Cấp sổ hồng không đúng vị trí phải làm thế nào?
Hỏi: Tôi làm hồ sơ xin cấp sổ hồng nhưng hồ sơ bị trả về với lý do: nhà tôi có phần đất lấn ranh. Thực tế nhà tôi và nhà bên cạnh không hề lấn ranh nhau, mỗi bên một nửa, cả hai căn được xây dựng cùng năm 2003 trên một thửa đất chung đã được cấp sổ đỏ làm nhà ở.
Năm 2007, nhà bên cạnh làm sổ hồng, nhưng không hiểu vì sao sổ đỏ lại trả về cho tôi và căn nhà được cấp sổ lại vẽ ngay giữa lô đất chung làm cho hồ sơ tôi không tiến hành được. Tuy nhiên trên sổ hồng của nhà bên cạnh tôi thấy căn nhà vẫn được vẽ đúng, tức nằm một bên như thực tế.
Theo hướng dẫn của UBND huyện Hóc Môn, tôi đã làm đơn khiếu nại gửi UBND huyện về việc UBND huyện cấp sổ hồng không đúng vị trí, sau đó mấy ngày tôi nhận được thư thông báo từ UBND huyện hồ sơ khiếu nại của tôi đã được chuyển cho phòng công thương UBND huyện, nơi đây gửi thư mời tôi đến và hẹn bằng miệng sẽ giải quyết trong vòng một tháng sau (tức tháng 11 vừa qua).
Nhưng đến nay họ vẫn không trả lời gì cho tôi. Tôi đã đến gặp phó chủ tịch nhưng họ lại hẹn. Xin cho tôi biết theo quy định thì mấy ngày đơn khiếu nại như tôi mới được giải quyết? Trường hợp cứ im lặng như vậy thì tôi phải làm gì tiếp theo? Tôi gửi đơn khiếu nại lần 2 đến chủ tịch UBND huyện hay đến cơ quan thẩm quyền nào khác? Làm như thế nào mới là đúng để được giải quyết? Xin giúp tôi. (Hạnh Đoan)
- Trả lời:
1/ Về thời hạn giải quyết khiếu nại
Căn cứ điều 63 Nghị định 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý đất đai tại điều 162 Nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ, theo đó, đối với các quyết định hành chính hay hành vi hành chính liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận, thì thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo.
Căn cứ khoản 1 điều 36 Luật khiếu nại, tố cáo thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thời hạn giải quyết không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết.
2/ Về cách giải quyết khi quá thời hạn giải quyết khiếu nại
Căn cứ khoản 2 điều 36 Luật khiếu nại, tố cáo, trong trường hợp quá thời hạn giải quyết khiếu nại nêu trên mà người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại không giải quyết thì phải bị xem xét xử lý kỷ luật. Người khiếu nại có quyền kiến nghị với cấp trên trực tiếp của người không giải quyết khiếu nại để xem xét xử lý kỷ luật người đó.
Do đó, trong trường hợp chủ tịch UBND cấp huyện không giải quyết khiếu nại đúng thời hạn được quy định nêu trên, thì ông/bà có thể làm đơn kiến nghị đến chủ tịch UBND thành phố là cấp trên trực tiếp của chủ tịch UBND cấp huyện để xem xét theo nội dung tại khoản 2 điều 36 Luật khiếu nại, tố cáo.
3/ Về câu hỏi “làm thế nào mới là đúng để được giải quyết?”
Theo thư trình bày thì trường hợp khiếu nại của ông/bà đã được thụ lý giải quyết rồi. Trước khi thụ lý, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã xem xét các điều kiện theo quy định tại điều 2 Nghị định 136/2006/NĐ-CP ngày 14-11-2006 của Chính phủ, chỉ có những trường hợp khiếu nại hội đủ các điều kiện quy định tại điều này mới được thụ lý giải quyết. Do đó, hiện nay người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, nếu giải quyết không đúng thời hạn quy định sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật.
Vì thế, không còn phải đặt lại vấn đề ông/bà cần phải làm gì để được giải quyết nữa, mà việc giải quyết khiếu nại thuộc trách nhiệm của người có thẩm quyền.
Theo Tuổi Trẻ
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet