Trong thời gian qua, tại một số dự án lớn như Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, dự án đường cao tốc Tp.HCM – Long Thành - Dầu Giây, Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội -  Hải Phòng, khối lượng xây lắp do các nhà thầu nước ngoài trúng thầu và thực hiện chiếm gần như 90% khối lượng xây lắp của cả Dự án.

Các công trình giao thông chậm tiến độ: Không thể đổ lỗi cho GPMB | ảnh 1
Thi công đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Ảnh giaothongvantai.com.vn

Trúng thầu nhanh, triển khai chậm

Mặc dù Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có sự kiểm tra, chỉ đạo thường xuyên, đặc biệt các chủ đầu tư đã chủ động điều hành và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho nhà thầu. Tuy nhiên hiện nay, hàng loạt các dự án trên vẫn đang trong tình trạng chậm tiến độ, ảnh hưởng đến việc hoàn thành dự án theo kế hoạch đã đề ra.

Theo đại diện của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai được khởi công từ tháng 9/2009, cho đến nay, giá trị sản lượng do các nhà thầu nước ngoài thực hiện mới đạt 26,9%, giá trị giải ngân (kể cả tạm ứng) đạt 28,9%. Nhìn chung các gói thầu thi công đều chậm, trong khi Bộ GTVT đã và đang chỉ đạo tiến độ tổng thể dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2013.

Dự án xây dựng đường cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây được khởi công từ tháng 6/2010, từ khi thực hiện đến nay giá trị sản lượng do các nhà thầu nước ngoài thực hiện mới đạt 50,4%, chậm 3,32% so với tiến độ tổng thể của dự án, giá trị giải ngân (kể cả tạm ứng) đạt 49,5%. Tiến độ các gói thầu so với kế hoạch như gói 1A đạt 76,26% chậm 15,2%; gói thầu 3 đạt 45,74% chậm 6,16%; Gói thầu 6 đạt 26,67% chậm 1,52%.

Với Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng dài 105,5km có tổng mức đầu tư ban đầu là 24.566 tỷ đồng (nguồn vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư và vốn vay) thực hiện theo hình thức BOT, từ khi thực hiện đến nay giá trị sản lượng do các nhà thầu nước ngoài thực hiện không đạt yêu cầu về tiến độ thi công theo các hợp đồng xây lắp đã ký kết.

Có thế thấy, tiến độ triển khai các gói thầu tại dự án này được triển khai chậm đến mức khó tin, đơn cử như ở gói thầu EX-2 đạt 12,03% (chậm 41,25%); gói EX-3 đạt 22,05% (chậm 29,85%); gói EX-7 đạt 41,71% (chậm 58,29%); gói EX-9 đạt 44,31% (chậm 55,69%); gói EX-10 mới chỉ đạt 36,02% (chậm tới 54,2%).

Thiếu vốn lưu động, nhà thầu gặp khó

Như đã nói ở trên, các nhà thầu ký hợp đồng thi công xây lắp các gói thầu tại các dự án đường cao tốc trọng điểm hiện nay đều là các nhà thầu nước ngoài. Việc tiếp cận, chủ động giải quyết các thủ tục, triển khai chuẩn bị thi công của các nhà thầu nước ngoài đối với các cơ quan chức năng Việt Nam thường chậm và không đạt tiến độ kế hoạch (thiết lập VP, Giấy phép thi công, bảo hiểm…).

Bên cạnh đó, công tác huy động nhân sự và thiết bị của các nhà thầu chính ở hầu hết các gói thầu đều không đạt theo kế hoạch phê duyệt. Một số nhà thầu chính thông qua các nhà thầu phụ Việt Nam để huy động thiết bị và nhân sự vận hành, không chủ động được tiến độ trong điều hành và bị ảnh hưởng bởi thầu phụ.

Sự lựa chọn cũng như quản lý nhà thầu phụ của các nhà thầu chính ở các dự án còn nhiều bất cập, nhất là ở các gói thầu dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, cao tốc Hà Nội – Hảo Phòng. Một vài nhà thầu chính đã thuê quá nhiều nhà thầu phụ khiến việc triển khai, quản lý gặp khó khăn, hoặc nhà thầu chính không thuê nổi nhà thầu phụ bởi vấn đề trượt giá.

Mặt khác, theo đánh giá của Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI.,JSC), một số nhà thầu không huy động nổi nguồn vốn lưu động để thực hiện dự án đủ như cam kết. Các công ty mẹ chưa có sự hỗ trợ tích cực cho công ty con trong quá trình thực hiện dự án, đặc biệt là hỗ trợ về vốn và nhân sự chủ chốt, nên dẫn đến thiếu vốn để thi công, công tác điều hành lúng túng, thụ động.

Yếu tố chất lượng và an toàn là trên hết

Đứng trước thực trạng chậm trễ của hàng loạt dự án đường cao tốc, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã quán triệt chỉ đạo tới chủ đầu tư, các nhà thầu, ban quản lý dự án, ngay lập tức phải tìm cách đẩy nhanh tiến độ thi công đúng với mục tiêu các dự án đã đề ra, không có chuyện vì tiến độ thi công chậm làm ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành dự án.

Theo tiêu chí chất lượng công trình là trên hết, các ban quản lý dự án nhất thiết phải thực hiện việc thường xuyên kiểm tra hệ thống quản lý chất lượng tại công trường của nhà thầu, tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động của Tư vấn giám sát xây dựng trong quá trình thi công công trình. Kiên quyết xử lý các nhà thầu tư vấn, xây lắp vi phạm về chất lượng, tiến độ thực hiện theo tiêu chuẩn của dự án và các quy định hiện hành

Đối với những dự án đang còn vướng mắc về việc giải phóng mặt bằng, ban quản lý các dự án cần phối hợp tốt với địa phương để thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu thi công.

Căn cứ vào kế hoạch hành động đã được chủ đầu tư chấp thuận, các nhà thầu nhất thiết phải cập nhật lại tiến độ và có kế hoạch hành động cụ thể, chi tiết hàng tuần để kiên quyết đuổi kịp tiến độ đã đề ra.

Song song với đó, các nhà thầu buộc phải huy động đầy đủ, kịp thời các nguồn lực tài chính, thiết bị, nhân lực cho dự án. Đối với vấn đề nguồn nhân lực, nhất là cấp cán bộ quản lý điều hành dự án cần phải được cân nhắc xem xét, nâng thẩm quyền xử lý các vấn đề phát sinh trên công trình.

Đặc biệt với hai nhà thầu KeangNam, POSCO của Hàn Quốc đang thi công tại Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai với tiến độ chậm, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của việc đẩy nhanh tiến độ các thủ tục nghiệm thu, thanh toán để có vốn kịp thời cho việc triển khai dự án, bởi đây là công trình hữu nghị mang tính quốc gia giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc./.

(Theo VOV)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME