Cách hiểu đúng về Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và Văn phòng đăng ký đất đai
Là đơn vị thực hiện rất nhiều công việc quan trọng liên quan đến nhà đất như cấp sổ đỏ, đo đạc, quản lý hồ sơ địa chính tại địa phương nhưng nhiều người dân vẫn mơ màng về khái niệm Văn phòng đăng ký đất đai, phân vân liệu đây có phải là cách gọi khác của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất? Tất cả những thắc mắc đó sẽ được giải đáp trong bài viết sau của Batdongsan.com.vn.
1. Văn phòng đăng ký đất đai là gì?
Để giải nghĩa khái niệm Văn phòng đăng ký đất đai trước hết cần hiểu rõ đăng ký đất đai là gì. Theo Khoản 15 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013, đăng ký đất đai, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất là việc kê khai và ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và quyền quản lý đối với một thửa đất vào hồ sơ địa chính. Như vậy, có thể hiểu văn phòng đăng ký đất đai chính là nơi thực hiện đăng ký đất đai và tài sản khác gắn liền với đất; xây dựng, quản lý, cập nhật, chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai; thống kê, kiểm kê đất đai; cung cấp thông tin đất đai theo quy định của các tổ chức/cá nhân có nhu cầu.
Về căn cứ pháp lý, Văn phòng đăng ký đất đai được thành lập sau khi Luật Đất đai 2013 được ban hành, với chức năng, cơ cấu, nhiệm vụ và quyền hạn được quy định cụ thể tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Theo đó, đây là đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Sở Tài nguyên & Môi trường, được thành lập nên từ 1 trong 2 trường hợp sau:
- UBND cấp tỉnh thành lập mới
- UBND cấp tỉnh tổ chức lại dựa trên cơ sở hợp nhất Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Sở Tài nguyên & Môi trường và các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Phòng Tài nguyên & Môi trường hiện có ở địa phương. Điều này đồng nghĩa với việc Văn phòng đăng ký đất đai và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất về bản chất có cùng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn trong lĩnh vực đất đai.
Một số địa chỉ chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội
Tùy vào khu vực sinh sống, khi có nhu cầu thực hiện các thủ tục nằm trong phạm vi xử lý của Văn phòng đăng ký đất đai, người dân có thể tìm đến các (Chi nhánh) Văn phòng đăng ký đất đai quận/huyện gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ, tiếp nhận hồ sơ và giải quyết. Ví dụ tại Hà Nội, một số địa chỉ chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai theo khu vực như: Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội - Chi nhánh Quận Cầu Giấy, Chi nhánh quận Thanh Xuân...
Người sử dụng đất làm thủ tục liên quan đến nhà, đất tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai. Ảnh minh họa: Internet
2. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Văn phòng đăng ký đất đai
Chức năng của Văn phòng đăng ký đất đai
Văn phòng đăng ký đất đai trong tiếng Anh ứng với thuật ngữ “Land registration office”, là đơn vị sự nghiệp có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, được Nhà nước bố trí trụ sở, trang thiết bị làm việc để thực hiện các chức năng chính đó là: Thực hiện đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; xây dựng, quản lý, cập nhật, chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai; thống kê, kiểm kê đất đai và cung cấp thông tin đất đai cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng đăng ký đất đai
Nội dung này được quy định rõ trong Thông tư liên tịch số 15/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của văn phòng đăng ký đất đai (trực thuộc Sở Tài nguyên & Môi trường). Trong đó, một số quyền hạn, nhiệm vụ chính mà Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện phải kể đến như:
- Thực hiện việc đăng ký đất được Nhà nước giao quản lý, đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
- Cấp lần đầu/cấp đổi/cấp lại sổ đỏ nhà đất, đăng ký biến động đối với đất được Nhà nước giao quản lý, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
- Lập, chỉnh lý, cập nhật, lưu trữ và quản lý hồ sơ địa chính; tiếp nhận, quản lý việc sử dụng phôi Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật.
- Thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; chỉnh lý bản đồ địa chính; trích lục bản đồ địa chính.
- Cung cấp hồ sơ, bản đồ, thông tin, số liệu đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu (theo quy định của pháp luật)…
Nhiều thủ tục liên quan đến đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản được thực hiện tại Văn phòng đăng ký đất đai.
3. Thủ tục xin cấp sổ đỏ lần đầu tại Văn phòng đăng ký đất đai
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Người sử dụng đất muốn xin cấp sổ đỏ lần đầu phải chuẩn bị 1 bộ hồ sơ với đầy đủ các giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT bao gồm"
- Đơn đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (theo mẫu)
- Chứng từ chứng minh đã thực hiện nghĩa vụ tài chính, các giấy tờ chứng minh được miễn, giảm các khoản thuế phí (nếu có)
- Một trong các loại giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo Điều 100 Luật Đất đai 2013. Nếu đăng ký quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (thường là nhà ở) thì cần có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản đó.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Người sử dụng đất đem nộp hồ sơ trên tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp quận/huyện. Cơ quan này có trách nhiệm kiểm tra và tiếp nhận nếu hồ sơ hợp lệ, ngược lại phải thông báo để người dân bổ sung, hoàn thiện nếu hồ sơ chưa đầy đủ.
Bước 3: Giải quyết yêu cầu
Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai sẽ giải quyết yêu cầu xin cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho người sử dụng đất. Người sử dụng đất có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến thủ tục này (theo thông báo của cơ quan thuế). Khi nộp thuế phí xong, người sử dụng đất cần giữ lại các hóa đơn, chứng từ và xuất trình những giấy tờ này để cung cấp cho cơ quan chức năng khi cần.
Bước 4: Trả kết quả
Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai trao Giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi Giấy chứng nhận cho UBND cấp xã để trao cho người dân nếu họ nộp hồ sơ tại cấp cơ sở này.
Linh Phương
>> Thủ tục cấp Sổ đỏ khi mua bán nhà đất bằng giấy viết tay mới nhất
>> Cập nhật 3 điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất 2021
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet