Bùng nổ sai phạm, khiếu kiện chung cư trong nửa đầu năm 2018
Tình trạng sai phạm trong xây dựng, tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến pháp lý, chất lượng và dịch vụ quản lý… liên tiếp xảy ra tại nhiều dự án chung cư từ đầu năm đến nay.
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, chỉ trong nửa đầu năm 2018, cả nước có 215 dự án có khiếu nại, tranh chấp, trong đó có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân, 107 dự án có khiếu nại, tranh chấp về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và những nội dung dân sự khác.
Còn theo báo cáo mới đây của Sở Xây dựng Tp.HCM, trên địa bàn có 935 chung cư cao tầng nhưng trong số này, hơn 100 chung cư có tranh chấp, khiếu kiện. Các mâu thuẫn, tranh chấp chủ yếu liên quan đến phần diện tích sở hữu chung, riêng, việc đóng góp quản lý và sử dụng kinh phí vận hành, bảo trì, BQT, đơn vị vận hành… Ngoài ra, còn xuất hiện nhiều vụ tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán căn hộ. Nếu trước đây, tranh chấp thường nổ ra ở các chung cư cao cấp, trung cấp thì nay đã lan sang các chung cư trung bình, giá rẻ, nhà ở xã hội.
Một trong những tranh chấp lặp đi lặp lại trong thời gian gần đây là phần sở hữu chung - riêng trong dự án. Đặc biệt gay gắt là các trường hợp chủ đầu tư không bàn giao nhà đúng cam kết, chưa làm giấy chứng nhận (sổ hồng) cho người mua nhà qua nhiều năm, khiến bức xúc của cư dân lên đến đỉnh điểm.
Nhiều vụ tranh chấp tại các chung cư liên tục diễn ra từ đầu năm đến nay. Ảnh minh họa
Điều đáng tiếc nữa là không ít trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp căn hộ và dự án cho ngân hàng mà không giải chấp, hoặc chưa đủ điều kiện nghiệm thu hoàn thành công trình nhưng đã đưa dân vào ở không đảm bảo an toàn. Đơn cử, dự án The Everrich Infinity của Phát Đạt từng xảy ra tranh chấp về vấn đề dịch vụ sinh hoạt chung, chi phí quản lý; dự án chung cư Rubyland (Lũy Bán Bích, Tân Phú) của Công ty Tân Hoàng Thắng vướng tranh chấp liên quan đến việc dự án bị thế chấp tại ngân hàng và chậm bàn giao; chung cư 91 Phạm Văn Hai (phường 3, quận Tân Bình) bị dân cáo buộc BQT nhập nhèm trong công tác quản lý vận hành; dự án Samland Riverview của Công ty CP Địa ốc Sacom thì chưa hoàn thiện hệ thống PCCC và thiếu sót trong chất lượng công trình…
Bộ Xây dựng đánh giá, việc xảy ra các khiếu kiện, tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân do nhiều nguyên nhân. Trong đó, rõ nhất là sự thiếu rõ ràng trong quy định pháp lý về quản lý, sử dụng nhà chung cư. Các chế tài xử phạt các hành vi vi phạm chưa phù hợp với yêu cầu quản lý. Nhiều chủ đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện dự án, chuyển nhượng dự án không đúng quy định, vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, pháp luật về phòng cháy chữa cháy và các quy định khác có liên quan.
Ngoài ra, chủ đầu tư nhiều dự án cũng mới chỉ chú trọng đến thu lợi nhuận từ việc bán căn hộ mà chưa quan tâm đến nghĩa vụ sau bán hàng; không công khai đầy đủ các thông tin về dự án và những thay đổi của dự án trong quá trình thực hiện đầu tư. Vai trò quản lý Nhà nước của các cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương ở một số nơi chưa thực hiện tốt. Bên cạnh đó, ý thức pháp lý của người dân khi giao dịch chưa cao, nên tranh chấp khiếu kiện về các quy định trong hợp đồng dễ xảy ra.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Xây dựng cho biết sẽ rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về nhiệm vụ và quyền hạn của chủ đầu tư, ban quản trị, doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư, sớm nghiên cứu, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng nhà chung cư. Bộ cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy, cũng như việc thực hiện thẩm định, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy...; tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể có hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì.
Phương Uyên
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet