Điều đáng nói, khu đô thị này lại triển khai trên nền một CCN có trước.

Cần Thơ: Khu đô thị "đè" cụm công nghiệp? | ảnh 1
Đại diện các DN trong cụm CN Cái Sơn - Hàng Bàng trình bày “nỗi khổ” với đại diện Hiệp hội DN thành phố Cần Thơ

Quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị đường Nguyễn Văn Cừ (quốc lộ 91B - đường Cái Sơn-Hàng Bàng) rộng 20,97      ha, được UBND TP Cần Thơ phê duyệt giữa tháng 12/2010, giao cho Tập đoàn đầu tư phát triển nhà & đô thị (HUD), Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư, đang gây bức xúc cho hàng chục DN.

Nên duy trì CCN

Từ tháng 1/2011 đến nay, 30 DN hiện sản xuất kinh doanh ổn định tại CCN Cái Sơn - Hàng Bàng (CS-HB) của TP Cần Thơ (từ năm 2004 trở về trước), nay thuộc quận Ninh Kiều “phập phồng không yên” vì việc triển khai dự án khu đô thị 20,97 ha tại khu vực CCN này theo Quyết định 3491/QĐ-UBND của UBND TP Cần Thơ.

Không chỉ vậy, CCN CS-HB còn có 30 - 40 DN khác (mỗi DN từ 2.000-3.000 m2 đến 5.000-7.000 m2 mặt bằng, sản xuất ổn định hàng chục năm) đặt cơ sở sản xuất rải dọc theo mặt tiền đoạn từ giao lộ Nguyễn Văn Cừ - Cái Sơn-Hàng Bàng tới cầu Bà Từ, kề khu dân cư hông 2,7 ha (giáp cầu Bà Bộ trên QL 91B) được coi là “tạm thời tồn tại” và khu thương mại 29.736 m2 còn ngổn ngang...

Các DN cho biết, 12 năm trước, lãnh đạo thành phố Cần Thơ cũ được sự ủng hộ của tỉnh Cần Thơ đã triển khai CCN mang tên CS-HB rộng hơn 310.087 m2 để di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi phố xá nội ô chất hẹp, chen chúc với dân cư. Hưởng ứng chủ trương của chính quyền, các DN vừa và nhỏ đã “gồng mình” theo hướng dẫn bản quy hoạch chi tiết 1/500 do thành phố Cần Thơ cũ đưa ra. Họ phải tự thương lượng với các chủ vườn, chủ ruộng thuộc khu vực được quy hoạch làm CCN; mỗi DN mua vài công vườn, hoặc dăm-bảy công ruộng và đổ công, đổ của vào xây dựng mặt bằng nhà xưởng để phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Hơn 30 DN hiện đang sở hữu tổng diện tích khoảng 10 ha, nếu cứ “chụp” dự án mới vào đây thì có đến 4-5 ha sẽ bị “chồng lấn” oan uổng. Nếu xảy ra trường hợp đó thì hệ lụy nhiều mặt sẽ đến với các phía, kể cả chính quyền thành phố.

Nhiều chủ nhân trong số 30 DN này, cho biết: “Chúng tôi chỉ có một nguyện vọng duy nhất là giữ ổn định hiện trạng nhà xưởng, cơ sở để hoạt động sản xuất kinh doanh không bị xáo trộn”. Cái lý của DN cho rằng: “Chính quyền đã quan tâm cụ thể đến hoàn cảnh và thực lực của DN vừa và nhỏ, thì nay cũng nên có quan điểm rõ ràng và trách nhiệm đầy đủ với chủ trương ban đầu về CCN CS-HB và bảo lưu quy hoạch cũ phù hợp với sự phát triển hiện tại. Không thể lấy quy hoạch mới “đè” quy hoạch cũ một cách... lạnh lùng, vô cảm”.

Sản xuất thiếu mặt bằng, khu đô thị... ế !

Nghịch lý khu dân cư - khu đô thị “bỏ hoang”, thiếu đất sạch để thu hút đầu tư và lúng túng việc tái định cư cho số dân bị ảnh hưởng từ các dự án hiện đang là mối lo thường trực của không chỉ riêng thành phố Cần Thơ.

Trở lại dự án khu đô thị của HUD, hiện nhân viên của họ đang mò mẫm trong vùng đất được Cần Thơ giao quy hoạch để trắc đạc, đo vẽ thực trạng mặt bằng. Theo nhiều DN, HUD đang “đụng” phải khó khăn không nhỏ là dọc theo gần 1.000 m mặt tiền đường Nguyễn Văn Cừ (nối dài) trong diện tích đất được quy hoạch, hiện cũng đã “kín đặc” nhà dân, kho xưởng và các cơ sở sản xuất với đầy đủ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy đỏ) hợp pháp. Trở lực này ảnh hưởng đến cả hai phía (60-70 DN tại CCN và HUD), rất cần có một quyết định “vẹn toàn”.

Mới đây, Quận ủy, UBND quận Ninh Kiều cũng mở cuộc trưng cầu ý kiến rộng rãi của các giới, các ngành góp ý cho việc quy hoạch, sắp xếp, chỉnh trang bộ mặt đô thị quận trung tâm thành phố. Việc làm này không chỉ vì mục tiêu phấn đấu của quận trong “Năm trật tự kỷ cương, văn minh đô thị” do thành phố khởi xướng, mà còn vì diện mạo quận trung tâm hiện đại văn minh hơn... Như vậy, “số phận” của CCN CS-HB cũng cần được xem xét hợp lý, thỏa đáng để có quyết định rõ ràng vào lúc này... Đạt được điều đó sẽ “bền rễ, sâu gốc” cho sự phát triển kinh tế-xã hội  của quận và thành phố trong tương lai lâu dài.

Tại cuộc đối thoại DN mới đây của UBND TP do Phó chủ tịch Võ Thành Thống chủ trì; ngoài đề xuất của Hiệp hội DN thành phố, Trưởng ban quản lý các khu CX-CN Võ Thanh Hùng và Giám đốc Sở Công Thương Phạm Việt Trung đều quan tâm đến mặt bằng sản xuất của DNVVN... Và cơ bản “mỗi quận, huyện cần có một CCN-TTCN là nhu cầu cần được quan tâm cụ thể, thích đáng” được nhiều ý kiến cho là cần thiết.

“Sẽ điều chỉnh hợp lý, đảm bảo sự ổn định của DN”

Đó là trả lời của ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ tại cuộc họp báo định kỳ quý II/2011 tổ chức ngày 7/7/2011, khi PV Báo DĐDN yêu cầu cho biết quan điểm của lãnh đạo thành phố về việc triển khai dự án khu đô thị (HUD) và mặt bằng sản xuất kinh doanh cho DN ở cụm CN Cái Sơn - Hàng Bàng.

Ông Sơn khẳng định: Cần Thơ đang xây dựng, chỉnh trang và phát triển sao cho tương xứng với đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Cụm CN này có từ khi còn là thành phố cũ; do vậy, thành phố sẽ từng bước sắp xếp, chuyển một số DN ra khỏi khu đô thị. Trong việc triển khai dự án của HUD, phần nào chồng lấn nhau sẽ điều chỉnh hợp lý và hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng về mặt bằng đối với sản xuất kinh doanh. Quan điểm của UBND thành phố là hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ ổn định, phát triển được.

(Theo DĐDN)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME