Cả nước còn cần hơn 308.000 căn hộ giá rẻ trong giai đoạn 2019-2020
Nhu cầu phát triển nhà ở xã hội của nước ta hiện còn khá lớn khi mà gần 70% nguồn cung dự kiến triển khai trong lộ trình 2011-2020 vẫn chưa đạt được.
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội trên toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2011-2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, Tp.HCM khoảng 134.000 căn; Hà Nội khoảng 110.000 căn; Bình Dương 41.250 căn; Đồng Nai 36.700 căn; Đà Nẵng 11.500 căn... Theo kết quả thực hiện của các địa phương, đến nay chỉ mới thực hiện được khoảng 30% kế hoạch đã đề ra.
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển Tp.HCM, có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó, cán bộ công chức: 10.000; hộ thu nhập nghèo, cận nghèo: 39.000; lao động trong khu công nghiệp: 17.000; đa số trong các nhóm đối tượng đều chọn phương thức thuê mua nhà ở xã hội chiếm tỷ lệ từ 65% đến 94%.
Tp.HCM đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ, đến năm 2020, có thể xây dựng hoàn thành 20.000 căn. Nhưng trên thực tế nguồn lực ngân sách có hạn, kể cả khi thực hiện phương thức xã hội hóa vẫn chưa thể đáp ứng kịp thời nhu cầu nhà ở xã hội của cả nước, nhất là tại Hà Nội, Tp.HCM và các tỉnh công nghiệp.
Một dự án bất động sản đang được triển khai tại Tp.HCM. Ảnh: internet
Việc triển khai thực hiện chính sách nhà ở xã hội đang bị trở ngại do chưa bố trí được đủ nguồn vốn từ ngân sách để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội. Do vậy, HoREA kiến nghị bổ sung chương trình thực hiện chính sách nhà ở xã hội với 21 danh mục được ưu tiên sử dụng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và bố trí khoản chi ngân sách thực hiện chính sách nhà ở xã hội hàng năm tùy theo khả năng ngân sách; Xem xét ấn định mức gửi tiết kiệm nhà ở xã hội cố định hàng tháng không quá 1 triệu đồng để phù hợp với khả năng tài chính của người vay. Áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội từ 3-3,5%/năm với thời hạn cho vay, thuê mua nhà ở xã hội tùy vào từng thời kỳ nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có thu nhập thấp đô thị.
Bên cạnh đó, Chính phủ nên cho phép thí điểm cho doanh nghiệp cũng được đầu tư phát triển phòng trọ cho thuê có diện tích dưới 25 m2/phòng, cho phép hạch toán chi phí thực tế để giải phóng mặt bằng các dự án nhà ở xã hội, hiện đang chiếm khoảng trên dưới 50% giá thành, để góp phần làm giảm giá thành nhà ở xã hội. Hiện nay doanh nghiệp được tính chi phí giải phóng mặt bằng rất thấp, chỉ bằng khoảng 20-30% chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã bỏ ra.
Góp ý về Quyết định số 848/QĐ-TTg phê duyệt đầu tư đề án xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030, HoREA cho rằng, hầu hết các nước trên thế giới, kể cả ở nhiều nước công nghiệp phát triển đều có chính sách nhà ở xã hội và các chương trình phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu nhà ở ở mức tối thiểu cho đối tượng là người có thu nhập thấp, người nhập cư, điển hình như tại Singapore, Indonesia, Hàn Quốc, Pháp...
Trong đó, phổ biến nhất là hình thức thuê nhà ở xã hội, phần còn lại là nhà ở xã hội thuê mua (mua trả góp dài hạn từ 20-30 năm), không có loại nhà ở xã hội để bán thu tiền ngay như ở nước ta. Ví dụ: Hàn Quốc có 05 loại hình căn hộ công cho thuê với từng nhóm đối tượng có thu nhập khác nhau, tỷ lệ đặt tiền thế chân khác nhau, thời gian thuê khác nhau (50 năm; 30 năm; 20 năm; 05-10 năm). Việt Nam cũng có thể tham khảo các cách làm trên để áp dụng vào thực tế thị trường tại các đô thị lớn.
Phương Uyên
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet