

Hiện tượng đầu cơ, làm giá, mua đi bán lại nhà ở kiếm lời diễn ra tương đối phổ biến trong khi thiếu sự điều tiết mạnh mẽ từ phía Nhà nước, gây khó khăn cho việc giải quyết nhà ở cho một bộ phận lớn dân cư đô thị, đồng thời ảnh hưởng tới mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội.

Thực trạng này được Bộ Xây dựng xác định là do: Hệ thống cơ chế, chính sách phát triển và quản lý nhà ở thiếu đồng bộ. Thị trường nhà ở có nhiều biến động, gây ảnh hưởng không tốt đến việc tạo lập chỗ ở của người dân;

Bên cạnh đó cơ cấu nhà ở chưa cân đối, khoảng cách về điều kiện nhà ở ngày càng chênh lệch cao. Ngoài ra, hệ thống tài chính nhà ở lại chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường; Các thủ tục hành chính thì còn phức tạp; Việc kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về nhà ở lại chưa được thực hiện thường xuyên và triệt để….

Hoàn thiện cơ cấu tổ chức phát triển và quản lý nhà ở

Dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 25m2 sàn/người, phấn đấu xây dựng mới tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị.

Nhưng để làm được việc này, Bộ Xây dựng đã đề xuất trong tờ trình nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, cần tập trung khai thác có hiệu quả nguồn lực về đất đai, huy động các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở.

Các chính sách về đất đai, đặc biệt là những nội dung liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, tránh sử dụng lãng phí; chính sách tài chính, thuế ... cần phải được hoàn thiện sớm.

Về quy hoạch - kiến trúc, Bộ Xây dựng cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt quy hoạch phục vụ công tác phát triển nhà ở. Sửa đổi, bổ sung các chỉ tiêu sử dụng đất, quy chuẩn, tiêu chuẩn... nhằm bảo đảm tạo ra các khu dân cư, khu nhà ở khang trang, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, có bản sắc, có khả năng ứng phó với thiên tai, động đất, biến đổi khí hậu, nước biển dâng...

Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất nghiên cứu hoàn thiện về tài chính tín dụng theo hướng mở rộng nguồn vốn vay trung hạn và dài hạn; hoàn thiện mô hình hoạt động của Quỹ phát triển nhà ở, thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở; đồng thời sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cho vay thế chấp đối với lĩnh vực phát triển nhà ở.

Đặc biệt, để phát triển nhà ở hiệu quả, cần tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi phương thức tập quán sở hữu nhà ở chuyển sang thuê nhà ở, thay đổi thói quen ở nhà riêng lẻ chuyển sang hình thức sử dụng căn hộ chung cư; khuyến khích áp dụng hình thức liên kết, hợp tác phát triển nhà ở theo mô hình hợp tác xã...

Ngoài ra, những nhiệm vụ liên quan đến công tác dự báo, các nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại trong xây dựng cũng cần phải được quan tâm xứng đáng.

(Theo Dantri)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME