Cách nào tránh rủi ro khi mua đất đang thế chấp ngân hàng?
Vì chỗ thân tình lâu năm, bạn bán mảnh đất 100m2 đang thế chấp ngân hàng cho tôi chỉ bằng một nửa giá thị trường. (Mạnh Chung)
Tuy nhiên sổ đỏ của mảnh đất này đang bị thế chấp ở ngân hàng để vay một số tiền lớn. Vậy xin hỏi, thủ tục để mua bán đất đang thế chấp tại ngân hàng như thế nào? Làm thế nào để bên mua không chịu rủi ro?
Luật sư trả lời:
Theo khoản 5 điều 321 Bộ luật Dân sự 2015, bên thế chấp có quyền: Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.
Như vậy, với mảnh đất bạn định nhận chuyển nhượng đang được thế chấp tại ngân hàng, nếu được sự đồng ý của ngân hàng, hai bên sẽ được thực hiện việc chuyển nhượng này. Việc này do thỏa thuận giữa các bên, không trái pháp luật.
Bên chuyển nhượng cùng với bên nhận chuyển nhượng và ngân hàng nhận thế chấp tài sản có thể lập thỏa thuận ba bên liên quan việc thanh toán tiền chuyển nhượng giữa bên bán và bên mua cũng như việc thanh toán tiền nợ vay của bên chuyển nhượng đối với ngân hàng. Thỏa thuận này phải được lập thành văn bản và được công chứng theo quy định của pháp luật.
Bạn sẽ nộp cho ngân hàng một khoản tiền bằng với số tiền (gốc và lãi) để thanh toán khoản nợ của bên bán. Ngân hàng sẽ thực hiện thủ tục xóa thế chấp và trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên bán. Hai bên sẽ thỏa thuận việc thanh toán khoản tiền chuyển nhượng còn lại, sau khi đã trừ đi số tiền đã trả nợ cho ngân hàng.
Sau khi nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bên chuyển nhượng cùng với bên nhận chuyển nhượng phải ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Phòng công chứng và làm thủ tục sang tên tại Phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc Văn phòng đăng ký đất đai - thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; nộp thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ nhà đất tại Chi cục thuế cấp huyện nơi có bất động sản.
Nếu hồ sơ hoàn thiện, đúng và đầy đủ, bạn sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới mang tên bạn (hoặc ghi tên bạn vào trang 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mục thay đổi người sử dụng đất).
Để phòng ngừa rủi ro khi nhận chuyển nhượng đất đang thế chấp tại ngân hàng thì người bán cần phải tìm hiểu kỹ về miếng đất mình mua, lập thỏa thuận ba bên, chỉ nhận chuyển nhượng khi được sự đồng ý của Ngân hàng (nơi đang nhận thế chấp) và khoản tiền nhận chuyển nhượng phải lớn hơn hoặc bằng với khoản tiền (cả gốc và lãi) bên chuyển nhượng đang nợ Ngân hàng; thực hiện việc chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng tại Phòng công chứng; khi thực hiện các giao dịch nộp tiền cần lưu giữ các giấy tờ giao dịch.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội
(Theo Vnexpress)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet