Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật Đất đai (sửa đối).

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về công chứng, chứng thực các hợp đồng về quyền sử dụng đất. Báo cáo thẩm tra nêu rõ, đất đai là hàng hóa đặc biệt nên việc thực hiện các hợp đồng về quyền sử dụng đất cần phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để quản lý chặt chẽ và bảo đảm người sử dụng đất thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế. Việc công chứng, chứng thực các hợp đồng về quyền sử dụng đất là cần thiết để bảo đảm an toàn pháp lý cho việc thực hiện quyền của người sử dụng đất. Việc thực hiện các hợp đồng về quyền sử dụng đất cần có 2 thủ tục: công chứng, chứng thực hợp đồng và đăng ký biến động đất đai theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 80 của dự án Luật.

Chính phủ sẽ quy định giá đất giáp ranh giữa các địa phương | ảnh 1
Phiên họp thứ 11 của Ủy ban thường vụ Quốc hội sáng 17/9. Ảnh Xuân Hải.

Thực hiện Luật đất đai 2003 và Luật công chứng giai đoạn vừa qua cho thấy, việc công chứng các hợp đồng về quyền sử dụng đất được thực hiện tương đối thuận lợi ở các đô thị lớn vì có nhiều Văn phòng công chứng (do công chứng viên thành lập) nhưng ở vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo thì chỉ có Phòng công chứng thuộc Sở Tư pháp nên việc công chứng hợp đồng về quyền sử dụng đất của người dân rất khó khăn.

Để giải quyết vấn đề này đáp ứng yêu cầu thực hiện các quyền của người sử dụng đất, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị không quy định bắt buộc các hợp đồng về quyền sử dụng đất phải có công chứng, chứng thực. UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm chứng thực hợp đồng về quyền sử dụng đất nếu có yêu cầu của người sử dụng đất.

Quy định về đấu giá quyền sử dụng đất, Thường trực Ủy ban Kinh tế thấy rằng, đất đai là loại tài sản đặc biệt nên việc đấu giá quyền sử dụng đất phải đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với đất đai và phải theo quy định của pháp luật về đất đai. Vì vậy, Luật đất đai (sửa đổi) cần thiết quy định về tổ chức có chức năng đấu giá quyền sử dụng đất, còn trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.

Tại Điều 169 dự thảo Luật quy định về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất là phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trên thực tế, nhiều hộ gia đình, cá nhân hiện có một trong các loại giấy tờ hợp lệ, nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đề nghị dự thảo Luật tiếp tục kế thừa quy định của pháp luật đất đai hiện hành là cho phép người sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất được thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định giải quyết dứt điểm các trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đây nhưng không đúng quy định của pháp luật đất đai nên người sử dụng đất không thực hiện được các quyền về chuyển quyền sử dụng đất.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu ý kiến trên để quy định đảm bảo cho người sử dụng đất được thực hiện các quyền của mình. Trên thực tế, nhiều trường hợp chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà nguyên nhân là do cơ quan quản lý nhà nước về đất đai triển khai chậm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cho rằng, dự án luật đất đai (sửa đổi) rất quan trọng đối với đời sống nhân dân, dự án này sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 tới đây. Hiện nay, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, hiện nay còn 10 vấn đề của dự án luật (sửa đổi) còn có ý kiến khác nhau.

Trả lời thắc mắc của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc về cơ quan nhà nước nào sẽ định giá đất ở vùng giáp ranh giữa các địa phương, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & môi trường Nguyễn Minh Hiển cho rằng, trên cơ sở báo cáo của các địa phương về khung giá đất của các địa phương có vùng đất giáp ranh thì giá đất vùng đất giáp ranh giữa các địa phương sẽ do Chính phủ định giá.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, dự án luật còn “đẩy” trách nhiệm quá nhiều cho Thủ tướng Chính phủ. Đất đai là sở hữu toàn dân và do nhà nước quản lý, quyền định đoạt là do nhà nước nhưng quyền thế chấp thuộc về ai, dân?

Quy định tại khoản 3, điều 51 về thu hồi đất còn chung chung hầu hết lại giao cho Chính phủ, cụ thể dự án luật có 190 điều thì đến 140 điều giao cho Chính phủ để quy định chi tiết.

Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển, thắc mắc tại sao không có quy hoạch cấp xã mà chỉ có cấp huyện, tỉnh, Trung ương. Nếu chỉ có quy hoạch cấp huyện mà không có cấp xã sẽ rất đến quy hoạch treo, sử dụng đất đai không hợp lý. Ông Hiển phân tích, điểm nút của luật đất đai cần phải tháo gỡ là giá đất, nhất là phải sát với thị trường. Tuy nhiên tại dự án luật lần này chúng ta lại đưa ra vấn đề giá đất phải hợp lý, phù hợp vấn đề ở đây là bao nhiêu cho phù hợp, bao nhiêu cho hợp lý. Vấn đề tiếp theo, đối với những đối tượng nộp tiền sử dụng đất, thuê đất 50 năm sẽ có quyền khác hẳn với những đối tượng nộp tiền thuê đất từng năm một.

(Theo infonet)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME