Biến đổi khí hậu tác động không nhỏ đến nền nhiệt ở các quốc gia. Ở nước ta, mùa hè nền nhiệt tăng cao đột biến, có thể lên tới trên 40 độ C, vô cùng nắng nóng, oi bức, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm trạng của con người. Vậy làm thế nào để bạn và gia đình đối mặt với tình hình thời tiết khắc nghiệt như hiện nay? Sử dụng điều hòa nhiệt độ là một giải pháp được nhiều người lựa chọn nhưng lại khiến hóa đơn tiền điện tăng nhanh hơn cả nhiệt độ ngoài trời. Áp dụng một số cách làm mát nhà ngày nóng dưới đây sẽ giúp bạn giảm bớt phần nào sự khó chịu của cái nóng ngày hè mà không nhất thiết phải bật điều hòa 24/24.

Bố trí công năng hợp lý

Chúng ta đều biết, hướng Tây là hướng thường xuyên tiếp xúc với nắng nóng và bức xạ mặt trời. Vì thế, ngay từ khâu thiết kế, xây dựng, hãy bố trí những khoảng không gian phụ trợ như cầu thang, hành lang, nhà vệ sinh, nhà kho… ở phía Tây; các không gian sống và sinh hoạt còn lại được bố trí ở phía Đông để tránh ánh nắng và nhiệt lượng từ mặt trời.

Chống nóng cho tường và mái nhà

Tường và mái là những bề mặt che chở cho ngôi nhà, thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với nắng mưa. Nếu không tính toán kỹ, ngôi nhà dễ bị nóng vào mùa hè, lạnh vào mùa đông. Hiện nay, có khá nhiều vật liệu chống nóng, giảm nhiệt cho trần nhà mà chúng ta có thể áp dụng như tấm lợp, ngói, bông thủy tinh, rockwool, XPS… Trong quá trình thi công, lắp đặt, nên chừa lại khoảng cách phù hợp giữa mái và trần để giảm bớt độ nóng.

lát gạch chống nóng cho mái nhà
Lát gạch chống nóng bề mặt mái.

Với tường nhà, các kiến trúc sư khuyên nên xây 2 lớp gạch, dùng sơn tường cách nhiệt hoặc xây tường bằng gạch block vì vật liệu này có khả năng cách nhiệt khá tốt.

Thiết kế 2 cửa sổ trong 1 phòng

Người ta thường nghĩ rằng, một phòng chỉ có một cửa sổ là đủ. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều gia đình đã dần áp dụng bố trí 2 cửa sổ trong cùng 1 phòng, tạo điều kiện cho luồng gió tự nhiên dễ dàng lưu thông trong nhà. Cách làm này không chỉ giải quyết vấn đề không khí nóng trong phòng mà còn cho phép tận dụng tốt ánh sáng tự nhiên, từ đó tiết kiệm năng lượng cho làm mát, chiếu sáng.

phòng ngủ có 2 cửa sổ
Phòng ngủ có 2 cửa sổ cho phép thông gió diễn ra dễ dàng hơn.

Lợp mái nhà màu sáng

Chúng ta đều biết rằng, những gam màu tối thường thường hấp thụ nhiệt tốt hơn. Do vậy, nên ưu tiên lựa chọn các loại tôn, ngói có màu sáng khi lợp mái nhà. Nếu đã lỡ lắp loại ngói, tôn tối màu, bạn có thể sơn lại bằng sơn cách nhiệt hay trải tấm cách nhiệt trên mái nhà với tông màu sáng. 

Làm logia thay vì ban công

Nhà phố, nhà liền kề hay chung cư thường có thêm ban công hoặc logia để làm nơi hóng mát, ngắm cảnh hay phơi đồ. Theo các chuyên gia, để tránh nóng, gia chủ nên áp dụng logia vì logia được làm thụt vào trong tường ngoài nhà thay vì nhô ra ngoài trời như ban công, cho phép logia hưởng gầm sàn ở phía tầng trên làm mái che nắng, từ đó giảm tác động trực tiếp của mặt trời lên không gian sống.

Trồng cây xanh cũng là cách làm mát nhà mùa nóng

Cây xanh không những có công dụng trang trí, che mát mà còn là phương pháp làm mát nhà mùa nóng cực kỳ hiệu quả. Cây xanh vốn được ví như chiếc điều hòa mà mẹ thiên nhiên ban tặng cho loài người. Sự hiện diện của cây xanh trong không gian sống sẽ giúp ngôi nhà trở nên ấn tượng, mát mẻ và trong lành. Nếu diện tích nhà rộng rãi, bạn có thể trồng các loài cây to, cây cho bóng mát. Với nhà phố, nhà ống, nhà liền kề, hãy chuyển sang trồng các loài cây nhỏ dạng thân leo hay bố trí các chậu cây nhỏ ở các khu vực hứng chịu nắng như cửa sổ, ban công.

cây xanh
Cây xanh giúp không gian sống mát mẻ, sạch độc tố.

Thực hiện nguyên tắc đóng cửa vào ban ngày, mở cửa khi trời tối

Nếu muốn làm mát nhà, bạn cần hạn chế không khí nóng từ bên ngoài tràn vào nhà. Trong khi đó, ban ngày là thời điểm nắng nóng nhất, gây ảnh hưởng đến nhiệt độ bên trong nhà. Các khảo sát gần đây cho thấy, khoảng hơn 30% lượng nhiệt trong ánh sáng mặt trời chiếu vào nhà thông qua lối cửa sổ. Do đó, bạn nên áp dụng triệt để phương pháp đóng kín cửa vào ban ngày. Khi thấy nắng lên, hãy đóng kín cửa sổ, kéo rèm lại để ngăn nắng làm nóng phòng. 

Ban đêm, khi thời tiết mát mẻ, khí trời dịu nhẹ cũng là lúc bạn nên mở tung cánh cửa để đẩy không khí nóng trong nhà ra ngoài, giúp ngôi nhà mau trở lại mát mẻ, dễ chịu hơn.

Dán phim cách nhiệt cho khu vực cửa kính

Phim cách nhiệt là một tấm polyester kết hợp công nghệ men gốm và lọc quang phổ hồng ngoại, công nghệ phóng xạ, công nghệ cắt tia hồng ngoại, được tráng phủ kim loại và có keo dán để dán lên bề mặt bên trong mảng kính, giúp ngăn cản sự trao đổi nhiệt qua kính, cản tia UV, tia tử ngoại. Khác với các loại giấy dán kính cửa sổ, phim cách nhiệt không chắn tầm nhìn mà còn có thể giữ tới 80% năng lượng mặt trời, đảm bảo ngôi nhà thoáng mát hơn trong những ngày nóng.

cách làm mát nhà bằng phim cách nhiệt
Cách làm mát nhà mùa nóng với phim cách nhiệt.

Lựa chọn màu sắc và vật liệu nội thất phù hợp

Màu sắc là yếu tố đặc biệt quan trọng trong thiết kế nội ngoại thất. Nếu ngôi nhà nằm ở vị trí đón nhận nhiều nắng gay gắt, nên chọn các gam màu lạnh như xanh ngọc, kem, cốm, trắng… khi sơn tường nhà. Những gam màu này có tác dụng làm giảm hấp thụ nhiệt, giảm cảm giác mệt mỏi, giúp thư giãn tinh thần.

Về chất liệu, nên chú trọng sử dụng các vật liệu tự nhiên như tủ gỗ, đá hoa cương, sàn gỗ, sofa gỗ...

Hạn chế sử dụng các thiết bị điện

Tập thói quen tắt các thiết bị điện khi không dùng đến. Không chỉ là vấn đề tiết kiệm điện mà nhiệt lượng tỏa ra từ các thiết bị này trong quá trình hoạt động sẽ làm tăng thêm vài độ C cho ngôi nhà vốn đã bí bức. Ngoài ra, gia đình bạn cũng nên tập thói quen sinh hoạt trong một căn phòng thay vì phân tán khắp các phòng như mọi khi. Bên cạnh đó, cần lên lịch nấu nướng khoa học, hạn chế việc đun nấu để giữ cho ngôi nhà luôn mát mẻ vì nấu nướng bằng bếp ga, lò nướng, lò vi sóng đều góp phần làm tăng nhiệt độ trong nhà lên.

Sử dụng quạt hợp lý

Có thể thấy rằng, quạt là một trong những món đồ gia dụng có mặt ở bất cứ gia đình Việt nào. Có 4 loại quạt điển hình là quạt trần, quạt cây, quạt thông gió, quạt hơi nước. 

đảo chiều quay quạt trần
Vào mùa hè, bạn nên để quạt trần quay theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Còn vào mùa đông, nên cho quạt quay theo hướng thuận chiều kim đồng hồ với tốc độ thấp.
  • Với quạt trần, vào mùa hè bạn hãy cài đặt quạt quay ngược chiều kim đồng hồ, tạo luồng gió nhẹ để khi đứng dưới cánh quạt, chúng ta sẽ ngay lập tức cảm nhận được luồng gió lạnh thổi tập trung và không bị loãng khắp phòng.
  • Với quạt cây, bạn có thể áp dụng một mẹo nhỏ đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao là để đá lạnh vào trong một chiếc bát và đặt phía trước quạt. Hơi nước mát bốc lên sẽ được quạt thổi khắp phòng, giúp giảm nhiệt căn phòng nhanh chóng. Lưu ý, nên để quạt ở khoảng cách hợp lý để tránh gây vướng víu và cảm nhận được luồng gió mát mẻ tuyệt đối.
  • Quạt thông gió dù không tạo ra luồng gió mát trực tiếp nhưng lại có thể hút không khí ra bên ngoài, có thể lắp ở mọi phòng trong nhà. Hay lặp một chiếc quạt thông gió ở những phòng thường xuyên nóng bức, bí bách như bếp, nhà vệ sinh để cải thiện không khí trong nhà.
  • Quạt phun sương được đánh giá là giải pháp hữu hiệu thay thế cho điều hòa bởi tính di động và khả năng tiết kiệm năng lượng. Ngoài tác dụng làm mát, loại quạt này còn làm tăng độ ẩm trong không khí, mang lại cảm giác dễ chịu trong những ngày nóng nực.

Dọn dẹp nhà cửa thường xuyên

Dân gian vẫn có câu: "Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm". Giữ nhà ở sạch sẽ chính là giải pháp chống nóng vô cùng hiệu quả. Bạn cũng nên dọn dẹp bớt các món đồ không dùng đến để làm thoáng nhà, ngăn hiện tượng tích trữ nhiệt.

Thay đệm, ga trải giường

Hè đến, khi tiết trời nóng bức, chúng ta không cần sử dụng tới các loại chăn, ga, đệm quá dày. Hãy dọn bớt chúng và cho vào tủ để phòng ốc được thông thoáng, tránh tích tụ nhiệt. Nếu vẫn muốn ngủ trên những chiếc đệm êm, hãy lựa chọn loại mỏng và dễ gấp gọn để cất đi khi thức dậy.

Thay ga trải giường thường xuyên cũng giúp bạn cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn vì bụi bẩn tích tụ lâu ngày trên chăn, ga, gối sẽ khiến không khí khó lưu thông.

chăn, ga mùa hè
Nên chuyển sang những loại chăn ga mỏng, nhẹ trong những tháng hè nóng nực.

Thay bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn compact

Cùng với sự phát triển của công nghệ, đèn chiếu sáng đã được ứng dụng công nghệ mới nhằm tăng khả năng chiếu sáng trong khi giảm được lượng điện tiêu thụ. Hãy thay thế bóng đèn sợi đốt trong nhà bằng đèn compact vì đèn sợi đốt vừa tốn điện, vừa tỏa ra nhiệt lượng cao. Mặt khác, đèn sợi đốt phát ra ánh sáng vàng, gây cảm giác nóng nực khi nhìn vào. Đèn compact với ánh sáng trắng dịu mắt, có độ tỏa nhiệt không cao nên giúp giảm nóng đáng kể.

(Tổng hợp)

>> Tại sao ai cũng nên trồng ít nhất một cây cảnh trong nhà?

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME