Cần hạn chế cho vay đầu tư bất động sản
Nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra khuyến nghị trên khi phát biểu thảo luận tại Hội thảo "Mô hình tăng trưởng kinh tế: phân bổ nguồn lực tài chính và vai trò kinh tế tư nhân" do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì tổ chức sáng nay, 31.8, tại Hà Nội.
Tại hội thảo, Giáo sư (GS) Hansioerg Herr (trường ĐH Kinh tế và Luật Berlin, Đức) dẫn ví dụ về cơ chế mở rộng tín dụng cho sản xuất tại các nước, vùng lãnh thổ ở Đông Á vốn đạt được kỳ tích kinh tế trong thời gian dài trong những năm 50, 60 của thế kỷ trước như Nhật Bản, sau đó là Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia… cho thấy, những nơi này đã lái việc mở rộng tín dụng hướng vào khu vực công nghiệp, có sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp (DN) lớn, các ngân hàng và nhà nước.
Và với định hướng tín dụng này, "các cá nhân hầu như không thể vay được tiêu dùng và việc mở rộng tín dụng cho khu vực bất động sản (BĐS) cũng được hạn chế chặt chẽ”, GS Hansioerg Herr nói.
Cũng theo GS Hansioerg Herr, nếu mở rộng tín dụng đầu tư vào khu vực công nghiệp thì sẽ có tác dụng hỗ trợ phát triển, trong khi nếu cấp vốn cho một hoạt động đầu cơ BĐS thì trong thời gian trung hạn, tỷ lệ nợ cũng gia tăng mà không đạt được sự phát triển bền vững. Cho vay tiêu dùng hộ gia đình cũng mang lại rủi ro tương tự mà cuộc khủng hoảng cho vay cầm cố ở Mỹ trong những năm 2000, theo GS Hansioerg Herr, là một dẫn chứng đầy ấn tượng.
"Một sự gia tăng cho vay tín dụng vào những lĩnh vực phi sản xuất sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng và chặn đứng việc cấp tín dụng. Vì vậy, khoản cho vay tín dụng phải được sử dụng để phát triển khu vực công nghiệp và không được phục vụ cho việc mở rộng các khoản cho vay tiêu dùng cũng như cấp vốn cho một bong bóng BĐS", GS Hansioerg Herr khuyến nghị.
Cùng nhận định, TS Phạm Hồng Chương - ĐH Kinh tế Hà Nội, cho rằng, VN đang tồn tại vấn đề mà chúng ta vẫn chưa giải quyết được, đó là cho vay quá nhiều vào các khu vực không tạo ra được của cải xã hội, ví dụ như BĐS.
Chính những biến động của thị trường BĐS đã tạo nên hai thái độ tiêu cực đối với phát triển, một là làm tăng tất cả chi phí sản xuất kinh doanh vì một khi BĐS tăng giá thì tất cả các ngành khác cũng tăng theo, hai là nó sẽ làm triệt tiêu các động lực sản xuất kinh doanh, vì đối với các ngành sản xuất, để làm ra được sản phẩm, thu được lợi nhuận khoảng vài triệu USD đến hàng chục triệu USD rất khó khăn, trong khi đầu tư, đầu cơ vào BĐS ở VN để thu lợi hàng triệu, thậm chí chục triệu USD không phải khó.
"Chính vì vậy mà toàn bộ tinh túy của VN thay vì đầu tư sản xuất kinh doanh, chúng ta lại quay lại đầu tư vào BĐS. Điều này đã làm triệt tiêu động lực sản xuất kinh doanh, tăng chi phí kinh doanh lên. Nhưng trước thực trạng hệ thống ngân hàng cho vay BĐS nhiều như thời gian qua, nếu chúng ta làm tê liệt thị trường BĐS, giải quyết vấn đề trên thì nó sẽ phá vỡ toàn bộ hệ thống tài chính ngân hàng", ông Chương nhận định.
Theo ông Chương, hiện tại chúng ta chưa tìm ra được phương thuốc nào giải căn bệnh này nhưng buộc phải tìm ra trong thời gian tới và trách nhiệm trước hết thực hiện nhiệm vụ này là của Chính phủ.
(Theo Thanh niên)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet