Chính phủ xin lùi thời gian sửa Luật Đất đai đến sau năm 2020
Theo Chương trình xây dựng luật năm 2019 của Quốc hội, trong năm 2019 sẽ trình Quốc hội dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, nhưng mới đây Chính phủ đã xin lùi thời gian đến sau năm 2020.
Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Pháp luật diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho hay, Chính phủ đề nghị điều chỉnh chương trình năm 2019 đối với 10 dự luật, dự thảo nghị quyết; trong đó, rút dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.
Cụ thể, theo Chương trình xây dựng luật năm 2019 của Quốc hội, trong năm 2019 sẽ trình Quốc hội dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, nhưng mới đây Chính phủ đã xin lùi thời gian đến sau năm 2020. Mặc dù đồng tình với Chính phủ, song hầu hết các ý kiến tại phiên họp đều đề nghị phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án luật để sớm sẵn sàng đưa vào chương trình.
Việc xin lùi thời gian sửa Luật rất đáng tiếc bởi trước đó, Quốc hội cũng phải rất khó khăn khi đồng ý sắp xếp sửa Luật Đất đai vào Chương trình xây dựng luật của năm 2019. Trong khi đó, Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2014, tính đến nay chưa được 5 năm, nên muốn được Quốc hội cho sửa không phải điều dễ dàng.
Chính phủ muốn lùi thời gian trình Quốc hội dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai đến sau năm 2020... |
Nhưng Chính phủ cho rằng việc sửa Luật Đất đai là điều cần thiết, vì vậy từ cuối năm 2017, đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu sửa đổi và đến tháng 6/2018, được Quốc hội đồng ý cho thực hiện vào năm 2019. Theo dự kiến, dự án luật sẽ được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 diễn ra vào tháng 5/2019 và thông qua tại kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10/2019.
Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, để tạo được động lực mới cho phát triển, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này sẽ xem xét đồng bộ nhiều vấn đề lớn nhằm giải quyết 3 mục tiêu cơ bản là: Quản lý chặt chẽ tài nguyên đất; giải quyết hiệu quả vấn đề khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai; nâng cao hiệu quả sử dụng, phát huy nguồn lực tài chính từ đất đai cho phát triển. Bên cạnh đó, cần phải tiếp tục được hoàn thiện, đổi mới chính sách đất đai để giải phóng các nguồn lực khác.
Tuy nhiên, khi càng bắt tay vào sửa thì càng thấy khó khăn, vướng mắc và Chính phủ muốn xin lùi thời gian để cho việc sửa đổi thật "chín muồi". Lý do được Chính phủ đưa ra là bởi đây là lĩnh vực quá nhạy cảm và phức tạp, chỉ một chút thiếu thận trọng cũng để lại hậu quả khó lường như về nội dung liên quan đến đất cơ sở tôn giáo; quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, kinh tế đất, tích tụ tập trung đất đai; người nước ngoài mua nhà ở gắn liền với đất ở; căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng, nhà ở khách sạn... Đặc biệt là vấn đề về giá đất vẫn là "bài toán" rất nan giải.
Theo như phân tích của đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Luật Đất đai đã có những quy định tiến bộ, đó là đền bù đất theo giá thị trường, nhưng như thế nào là "giá thị trường" lại chưa được làm rõ, khiến việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn.
Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện các quy định của Luật Đất đai hiện hành và định hướng sửa đổi luật. Trước đó, vào tháng 6/2018, Kết luận số 36 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI đã được Bộ Chính trị ban hành, trong đó cũng chưa đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung ngay Luật Đất đai mà giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo kịp thời việc sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai.
Tính đến nay, Luật Đất đai đã qua 5 lần sửa đổi. Trong đó, luật đầu tiên được ban hành cách đây đã hơn 30 năm, có hiệu lực từ ngày 8/1/1988 với 6 chương, 57 điều. Sau đó Luật này được thay thế bởi Luật Đất đai 1993 ban hành ngày 14/7/1993 với 7 chương, 89 điều và có hiệu lực từ ngày 15/10/1993. Đến năm 2003, Luật lại được sửa đổi, bổ sung với 7 chương, 146 điều. Năm 2013, Luật đất đai tiếp tục được sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/7/2014 và đến nay lại phải sửa đổi tiếp.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet