Bộ xây dựng họp thẩm định điều chỉnh quy hoạch Tp.HCM
Chiều 17/4 tại trụ sở Bộ Xây Dựng, Hội đồng thẩm định Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh chủ trì đã tiến hành họp thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch Tp.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Cùng tham dự có Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Quốc Khánh và đại diện các bộ, sở, ngành, hội nghề nghiệp, cục, vụ, viện liên quan…
Tại buổi làm việc, đại diện Phân viện Quy hoạch đô thị & Nông thôn miền Nam - Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị & Nông thôn Quốc gia - đơn vị tư vấn lập Đồ án cho biết, lý do và sự cần thiết của việc lập đồ án được căn cứ theo Quy hoạch xây dựng vùng Tp.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt theo quyết định 859/QĐ-TTg ngày 20/5/2008.
Tuy nhiên, từ 2008 đến nay, vùng Tp.HCM đã có nhiều biến động về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhiều dự án được triển khai, do vậy, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng này là cần thiết.
Trình bày các nội dung liên quan đến căn cứ lập quy hoạch, phạm vi và ranh giới nghiên cứu, quan điểm nghiên cứu và mục tiêu phát triển, bối cảnh phát triển, tính chất tầm nhìn và các dự báo phát triển… đơn vị lập Đồ án đưa ra các yêu cầu về nội dung nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng; yêu cầu về hồ sơ sản phẩm và các thức tổ chức thực hiện.
Theo đó, phạm vi lập quy hoạch vùng Tp.HCM bao gồm ranh giới hành chính Tp.HCM và 7 tỉnh xung quanh gồm: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang. Quy mô dân số khoảng hơn 18 triệu người (số liệu năm 2012), diện tích đất tự nhiên khoảng 30.404 km2.
Một góc quy hoạch Tp.HCM
Mục tiêu của Nhiệm vụ lập quy hoạch nhằm nâng cao vị thế của vùng Tp.HCM trong khu vực và trên thế giới. Xây dựng vùng Tp.HCM thành vùng đô thị phát triển năng động với chất lượng tăng trưởng cao và bền vững; là cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng của Quốc gia. Vùng Tp.HCM là vùng sẽ có chất lượng cuộc sống cao, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu….
Nội dung nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Tp.HCM dựa trên phân tích điều kiện tự nhiên, phân tích đánh giá biến đổi khí hậu, đánh giá hiện trạng phát triển vùng, đánh giá quy hoạch vùng Tp.HCM đã được phê duyệt năm 2008 để thấy những mặt được và chưa được, đánh giá tổng hợp hiện trạng vùng, xác định các vấn đề cần điều chỉnh trong nội dung đồ án điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh phân bố các vùng chức năng, điều chỉnh tổ chức không gian vùng và hệ hống hạ tầng kỹ thuật…
Sau khi nghe báo cáo nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Tp.HCM đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050, đại diện các đơn vị tham dự và thành viên Hội đồng thẩm định cơ bản đánh giá cao công tác nghiên cứu, lập đồ án chuyên nghiệp, chu đáo của đơn vị tư vấn.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cơ quan lập quy hoạch nên lập đồ án gắn gọn hơn; đồng thời, góp ý cho nội dung Nhiệm vụ để làm rõ những vấn đề cần phải điều chỉnh quy hoạch.
Theo đó, nội dung của Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Tp.HCM cần bổ sung thêm các văn bản để làm căn cứ lập quy hoạch; có so sánh, đánh giá quy hoạch cũ để thấy rõ hiện trạng, các vấn đề bất cập cần được điều chỉnh; làm quy hoạch vùng phải dựa trên quy hoạch của các tỉnh lân cận; nội dung quy hoạch và mô hình quản lý phải gắn chặt với nhau; bổ sung thêm quy hoạch sử dụng đất đai trong quy hoạch vùng; đánh giá được chất lượng nguồn nhân lực…
Đồng ý với những ý kiến góp ý của Hội đồng thẩm định và các sở, ngành liên quan tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đánh giá cao sản phẩm của đơn vị tư vấn, tuy nhiên, vì nội dung đồ án quá chi tiết, nên Thứ trưởng cho rằng sẽ giảm tính sáng tạo, đột phá.
Thứ trưởng đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu những góp ý trên để hoàn chỉnh đồ án; đồng thời lưu ý một số vấn đề như: Việc đánh giá triển khai quy hoạch vùng cần đánh giá theo vùng và tổng hợp hơn. Nâng cao vai trò tham gia xây dựng lập đồ án của các tỉnh liên quan.
Đối với quy hoạch vùng Tp.HCM, thì cái khó nhất là mô hình quản lý thực hiện quy hoạch. Một số dự án trọng điểm mang tính vùng đều có sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo như dự án giao thông, các chương trình phát triển đô thị, xử lý chất thải rắn…
Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo cho quy hoạch xây dựng vùng thì chưa có, nên cần cố gắng có những đánh giá đưa vào đồ án quy hoạch vùng vai trò Ban chỉ đạo để đưa ra mô hình cần thiết cho chuẩn xác. Về tổ chức thực hiện, đơn vị tư vấn cần đề xuất mô hình tổ chức, mức độ tham gia của tư vấn nước ngoài…
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet