"Chỉ được hành nghề khi có giấy phép môi giới bất động sản"
Đó là thông tin mà ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS – Bộ Xây dựng tiết lộ tại hội thảo Lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở do Bộ Xây dựng phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức.
Cấp giấy phép hành nghề thay vì cấp chứng chỉ
Theo nội dung của dự thảo Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi, để được hành nghề môi giới BĐS, cá nhân phải có thẻ hành nghề môi giới BĐS. Nhưng để được cấp thẻ này cá nhân phải có trình độ từ đại học trở lên. Sau khi có thông tin này, đã có nhiều luồng dư luận. Có vài cá nhân tỏ ra đồng tình với quan điểm của Bộ Xây dựng, tuy vậy, đa phần không đồng ý với quan điểm trên.
Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, trước phản ứng của dư luận trong thời gian qua về việc hành nghề môi giới BĐS phải có bằng đại học. Bộ Xây dựng đã có họp bàn về vấn đề này. Theo đó, có thể Bộ Xây dựng vẫn giữ nguyên quan điểm không cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, thay vào đó, Bộ chấp thuận phương án cấp giấy phép môi giới BĐS. Tuy nhiên, Bộ sẽ tổ chức sát hạch định kỳ giấy phép này cho dù người môi giới có học ở đâu đi chăng nữa.
Luật sư Nguyễn Thị Cam – Công ty Luật TNHH Đất Luật nhận định, đây là đòi hỏi chưa thực tế, bởi những người có bằng đại học chưa hẳn là người môi giới giỏi. Trong khi đó, thực tế cho thấy có rất nhiều người môi giới giỏi chỉ có trình độ cấp 2, cấp 3. Do đó, với việc cấp chứng chỉ môi giới chỉ cần trình độ từ TPHT trở lên là đủ.
Trước đó, tại hội thảo “Pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh BĐS”, ông Nguyễn Tiến Mạnh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP tư vấn BĐS An Cư cho rằng: “Chỉ cần môi giới tốt nghiệp THPT và có đào tạo chuyên ngành BĐS bài bản. Trong đó, nội dung đào tạo trọng tâm phải là hoạt động môi giới chứ không ôm đồm quá nhiều chương trình nặng nề như hiện nay”.
Bảo lãnh giao dịch nhà ở có khả thi?
Một trong những vấn đề được Bộ Xây Dựng quan tâm đó là bảo lãnh giao dịch nhà ở. Cụ thể, điều 31 của Dự thảo đã nêu rõ chủ đầu tư đã đóng phí bảo lãnh nhà ở cho đơn vị được giao thực hiện bảo lãnh theo quy định của Chính phủ thì mới được phép ký hợp đồng mua bán nhà ở. Như vậy, cũng có nghĩa là chủ đầu tư vẫn có thể huy động từ những người mua nhà hình thành trong tương lai nhưng phải đóng một khoản phí cho một tổ chức tài chính đứng ra chịu trách nhiệm về bảo lãnh giao dịch này gọi là phí bảo lãnh.
Việc bảo lãnh trong giao dịch với những nhà ở hình thành trong tương lai khó khả thi.
Lý giải cho đề xuất này, đại diện của Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường BĐS có nhiều chủ đầu tư tham gia huy động vốn của người dân, sau đó không chịu trách nhiệm về việc hoàn thành dự án hoặc không có năng lực tài chính để thanh toán lại và đền bù cho người mua.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết: “Bộ đang nghiên cứu mô hình của Hàn Quốc là những giao dịch bán nhà hình thành trong tương lai thì bắt buộc phải có bảo lãnh, không có bảo lãnh thì không được bán. Tuy nhiên, khi xem xét đến vấn đề này, Bộ cũng sẽ cân nhắc đến năng lực tài chính của chủ đầu tư để xác định mức độ rủi ro”.
Theo nhiều chuyên gia, đây là đề xuất hay của Bộ Xây dựng bởi việc bảo lãnh khi giao dịch có thể bảo vệ quyền lợi của người mua nhà, đặc biệt những người mua nhà ở hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, với tình hình thực tế của thị trường BĐS Việt Nam, mà áp dụng luật này e rằng vẫn chưa hiệu quả.
Dẫn chứng cho nhận định trên, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho rằng: “Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn nhưng phải huy động thêm vốn cho việc bảo lãnh quả thực không dễ. Hơn nữa, nếu có huy động vốn thì người dân sẽ gián tiếp bị thu phí, bởi phí sẽ tăng lên. Chưa kể, liệu có doanh nghiệp bảo hiểm hay hệ thống ngân hàng nào dám đứng ra bảo lãnh trong khi thị trường BĐS vẫn đang trong thời kỳ đen tối?”.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet