Không kiểm soát được thì chưa nên mở rộng

Tại buổi khai mạc phiên họp thứ 26, UBTV QH Khóa XIII, vấn đề được nhiều đại biểu băn khoăn, cũng như gặp phải nhiều ý kiến trái chiều chính là việc mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, theo 4 hình thức: đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất thuê để cho thuê lại đất đã có hạ tầng kỹ thuật; thuê quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật để cho thuê lại.  

Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ băn khoăn về việc mở rộng quyền kinh doanh bất động sản cho người nước ngoài mà không kiểm soát được. "Kiểm soát tài sản không phải là việc đơn giản. Nếu chưa kiểm soát được thì chưa nên mở rộng, tránh thiệt hại cho người dân. Khi chuyển tiền sang nước ngoài rồi lại không biết đi đâu về đâu”- ông Phúc nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nói: "Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư kinh doanh bất động sản đối với khu vực nhạy cảm về quốc phòng, an ninh”. Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, quy định "không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư kinh doanh bất động sản đối với khu vực nhạy cảm về quốc phòng, an ninh” là quá rộng, khó thực hiện. Khu vực nhạy cảm là khu vực nào? Như vậy là rất là rộng, gây khó khăn cho người kinh doanh” - ông Sơn phân tích và kiến nghị: "Nên quy định là cấm hoạt động kinh doanh bất động sản ở đất quốc phòng an ninh”. Sau khi dẫn chứng từ những ngôi nhà biệt thự bỏ hoang tại Bắc Ninh suốt 10 năm qua gây lãng phí đất, ông Sơn nói: "Tài sản dù của nhà nước, nhưng xây dựng lên là của dân, mồ hôi nước mắt của dân. Vậy Luật mới này có giải quyết được tình trạng đó không?”

Tạo điều kiện cho kinh doanh ảo?

Đó chính là vấn đề được nhiều đại biểu lo ngại. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, một điểm mới của Luật lần này là mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản được cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai, thay vì chỉ được cho thuê, cho thuê mua bất động sản đã có sẵn như quy định hiện hành. "Cần cân nhắc giữ như Luật hiện hành, chứ không nên mở rộng, dễ gây nên hiện tượng kinh doanh ảo. Bởi, hiện nay một số dự án bất động sản tương lai tương đối mờ mịt, thậm chí người đã nộp tiền nay còn không biết đòi tiền ở đâu” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ quan ngại.

Lo ngại hình thức mua bán, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai rất dễ nảy sinh tranh chấp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết: Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần có các quy định chặt chẽ về vấn đề này, nhất là các quy định liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua, thuê, thuê lại, thuê mua bất động sản. Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền thì nhìn nhận rằng, Luật liên quan đến nhiều đến "yếu tố nước ngoài”, nhưng chưa thấy hợp tác quốc tế bất động sản như thế nào? Có nhiều yếu tố nảy sinh tranh chấp, liên quan khiếu nại tố cáo, song Luật không quy định việc khiếu nại tố cáo, vì vậy cần đề cập đến thanh tra bất động sản. Theo ông Hiền: "Cần có quy định rất rõ để người tham gia dự án phải có quyền giám sát quá trình hình thành bất động sản trong tương lai”.

Luật sửa đổi còn mơ hồ

­Luật này chưa được minh bạch. Bất động sản gồm những cái gì? Bất động sản gồm nhiều thứ. Vậy kinh doanh bất động sản là phải nói cho rõ- đó là ý kiến của  Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Chủ tịch Quốc hội phân tích: "Trong bất động sản có đề cập đến các dự án chế xuất. Vậy tất cả các khu công nghiệp đều đưa vào kinh doanh bất động sản? Rồi cả công trình dân dụng. Công trình dân dụng rất rộng. Vậy định đưa cả nhà trẻ, nhà mẫu giáo, hay công trình công nghiệp như: hầm mỏ, nhà máy, công trình dầu khí ngoài khơi cũng đưa vào kinh doanh? Công trình giao thông như: sân bay, bến cảng có đưa lên sàn? sân bay có bán không? Công trình hạ tầng kỹ thuật như: điện nước, cáp thông tin có đưa vào sàn để kinh doanh không?” Chủ tịch cũng chỉ rõ: Luật chỉ trừ "nhà công vụ, công trình bí mật nhà nước, công trình lịch sử văn hóa, trụ sở nhà nước” là không được bán. Vậy tất cả các cái khác đều mang bán hết?

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, hai chữ "nhà”, "công trình” là mơ hồ. Giải trình, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: công trình giao thông là các dự án đường được đầu tư bằng hình thức BOT, hay các công trình doanh nghiệp đầu tư tiền vào nên được coi là kinh doanh. Còn trụ sở cơ quan Nhà nước bán để thu tiền xây trụ sở mới chứ không kinh doanh. Cũng theo Bộ trưởng Dũng, tất cả các ý kiến sẽ được Bộ tiếp thu, và chỉnh sửa làm rõ trong thời gian tới.

Đối tượng mua nhà quá rộng

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Nhiều ý kiến cho rằng, Luật cần rà soát với các luật khác có liên quan, đảm bảo quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp mới. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: đối tượng mua nhà là quá rộng, không tập trung như: người có công, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng. Tuy nhiên, không phải tất cả các đối tượng này đều khó khăn về nhà ở. Theo ông Hiển, chỉ những người có công gặp khó khăn về nhà ở thì mới được hỗ trợ. Hay như việc đưa tất cả cán bộ công nhân viên chức vào diện khó khăn về nhà ở cũng cần xem xét lại. Công chức không phải ai cũng khó khăn, do vậy cần xem xét người có thu nhập thấp gặp khó khăn về nhà ở để hỗ trợ. Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, chính sách không rõ ràng. "Người có công, nhưng phải là những người gặp khó khăn về nhà ở, bởi người có công đã được hỗ trợ theo Pháp lệnh Người có công. Vì, vậy cần xem xét người có thu nhập thấp gặp khó khăn về nhà ở để hỗ trợ, ưu tiên cho đối tượng nghèo, gặp khó khăn”-bà Mai nhấn mạnh.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME