Chưa duyệt vị trí xây sân bay Lộc An, đất đã lên cơn sốt
Từ hai tháng qua, đất tại xã Láng Dài (huyện Đất Đỏ, Bà Rịa-Vũng Tàu) đã lên cơn sốt mặc dù dự án sân bay ở đây mới chỉ được chủ đầu tư trình bản vẽ qui hoạch, chưa được duyệt chủ trương.
Dự án sân bay khiến giá đất tăng vọt
Trưa ngày 28/5, chúng tôi có mặt tại khu đất, nơi Công ty TNHH Hồ Tràm lập bản vẽ xin chủ trương làm dự án sân bay Lộc An. Trên đường vào khu đất, liên tục có các xe ô tô du lịch ra vào. Thấy xe chúng tôi dừng phía trước cửa nhà mình, ông T., một người dân ở đây nhanh miệng hỏi: “Đi tìm mua đất à?”.
Ông T. không đợi chúng tôi trả lời đã tiếp luôn: “Hơn tháng qua con đường này ô tô du lịch ngoài tỉnh ra vô liên tục để tìm mua đất. Tôi vừa tiếp xong một khách ở Bình Dương đến hỏi mua đất gần dự án sân bay nhưng không có. Đất ở đây giờ sốt lắm. Trước đây chỉ có 500 - 700 triệu đồng/ha thì giờ đây đã lên từ 1,5 đến gần 2 tỉ đồng/ha”.
Bà Tô Thị Hồng Thảo, Chủ tịch UBND xã Láng Dài, cho biết hiện dự án sân bay mới chỉ có bản vẽ trên giấy do doanh nghiệp đề xuất, chưa biết sẽ triển khai ở vị trí nào. Các thông tin về vị trí, tọa độ của khu đất xây sân bay hiện UBND xã đều chưa nắm được nhưng người dân quanh vùng thì đã mua bán đất rộn ràng từ nhiều tháng nay. “Người dân ở xã Láng Dài chủ yếu làm nông nghiệp để sống mà hiện nay cứ bán đất thì sau này sẽ khổ”, bà Thảo nói trong lo lắng.
Chưa thống nhất về địa điểm xây sân bay
Thực ra chủ trương xin làm sân bay của Công ty TNHH Hồ Tràm đã nhận được sự đồng thuận của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, vẫn còn một vướng mắc liên quan đến vị trí xây dựng, đó là khu đất đề xuất quá gần với khu xử lý chất thải tại huyện Đất Đỏ. Đây cũng là nguyên nhân UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa thống nhất vị trí dự án.
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa chấp thuận vị trí xây
sân bay vì cho rằng quá gần khu xử lý rác thải.
Trong một cuộc họp mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng xác nhận, vị trí xây sân bay do chủ đầu tư đề xuất cách khu xử lý chất thải gần nhất là 190m, xa nhất là 350m. Như vậy đây là khoảng cách không đạt tiêu chuẩn mà Bộ Xây dựng đề ra. Cụ thể, theo qui định của Bộ, khu vực xây dựng sân bay buộc phải cách khu chôn lấp chất thải từ trên 1km trở lên.
Vì những lý do trên, ông Lê Tuấn Quốc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu doanh nghiệp chọn vị trí khác, cụ thể là ở xã Lộc An (huyện Đất Đỏ). Theo quan điểm của tỉnh, khu vực này chủ yếu là đất ngập mặn, người dân đang nuôi trồng hải sản nên sẽ thích hợp hơn.
Vậy nhưng, phía doanh nghiệp triển khai là Công ty TNHH Hồ Tràm lại không muốn theo phương án này. Đại diện doanh nghiệp giải thích: “Dự án xây dựng sân bay đã kéo dài quá lâu. Từ ngày có chủ trương của tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đến nay đã gần 2 năm và công ty trải qua quá nhiều phức tạp. Mỗi lần khảo sát vị trí mất nhiều thời gian, điều quan trọng hơn cơ hội của công ty không còn nữa để đầu tư. Thời gian chờ đợi, thời gian giải ngân của công ty đã bị chậm trễ. Phía công ty mẹ không còn đủ kiên nhẫn để chờ thêm. Công ty cam kết sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm sau này và không khiếu nại nếu có vấn đề phát sinh từ khu xử lý rác”.
Trước ý kiến trên, ông Lê Tuấn Quốc cho biết, tỉnh rất ủng hộ doanh nghiệp làm dự án sân bay này. “Tuy nhiên, tỉnh không thể làm trái quy định của Bộ Xây dựng. Tỉnh sẽ có văn bản xin ý kiến của Bộ Xây dựng. Nếu bộ đồng ý cho phép công ty làm sân bay ở vị trí mà công ty đề xuất thì tỉnh cũng chấp thuận”, ông Quốc giãi bày.
Trong quy hoạch đề xuất của Công ty TNHH Hồ Tràm, quy mô của sân bay dự kiến bao gồm các công trình đáp ứng tiêu chuẩn Cảng hàng không cấp 4C. Trong đó có 1 đường cất hạ cánh kích thước 2.400m x 45m, hệ thống đường lăn, sân đỗ máy bay hoàn chỉnh; khu nhà ga hành khách, đài kiểm soát tại sân bay, công tình phụ trợ khác. Ngoài ra còn có hệ thống thông tin tín hiệu dẫn đường quản lý bay đạt tiêu chuẩn CAT-I.
Theo dự kiến, công trình sẽ cần khoảng 244 ha đất triển khai, thuộc địa phận huyện Đất Đỏ. Kinh phí đầu tư khoảng 4.250 tỉ đồng lấy từ nguồn vốn của doanh nghiệp.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet