Xoay quanh những vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu những ý kiến của TS Phạm Gia Yên - Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng.

Về đối tượng phải xin cấp phép xây dựng

Quy định công trình xây dựng thuộc dự án KĐTM, dự án nhà ở; KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt thì không phải xin giấy phép xây dựng là nội dung không được quy định trong Luật Xây dựng, nhưng được quy định tại Nghị định 16/2005/NĐ-CP và Nghị định 12/2009/NĐ-CP.

Tuy nhiên, kể từ khi Luật số 38/2009/QH12 có hiệu lực thì các công trình thuộc các loại dự án này không bắt buộc phải lấy ý kiến về thiết kế cơ sở của cơ quan quản lý nhà nước, cho nên trong quá trình triển khai thực hiện dự án, chủ đầu tư đã thay đổi các chỉ tiêu về quy hoạch, như mật độ xây dựng, chiều cao công trình, mục tiêu đầu tư mà cơ quan quản lý nhà nước không quản lý được.

Do vậy, việc miễn giấy phép xây dựng cho các công trình thuộc dự án KĐTM, dự án nhà ở... các cơ quan quản lý sẽ không có căn cứ để quản lý việc xây dựng tuân thủ theo quy hoạch, kiến trúc và các quy định khác của pháp luật.

Về loại và nội dung giấy phép xây dựng:

Các quy định hiện nay chưa phân định rõ loại giấy phép xây dựng theo loại và tính chất của công trình; nhà ở đô thị, nông thôn; giấy phép xây dựng tạm. Mẫu giấy phép và đơn xin cấp phép xây dựng chỉ có một mẫu chung cho công trình và nhà ở riêng lẻ, các thông tin trong nội dung giấy phép chưa đủ để quản lý, ví dụ chưa có quy định về mật độ, hệ số sử dụng đất, màu sắc công trình, những nội dung đặc thù của công trình ngầm, như: Công trình giao thông, đường dây và trạm biến áp, công trình bưu chính viễn thông...

Về hồ sơ xin cấp phép xây dựng

Theo quy định tại Điều 65, Luật Xây dựng, tuỳ theo tính chất, địa điểm xây dựng, công trình xây dựng phải đáp ứng các điều kiện về an toàn công trình, an toàn cho các công trình lân cận; đảm bảo yêu cầu về phòng chống cháy nổ, môi trường; đảm bảo các khoảng cách về an toàn lưới điện, giao thông, đê điều; đảm bảo độ tĩnh không; các tài liệu chứng minh điều kiện năng lực của tổ chức tư vấn thiết kế, chứng chỉ hành nghề xây dựng của cá nhân tham gia thiết kế công trình...

Trong khi đó, hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng được quy định tại Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình chỉ bao gồm một số tài liệu nên chưa đủ thông tin và căn cứ để xem xét việc đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật Xây dựng, đã gây khó khăn cho cơ quan cấp phép trong quá trình thực thi công vụ, dẫn đến kéo dài thời gian cấp phép.

Đối với trách nhiệm của các cơ quan liên quan: Mặc dù đã có quy định cơ quan cấp phép là đầu mối lấy ý kiến của các cơ quan liên quan và cơ quan liên quan phải có trách nhiệm trả lời đúng hạn về lĩnh vực quản lý của mình theo cơ chế "một cửa liên thông". Nhưng vẫn còn tình trạng cơ quan cấp phép yêu cầu chủ đầu tư phải lấy ý kiến thỏa thuận của các cơ quan về kiến trúc - quy hoạch, về chiều cao công trình, thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy... hoặc khi cơ quan cấp phép đề nghị các cơ quan liên quan có ý kiến về lĩnh vực quản lý của mình thì các cơ quan này có ý kiến chậm hoặc nội dung tham gia rất sơ sài, nên thời gian để có được giấy phép bị kéo dài.

Trách nhiệm, chế tài đối với các cơ quan, cá nhân liên quan không cụ thể chưa đủ sức răn đe dẫn đến tình trạng nhũng nhiễu trong công tác cấp phép còn diễn ra gây bức xúc trong nhân dân.

Về điều chỉnh giấy phép:

Quy định hiện hành còn nêu chung chung, chưa nêu cụ thể trường hợp khi điều chỉnh thiết kế đến mức độ nào thì phải xin cấp giấy phép điều chỉnh, dẫn đến thực hiện không thống nhất; việc điều chỉnh giấy phép tuỳ tiện, đặc biệt là việc điều chỉnh chiều cao, mật độ xây dựng; cho nên cơ quan thanh tra không có đủ căn cứ để xử lý vi phạm.

Về phân cấp cấp phép

Hiện nay, việc phân cấp cấp phép xây dựng được quy định trong Nghị định 83/CP, theo hướng thực hiện cải cách thủ tục hành chính phân cấp mạnh cho cơ sở (cấp huyện, xã). Việc phân cấp này phù hợp với các tỉnh, thành phố lớn, vì bộ máy và năng lực quản lý của cấp huyện, xã ở các địa phương này đáp ứng được nhiệm vụ theo phân cấp.

Tuy nhiên, chưa phù hợp với các địa phương, nơi mà bộ máy và năng lực quản lý của cấp huyện, xã còn yếu, dẫn đến việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, trong đó có công tác cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép xây dựng trên địa bàn chưa đạt được hiệu quả.

Về quản lý xây dựng theo giấy phép

Việc quản lý xây dựng sau khi cấp giấy phép còn gặp khó khăn; chưa thường xuyên do chưa có tổ chức lực lượng thanh tra ở cấp huyện; trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc xây dựng trên địa bàn xã, phường chưa phân định rõ, trong khi lực lượng thanh tra của Sở Xây dựng quá mỏng không đủ điều kiện để kiểm tra việc xây dựng trên toàn địa bàn, đặc biệt là ở các đô thị lớn.

Việc phân cấp và quy định trách nhiệm quản lý xây dựng trên địa bàn chưa cụ thể. Xử lý vi phạm sai giấy phép được cấp chưa triệt để; sự phối hợp giữa Thanh tra xây dựng, cơ quan cấp giấy phép xây dựng và chính quyền địa phương chưa hiệu quả.

Về tổ chức thực hiện

Đến nay mới chỉ có một số địa phương có quy định, hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng tạm và cấp phép xây dựng nhà ở nông thôn; còn hầu hết các địa phương chưa có quy định, hướng dẫn về vấn đề này; do còn lúng túng về quy định thời gian tồn tại của công trình, trường hợp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì xử lý thế nào? quy mô xây dựng công trình tạm nên ở mức độ nào...

Vì vậy, nhiều dự án đã có quy hoạch được duyệt thời gian dài nhưng chưa thực hiện, song dân cư trong khu vực không được cấp giấy phép xây dựng tạm dẫn đến điều kiện sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương chưa tổ chức cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ khu vực thị trấn, vì vậy tình trạng xây dựng không phép ở những khu vực quy hoạch chưa thực hiện diễn ra phổ biến.

(Theo xaydung)


- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME