Chung cư cũ: Bài toán khó trong quy hoạch đô thị
Trong quá trình quy hoạch đô thị, Tp.HCM đang gặp nhiều vấn đề nan giải trong việc giải quyết các chung cư xuống cấp. Để doanh nghiệp làm thì gặp vấn đề về lợi nhuận, còn Nhà nước làm thì ngân sách eo hẹp.
Xã hội hóa kiểu nào?
Ở một số chung cư cũ, người dân thấp thỏm lo âu vì mức độ xuống cấp đã quá sức chịu đựng. |
UBND quận Bình Thạnh hiện đang tìm giải pháp để di dời các lô chung cư cũ tại Thanh Đa. Lãnh đạo UBND quận Bình Thạnh cho rằng đối với những lô chung cư cũ, xuống cấp ở vị trí không thuận lợi thì rất khó xã hội hóa, tìm nguồn vốn đầu tư. Vị này cho biết UBND quận đã kiến nghị UBND Tp.HCM tạm ứng nguồn vốn bồi thường ban đầu để di dời người dân đến nơi ở an toàn.
Trước mắt, UBND quận sẽ di dời, tái định cư người dân ở lô IV và lô VI chung cư Thanh Đa. Sau đó, Nhà nước giao đất sạch cho chủ đầu tư qua hình thức đấu giá để lấy tiền bồi thường, di dời những lô chung cư cũ khác. Bên cạnh đó, UBND quận hỗ trợ làm nhanh các thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp để thời gian thực hiện thủ tục ngắn nhất.
Trong khi đó ở quận 10 hiện có khoảng 40 chung cư cũ cần được xây dựng mới. UBND quận này đã mời gọi nhà đầu tư nhiều năm nay nhưng số lượng doanh nghiệp tham gia không nhiều. Theo UBND quận 10, đầu tư xây dựng chung cư cũ đòi hỏi chủ đầu tư phải có năng lực tài chính mạnh để lo trước việc bồi thường, tái định cư cho dân.
Bên cạnh đó, công trình mới phải được xây cao tầng mới có thể giải quyết bài toán lợi nhuận. Vì vậy, UBND quận 10 đã kiến nghị cơ quan chức năng xin điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của quận để những khu vực có chung cư cũ được phép tăng dân số, tăng tầng cao, hệ số sử dụng đất và mật độ xây dựng, đảm bảo cho nhà đầu tư có lợi nhuận.
Để “bù” cho khoản tăng dân số ở những khu vực có chung cư cũ cần xây mới và cân bằng số dân của địa phương, UBND quận đề xuất giảm chỉ tiêu dân số ở những khu dân cư hiện hữu bằng cách xóa bỏ những quy hoạch chung cư “khoét lõm” tại các khu dân cư hiện hữu. Bên cạnh đó, UBND quận 10 cũng có kế hoạch xây dựng các chung cư tái định cư trên quỹ đất sạch tại khu C30 để tái định cư cho người dân các chung cư cũ. Doanh nghiệp được giao đất sạch để xây nhà tái định cư ở khu vực C30 sẽ đảm nhận luôn việc xây dựng mới các chung cư cũ hiện tại.
Một doanh nghiệp đang tham gia đầu tư xây dựng chung cư cũ trên địa bàn quận 1 cũng đề xuất: “Trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng trung tâm thương mại hoặc văn phòng cho thuê không có đầu ra mà xây căn hộ cũng không được, chúng tôi không thể kinh doanh. UBND các quận nên tăng dân số ở những khu vực có chung cư cũ và hạ chỉ tiêu về dân số ở những khu dân cư cao cấp”.
Vấn đề an sinh
Ông Nguyễn Đăng Sơn, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, cho rằng Nhà nước phải xem việc bố trí lại các hộ dân sống trong chung cư cũ như giải quyết vấn đề an sinh xã hội chứ không nên xem đó là một dự án, càng không thể phó thác hết cho các doanh nghiệp. Đối với những trường hợp đủ điều kiện tái định cư, Nhà nước nên cho người dân đổi ngang giá chung cư cũ với chung cư mới, phần diện tích chênh lệch cho dân trả góp trong nhiều năm. Trường hợp người ở chung cư cũ không đủ điều kiện tái định cư thì được thuê hoặc mua nhà ở xã hội và trả góp dài hạn từ 20-30 năm.
Đối với những cụm chung cư lớn như chung cư Thanh Đa, chung cư Nguyễn Thiện Thuật thì chính quyền khuyến khích các công ty nhà nước đứng ra xây dựng mới. Để tạo điều kiện cho các công ty nhà nước thì khi thực hiện xây dựng mới cần phân kỳ, chia nhỏ ra nhiều giai đoạn hoặc làm theo hình thức cuốn chiếu. Lô chung cư nào xuống cấp, hư hỏng nhiều sẽ được ưu tiên di dời dân, xây dựng trước. Như vậy sẽ giảm áp lực đối với cơ quan nhà nước khi giải quyết tái định cư và doanh nghiệp thực hiện xây dựng mới.
Về hình thức hỗ trợ, theo ông Sơn, chính quyền có thể hỗ trợ người dân thông qua việc miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp hoặc hỗ trợ trực tiếp về giá cho người dân mua nhà tái định cư. Chính quyền nên đặt vấn đề an sinh xã hội lên hàng đầu, không nên tính toán thiệt hơn với người dân. Điều cần thiết cho việc cải tạo chung cư cũ của TP hiện tại là thái độ của Nhà nước phải dứt khoát, quyết liệt thực hiện đến cùng để bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân, cũng là để chỉnh trang đô thị.
Nhà nước nên hỗ trợ người dân, hỗ trợ doanh nghiệp để “các bên cùng thắng”.
(Theo Tuổi trẻ)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet