Các loại quỹ BĐS khiến ngân hàng e ngại
Về cơ chế độc quyền vốn của nhiều ngân hàng, nhiều chuyên gia ngành BĐS đã bày tỏ sự bức xúc vì đã bỏ qua quyền tiếp cận nhà của người mua. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận định: "Tuy có nhiều bất cập nhưng ngành ngân hàng vẫn muốn độc quyền thu hút vốn và cho vay vì rõ ràng đây là một miếng "bánh ngọt"".
Theo Thứ trưởng Nam, một số quỹ như quỹ tiết kiệm, quỹ tín thác, quỹ đầu tư... đã tạo vốn dài hạn cho BĐS, giúp thị trường này có được sự ổn định về vốn, tuy nhiên, các ngân hàng sẽ phản đối hình thức quỹ này do vì lo ngại phải cạnh tranh ngay từ khâu thu hút vốn với các quỹ này. Hình thức quỹ hỗ trợ cũng được nhiều nước trên thế giới như Đức, Mỹ… sử dụng phổ biến và tạo được hiệu quả cao.
Thị trường BĐS Việt Nam sẽ có cơ hội ổn định lâu dài nếu thoát khỏi sự lệ thuộc của vốn
ngắn hạn. Ảnh: M.Quân
Thứ trưởng Nam cũng phân tích thêm: "Chuyện ngân hàng không ủng hộ chủ trương thành lập quỹ tạo vốn dài hạn cho BĐS là lẽ tất nhiên, do nó liên quan đến quyền lợi của các ngân hàng. Một phần khác là nước ta đang có quá nhiều quỹ, nhưng vẫn có những cái thừa phải mạnh dạn bỏ đi".
Ông Nam cũng cho biết, một số quỹ tín thác, đầu tư, quỹ tiết kiệm nhà ở... cũng được Bộ Xây dựng đề xuất thành lập nhưng chưa được quan tâm giải quyết, sự phối hợp giữa các ngành với nhau về chính sách chưa có sự thống nhất cao giữa các ban ngành.
Chủ tịch VNREA bày tỏ, ngay Luật Kinh doanh BĐS mới được Quốc hội thông qua cũng chưa thỏa mãn ở các khoản mục thành lập quỹ đầu tư, quỹ tín thác, quỹ tiết kiệm... nhằm tạo nguồn vốn lâu dài cho BĐS.
Tuy hiện nay, Việt Nam đã có nghị định về thành lập các quỹ đầu tư nhưng do nội dung vẫn chưa rõ ràng nên rất khó để các quỹ này trở thành hiện thực. Tuy nhiên, tình trạng BĐS lệ thuộc vốn vào nguồn ngắn hạn như hiện nay không thể để kéo dài hơn nữa vì người dân sẽ bị thiệt thòi khi tiếp cận với các sản phẩm BĐS. Mặt khác, thời gian qua, chính sách tiền tệ cho BĐS không ổn định khiến cả doanh nghiệp và người dân chóng mặt vì lúc thì bơm vốn, khi lại chặn vốn.
Tương tự, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW, TS. Trần Kim Chung cho rằng, BĐS là thị trường có giá trị rất lớn trong nền kinh tế nước ta, thị trường này phải đa dạng nguồn lực nếu muốn tự quyết định chiến lược phát triển. Đồng thời, BĐS phải tự nâng cao sức đề kháng trước các đợt suy thoái kinh tế chung nếu tự chủ được nguồn vốn dài hạn thị trường BĐS.
TS. Chung cũng phân tích thêm: "Việt Nam có nguồn kiều hối vào khoảng 12 tỉ USD/năm, là một trong 10 nước có nguồn kiều hối lớn nhất thế giới. Kênh thu hút vốn này rất tốt và mang tính lâu dài. Chính sách mở cửa cho người nước ngoài mua nhà vừa được Quốc hội thông qua là bước thay đổi lớn, tiềm năng cho ngành BĐS. Trong tương lai gần, các khâu giải ngân phải được cải thiện để phát huy tốt tác dụng của gói 30.000 tỉ đồng”.
Bên cạnh nguồn vốn từ nước ngoài, TS. Hoàng Kim Huyền, thuộc Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng lưu ý, cần có những chính sách khuyến khích hộ gia đình đầu tư vào BĐS.
Ngoài ra, hoạt động mua bán, sáp nhập dự án cần được đẩy mạnh để cơ cấu lại nguồn vốn lâu dài, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu BĐS. Bản thân các doanh nghiệp cần có tích lũy và không nên lạm dụng quá nhiều vào các biện pháp đòn bẩy tài chính.
Một góc nhìn khác, Trưởng khoa BĐS và Kinh tế tài nguyên thuộc Đại học Kinh tế quốc dân, PGS.TS Vũ Thị Minh cho rằng, để chủ động vốn dài hạn thì BĐS trong thời gian qua đã hình thành nhiều liên hệ với thị trường tài chính tiền tệ, trực tiếp là thị trường chứng khoán. Qua nguồn này thu hút được rất nhiều tiền nhàn rỗi từ trong dân.
Bên cạnh đó, cần có các biện pháp quản lý và kiểm soát rủi ro đối với tín dụng ngân hàng thương mại cho thị trường BĐS; tạo lập và hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc đa dạng hóa sản phẩm tài chính BĐS; xây dựng khung pháp lý cho thị trường tái thế chấp trên cơ sở chuẩn hóa thị trường thế chấp sơ cấp BĐS…
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet