Bùng nổ trung tâm thương mại đa chức năng
Những khu trung tâm thương mại đa chức năng đang thu hút hàng trăm ngàn lượt người đến mỗi ngày. Đây là mô hình kinh doanh đang lên ngôi trong thời gian qua, ngoài phục vụ mua sắm còn đa dạng từ vui chơi đến ăn uống, giải trí...
Để thu hút khách hàng, các doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam không ngừng tranh đua. So với các trung tâm thương mại kiểu cũ, gần đây, mô hình kinh doanh mới ngày càng được đầu tư thêm nhiều chức năng đi kèm các chương trình khuyến mãi, khách hàng thân thiết...
Thay đổi thói quen tiêu dùng...
Mới đây nhãn hiệu H&M nổi tiếng đến từ Thụy Điển chính thức đặt chân đến Việt Nam sau hơn hai năm trời chuẩn bị. Theo Giám đốc điều hành H&M khu vực Đông Nam Á, ông Fredrik Famm thì chọn mặt bằng là khâu chiếm nhiều thời gian trong số các thủ tục, bởi một yêu cầu tối quan trọng là cửa hàng phải đặt ở vị trí tốt nhất. Ông Fredrik Famm cho biết thêm: "Chúng tôi đã gặp gỡ những nhà cho thuê mặt bằng bán lẻ từ 25 trung tâm thương mại khác nhau. Cuối cùng đã chọn một trung tâm thương mại đa chức năng, dù cửa hàng sẽ... sát vách với Zara, đối thủ cạnh tranh chính với H&M".
Tâm lý cuối tuần đi... trung tâm thương mại đang dần hình thành tại Việt Nam. Đặc biệt mọi người đến đây không chỉ để mua sắm. Tại các trung tâm thương mại không còn lạ lẫm cảnh các bà mẹ trẻ dẫn con đi dạo, một vài nhóm trẻ tuổi teen với ly trà sữa trên tay hay tụ tập chờ xem phim...
Chị Hoàng Mai, một người dân tại quận Bình Thạnh (Tp.HCM), có hai con nhỏ cho biết, những ngày cuối tuần gia đình chị thường chọn một trung tâm mua sắm nào đó để dẫn các con tới chơi. "Mình đi ngắm hàng hóa, gặp món hàng nào thích, giá tốt thì mua. Không thì cả nhà vào khu vực ẩm thực, xem như đi chơi cuối tuần", chị Mai nói.
Một trung tâm thương mại đa chức năng tại Tp.HCM thu hút đông
đảo người dân vào chiều ngày 22/10. Ảnh: Q.Định
Bên tấp nập, bên buồn thiu
Nếu trước đây, những điểm bán tốt tại Tp.HCM như trung tâm điện máy Nguyễn Kim (đường Trần Hưng Đạo, quận 1) hay Parkson Lê Thánh Tôn... có rất nhiều người đến vào các dịp lễ, cuối tuần thì hiện nay những không gian này đã trở nên chật chội so với nhu cầu của khách hàng. Do đó, người dân đang có xu hướng chuyển sang các trung tâm thương mại có cả chỗ cho con chơi, ăn uống và giải trí. Những trung tâm thương mại kiểu truyền thống chỉ chuyên bán hàng ngày càng thưa thớt khách vào, trong đó đã có những trung tâm phải đóng cửa, điển hình nhất là việc đóng cửa cả loạt trung tâm Parkson thời gian qua. Nương theo xu hướng này, ngay cả Zen Plaza (quận 1) cũng đang dần thay đổi bằng việc giảm phần lớn diện tích thương mại chuyển sang cho thuê văn phòng đồng thời tăng diện tích cho kinh doanh ẩm thực.
Những trung tâm thương mại đa năng đang mọc lên ngày càng nhiều để đáp ứng thói quen mới của người Việt, ngoại thì có Crescent Mall, Aeon, SC Vivo City...nội thì có Vincom, Saigon Co.op. Những khu thương mại này đang trở thành điểm đến mới của người dân thành thị với doanh thu ngày càng tăng. Giám đốc của một công ty nghiên cứu thị trường cho biết, hầu như tuần nào ông cũng đi dạo trong các trung tâm thương mại đa năng. Mặc dù số người tới đây thực sự mua sắm không nhiều, nhưng điều đó không có nghĩa là "họ không chi tiêu gì".
Điều rất đáng lưu ý là trong cuộc cạnh tranh này, không ít nhà bán lẻ 100% Việt không hề bị hụt hơi so với khối ngoại. Trong đó, Vincom nổi lên như một "hiện tượng" khi hệ thống 41 trung tâm thương mại của ông lớn này có tỉ lệ lấp đầy khá cao. Tại Tp.HCM, Vincom Center Đồng Khởi chính thức hoạt động cách đây hơn 7 năm và luôn trong tình trạng không có diện tích trống với lượng khách trung bình đạt con số khá cao: 50.000 lượt/ngày.
Khu vực ẩm thực chật kín khách hàng tại một trung tâm thương mại
đa chức năng vào chiều 22/10. Ảnh: Quang Định
Sẽ tiếp tục "bùng nổ"
Trong bối cảnh các trung tâm thương mại truyền thống (chỉ chuyên bán hàng) ngày càng vắng vẻ thì các trung tâm đa chức năng lại bùng nổ và ngày càng mở rộng. Theo thông tin từ ông Iwamura Yasutsugu, Tổng giám đốc Aeon Mall Việt Nam, thương hiệu này vừa tiếp tục xúc tiến triển khai một trung tâm mua sắm mới tại Hải Phòng. Như vậy, nhà bán lẻ Nhật Bản đã có 6 trung tâm thương mại ở Việt Nam. Con số này sẽ lên tới 20 trung tâm mua sắm đến năm 2025 theo kế hoạch của nhà đầu tư này.
Về phía doanh nghiệp nội, bà Trần Mai Hoa, TGĐ Công ty CP Vincom Retail cho biết, hiện tại thương hiệu này đang sở hữu 41 trung tâm thương mại tại 22 tỉnh thành trong cả nước. Theo kế hoạch, trong năm 2018, Vincom sẽ mở mới tới hơn... 50 trung tâm mua sắm trên toàn quốc nhằm mở rộng độ phủ tại các tỉnh, thành.
Thực tế, cuộc cạnh tranh quyết liệt vẫn đang diễn ra giữa các nhà đầu tư trung tâm thương mại đa chức năng, không chỉ ở chỗ giành vị trí đẹp. Nhiều nhà đầu tư đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo uy tín của mình như tăng giám sát, xếp hạng nhà cung cấp, xem xét các nhà bán lẻ có đánh giá tiêu cực từ người tiêu dùng...
Theo như xác nhận của ông Đỗ Quốc Huy, giám đốc tiếp thị Saigon Co.op thì xu hướng trung tâm thương mại đa chức năng là tất yếu. Ông Huy nói: "Chúng tôi cũng đang nghiên cứu đưa một số siêu thị Co.op Mart có diện tích lớn nâng cấp lên mô hình trung tâm thương mại có mua sắm kết hợp thư giãn, giải trí...".
Dù đang dẫn top đầu trong khối doanh nghiệp Việt đầu tư khối trung tâm thương mại đa chức năng, nhưng theo tiết lộ của bà Trần Mai Hoa thì hệ thống Vincom vẫn tiếp tục phát triển theo hướng "là nơi khách hàng có thêm những trải nghiệm mới mẻ, niềm vui và gắn kết với cộng đồng", trên cơ sở đó sẽ tăng tính cạnh tranh và thu hút khách.
Người tiêu dùng được lợi Trong cuộc cạnh tranh bán lẻ, cả doanh nghiệp bán hàng và các nhà đầu tư trung tâm thương mại đều đưa ra khuyến mãi. Theo bà Trần Mai Hoa, Vincom thường xuyên tham gia các chương trình marketing hấp dẫn theo mùa và định kỳ hằng tháng cùng với các khách thuê tại các trung tâm thương mại để tăng tương tác và thu hút khách hàng... Doanh nghiệp này còn dành ưu đãi cho các khách thuê có thêm cơ hội bán hàng online trên trang thương mại điện tử Adayroi... Trong khi đó, với các nhà bán lẻ ngoại, lượng khách đến tham quan mua sắm quan trọng hơn người đó mua gì, nên hầu hết nhà bán lẻ Hàn Quốc, Nhật Bản đều trông giữ xe miễn phí cho khách. Các doanh nghiệp đều cho rằng, người tiêu dùng đang thay đổi từng ngày do đó doanh nghiệp cần tiếp xúc thường xuyên thì mới biết họ cần gì, chứ không chỉ nhằm vào một mục đích bán hàng. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet