Ông Đặng Huy Hiệp - Giám đốc Cty Thép Vina Kyoei (VKS) cho biết, những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và chính sách thắt chặt tiền tệ, giảm đầu tư công để kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết 11 của Chính phủ đã có những tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Sức tiêu thụ giảm

“Lãi suất ngân hàng luôn ở mức cao, có khi lên tới 20% đã làm ảnh hưởng mạnh đến kế hoạch sản xuất của VSK, Cty phải cắt giảm các chi phí và hạ các chỉ tiêu xuống để bảo đảm sản xuất” - ông Hiệp chia sẻ. Bên cạnh đó, tỉ giá VNĐ/USD từ đầu năm đến nay không ổn định và tăng mạnh, tình hình lạm phát luôn ở mức cao cũng làm cho DN nhiều phen “lao đao”. Nhiều lúc Cty phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất do nguyên vật liệu và các phụ tùng vẫn phải nhập từ nước ngoài. Trong năm 2011, VSK đã sản xuất gần 376 tấn thép, giảm hơn 7% so với năm 2010, lượng tiêu thụ sản phẩm cũng giảm gần 15%. Theo nhận định của ông Hiệp, với kết quả này, VKS tuy giữ được mức ổn định, nhưng hiệu quả thấp, lượng hàng tồn kho tăng.

Các doanh nghiệp thép nỗ lực vượt khó | ảnh 1
Sản xuất thép cây tại Nhà máy Thép Việt

Tương tự như VKS, hoạt động sản xuất kinh doanh của Cty Posco VN cũng rơi vào tình trạng khó khăn khi phải đối mặt với lượng hàng tồn kho lớn. Ngoài ra, với sự cạnh tranh mạnh mẽ của các sản phẩm thép nhập ngoại từ Trung Quốc, Malaysia... cũng làm cho khả năng bán hàng của các DN sản xuất thép trong nước gặp khó khăn. Trong khi đó, Chính phủ chưa thiết lập được hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn các sản phẩm thép kém chất lượng vào thị trường trong nước, vì vậy sự cạnh tranh về giá cả cũng gay gắt đối với các DN sản xuất thép trong nước.

Theo đánh giá của Sở Công thương, trong năm 2011, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh giảm mạnh, trong đó có thép. Sản lượng thép trong năm 2011 ước đạt 2,5 triệu tấn, riêng trong tháng 11, sản lượng thép giảm tới gần 8,5%. Đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có DN sản xuất thép nào phá sản, nhưng các DN hoạt động sản xuất trong tình trạng hết sức khó khăn, sản xuất cầm chừng, cắt giảm lao động...

Không chỉ các DN sản xuất thép gặp khó khăn mà các đơn vị phân phối sản phẩm thép cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Bà Nguyễn Thị Huỳnh Nga - chủ cửa hàng Huỳnh Nga chuyên phân phối các sản phẩm thép Nhật ở đường Huyền Trân Công Chúa (TP Vũng Tàu) cho biết, trong năm 2011, tình hình sản lượng tiêu thụ thép chỉ khởi sắc trong 3 tháng đầu năm, còn từ tháng 4 trở lại đây thì sức mua của thị trường chậm chạp. Từ đầu năm đến nay giá thép đã hơn 10 lần điều chỉnh, có khi trong 1 tháng điều chỉnh đến 2-3 lần; giá cả không ổn định đã làm ảnh hưởng đến mức tiêu thụ. Bà Nga dẫn chứng cụ thể, trong năm 2010, bình quân cửa hàng Huỳnh Nga bán khoảng 250 – 300 tấn thép/tháng, riêng năm nay khó khăn lắm mới đạt khoảng 50 – 60 tấn/tháng. “Số lượng tiêu thụ năm nay giảm gần như 50% so với năm 2010” - bà Nga cho biết.

Tự xoay sở

Ông Nam Sik - đại diện Cty Posco VN cho biết, trước những khó khăn do lượng tiêu thụ thép ở thị trường trong nước giảm mạnh, xuất khẩu ra nước ngoài là hướng đi tất yếu mà Posco VN đã làm trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, việc xuất khẩu của DN cũng không dễ gì do các chính sách bảo hộ ngành công nghiệp của các thị trường nước ngoài như hàng rào chất lượng, chống bán phá giá... gây cho DN nhiều trở ngại.

Đổi mới công nghệ, tiết kiệm tiêu hao năng lượng là giải pháp hữu hiệu được VKS thực hiện để đối phó với các thách thức hiện nay nhằm hạ giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh. Ông Đặng Huy Hiệp cho biết, trong năm 2011, VKS đã ứng dụng thành công mô hình “Mỏ đốt tái sinh” cho lò nung cám thép, nhờ vậy đã giảm tiêu hao nhiên liệu đến hơn 11%. Cũng trong năm 2011, VKS đã sản xuất thử sản phẩm thép nối ren nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu cao của thị trường. Với tính năng vượt trội như tiết kiệm thời gian và vật liệu thép trong xây dựng, sản phẩm thép nối ren của VSK được thị trường đánh giá cao.

Hạ thấp các chỉ tiêu kế hoạch, giảm sản lượng, giảm thiểu các chi phí sản xuất như điện, nước, nguyên vật liệu và huy động vốn tại chỗ bằng cách bán cổ phiếu công ty cho cán bộ, công nhân viên là cách mà Cty Thép Miền Nam sử dùng để vượt qua “vận bĩ” hiện nay.

Theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế, tình hình suy giảm kinh tế hiện nay khiến các DN ngành thép rơi vào tình hình khó khăn, nhưng đây cũng là cơ hội để ngành thép sàng lọc và cấu trúc lại. Những DN không đủ khả năng sẽ bị loại khỏi ngành thép, những nhà máy quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu sẽ bị đào thải hoặc các DN sẽ phải liên kết với nhau để tạo thành một thương hiệu mạnh, chuyển hướng đầu tư vào các sản phẩm thép mà trong nước chưa sản xuất được. Tuy nhiên, để làm được điều này, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN thép vượt qua khó khăn.

BR - VT hiện có 17 dự án thép, vượt công suất thiết kế khoảng 4,750 triệu tấn phôi và 4 triệu tấn thép cán. Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư các dự án có công nghệ hiện đại, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, nhiên liệu, nước, đất đai, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, nhằm từng bước chuyển dịch từ phát triển theo chiều rộng sang mô hình phát triển theo chiều sâu. Theo đó, tỉnh sẽ không thu hút thêm các dự án thép, xi măng và hóa chất.

(Theo DĐDN)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME