Cao ốc chọc trời vẫn được nhồi nhét vào nội đô
Mặc dù, từ lâu đã có chủ trương hạn chế xây cao ốc tại khu vực trung tâm Hà Nội, song thực tế hàng loạt dự án cao ốc chọc trời vẫn đua nhau điều chỉnh quy hoạch tăng mật độ, tăng chiều cao. Tình trạng tiếp tục nhồi nhét quá nhiều cao ốc vào khu trung tâm khiến hạ tầng thêm ngột ngạt, quá tải.
Quá tải cao ốc
Đống Đa là một trong bốn quận nội thành cũ thuộc khu vực kiểm soát về nhà cao tầng, tuy nhiên hàng loạt dự án cao ốc vẫn đua nhau mọc lên. Lâu nay, trục đường Phạm Ngọc Thạch- Thái Hà- Chùa Bộc vốn luôn trong tình cảnh ùn tắc giao thông bởi người và phương tiện quá đông đúc thì nay lại ngột ngạt và quá tải bởi các cao ốc.
Trong khi đó, tại tuyến đường Trường Chinh dài hơn 2km, với dự án mở rộng đường có chi phí hơn 2.560 tỷ đồng ì ạch vẫn mãi chưa xong thì dọc hai bên tuyến này những cao ốc chọc trời đã và đang đua nhau mọc lên. Tại ngõ 102 Trường Chinh hiện đã mọc lên 2 dự án chung cư cao chót vót với hàng trăm căn hộ. Ngoài ra, hàng loạt dự án cao tầng khác như số 68 Trường Chinh; dự án khu chung cư 317 Trường Chinh, tổ hợp khu chung cư và văn phòng cho thuê một mặt đường Trường Chinh, còn một mặt ở số 3 Lê Trọng Tấn... đã xuất hiện đẩy tuyến đường này vào tình trạng càng mở rộng càng tắc đường.
Ai tiếp tay nhồi nhét cao ốc nội đô?
Được biết, năm 2010 sau khi có lệnh dừng các dự án cao tầng tại 4 quận nội thành gồm Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm của Thủ tướng Chính phủ, TP. Hà Nội đã rà soát và tiến hành lập quy hoạch phân vùng để kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà cao tầng. Sau đợt rà soát 233 dự án, đồ án xây cao ốc trong trung tâm, TP. Hà Nội đã đưa ra các biện pháp nhằm siết chặt quản lý nhà cao tầng (nhà từ 10 tầng trở lên).
Thế nhưng, thực tế không như vậy khi mà hàng loạt dự án cao ốc chọc trời vẫn đua nhau mọc lên, cá biệt, không ít dự án đã điều chỉnh theo hướng tăng mật độ, tăng chiều cao gây áp lực lớn cho hạ tầng khu vực nội đô.
Tình trạng tiếp tục nhồi nhét quá nhiều cao ốc vào khu trung tâm khiến hạ tầng thêm ngột ngạt, quá tải |
Trong danh mục 91 dự án cao tầng của quận Đống Đa thì có dự án thi công 5 năm trời vẫn không chịu đưa vào sử dụng, đơn cử như dự án chung cư số 131 Thái Hà do Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Huy Hùng làm chủ đầu tư với lý do đang hoàn thiện thủ tục pháp lý để nâng thêm tầng. Dự án khu dịch vụ, văn phòng và nhà ở kinh doanh này tọa lạc ở vị trí đắc địa, nằm ngay mặt đường số 131 Thái Hà, đã được khởi công từ năm 2008. Căn cứ theo giấy phép xây dựng số 45 được Sở Xây dựng Hà Nội cấp ngày 3/2/2005 thì dự án có quy mô 11 tầng nổi, 1 tầng hầm, 1 tum thang máy và phòng kỹ thuật tòa nhà.
Đến cuối năm 2010, sau khi thi công tầng hầm và 11 tầng nổi thì chủ đầu tư tạm dừng thi công. Tuy nhiên, ngày 27/5/2015, chủ đầu tư đã được Sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội cấp giấy phép quy hoạch số 2068 với nội dung chính là điều chỉnh nâng tầng thay vì xử lý dự án chậm tiến độ. Theo đó, dự án được điều chỉnh có quy mô 16 tầng sử dụng chính gồm 8 tầng dịch vụ, văn phòng và 8 tầng dành cho chức năng căn hộ ở. Thêm 2 tầng hầm, 1 tầng kỹ thuật và 1 tầng mái, kỹ thuật.
Một cán bộ quận Đống Đa cho biết, trong 4 quận nội thành cũ thì Đống Đa vẫn là nơi phát triển hạ tầng kỹ thuật yếu nhất với tình trạng ùn tắc giao thông và úng ngập diễn ra nhiều nơi. Song, hiện quận này lại có nhiều dự án cao ốc “khủng” nhất.
Theo vị cán bộ này, trên địa bàn hiện có nhiều dự án cao tầng đang và sẽ triển khai. Các dự án này trên 10 tầng trở lên đều do UBND TP phê duyệt và được các sở cấp phép quy hoạch, xây dựng. Sắp tới, nếu những dự án cải tạo chung cư cũ theo Nghị định vừa ban hành không hạn chế chiều cao thì sẽ gây áp lực rất lớn cho hạ tầng giao thông ở nhiều khu vực, đồng thời gây khó khăn hơn trong việc quản lý của địa phương.
Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm nhìn nhận, thực tế việc hạn chế, kiểm soát nhà cao tầng khu vực nội đô trong mấy năm qua của Hà Nội chưa được thực hiện nghiêm. Luật Thủ đô, Quy hoạch chung hay chủ trương hạn chế nhà cao tầng để giảm tải cho khu vực nội đô đã có thì những người lãnh đạo TP cần được thực hiện nghiêm.
Ông Liêm cho rằng, nếu cứ để tình trạng nhiều công trình nhà mặt phố điều chỉnh nâng tầng hoặc xây vượt chiều cao ở khu vực bị hạn chế thuộc 4 quận nội thành là đi ngược với kế hoạch kiểm soát nhà cao tầng để giảm tải cho nội đô.
Chính điều này sẽ làm mất cân bằng về hệ thống hạ tầng cơ sở cùng môi trường, đồng thời gia tăng ùn tắc giao thông. Không gian quy hoạch chung đã bị phá vỡ vì mật độ dân cư quá lớn so với thiết kế ban đầu. Nhất là các biện pháp hạn chế tăng dân số vào khu vực trung tâm và khu phố cổ Hà Nội theo yêu cầu của Quy hoạch chung năm 1998 đã không thành hiện thực.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet