Bình đẳng giới về quyền sử dụng đất
Một số nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng phụ nữ chưa thực sự có cơ hội tiếp cận đất đai ngang bằng so với nam giới.
Đất đai do vợ đứng tên chưa bằng 1/2 của chồng
Theo kết quả nghiên cứu “Tiếp cận đất đai của phụ nữ trong xã hội Việt Nam đương đại” do UNDP tài trợ được công bố tại Hà Nội mới đây, nam giới có mạng lưới xã hội rộng hơn nữ giới.Nữ giới chiếm tỷ lệ rấtt ít trong việc đứng tên sổ đỏ. |
Đại diện nhóm nghiên cứu - bà Nguyễn Thị Phương Châm cho biết, tỷ lệ phụ nữ đứng tên chủ quyền đất ở và các loại đất khác thấp hơn so với nam giới, ở nông thôn thấp hơn ở đô thị. Cụ thể, tỷ lệ người đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: 44% là chồng, 22% là hai vợ chồng, 19,7% là vợ, 7,4% là người khác và 6,9% là bố mẹ.
Tỷ lệ phụ nữ đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đứng tên cùng chồng chỉ có xu hướng cao hơn khi đó là đất do cha mẹ đẻ để lại, đất được cấp cho vợ hoặc chồng hoặc đất họ cùng mua sau khi kết hôn.
Tương tự, việc sở hữu bình đẳng (2 vợ chồng cùng đứng tên) có xu hướng phổ biến hơn trong nhóm di dân, có học vấn cao hơn, có thu nhập cao hơn, có sự tham gia của phụ nữ trong các buổi họp tuyên truyền về pháp luật.
Một nghiên cứu do WB tài trợ tiến hành lại cho hay, phụ nữ rất muốn đứng tên chủ quyền đất đai cũng do mong có được an ninh sinh kế khi tuổi già, ngay cả khi họ có con cái phụng dưỡng.
Những rào cản phải phá vỡ
Về mặt lý thuyết, pháp luật thừa kế của Việt Nam hiện nay đảm bảo sự bình đẳng cho nam và nữ. Nhưng trên thực tế, việc thực hành luật lại vẫn tồn tại một số yếu tố loại trừ phụ nữ ra khỏi sự tiếp cận về đất đai. Luật nêu rõ rằng di chúc của bố mẹ là vấn đề ưu tiên và thứ tự của việc thừa kế chỉ được đưa ra áp dụng khi người quá cố không để lại di chúc, song đa phần di chúc của các gia đình thường không xem xét đến sự bình đẳng giới mà dựa trên những yếu tố như ưu tiên nam giới và nối dõi.Chính quan niệm con trai được thừa kế đất hương hỏa của tổ tiên đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền sở hữu đất đai của người phụ nữ. Một phụ nữ 36 tuổi tại Long An tham gia khảo sát chia sẻ: “Luật người ta đã có rồi nhưng thực tế người ta chia không đồng đều ở chỗ con gái cưới chồng ra riêng, con trai ở chung với cha mẹ, phải nuôi cha mẹ. Truyền thống con trai phải cúng giỗ ông bà, do đó con trai được thừa hưởng nhiều hơn con gái”.
Rõ ràng, đất hương hỏa không đơn thuần mang giá trị cư trú, giá trị kinh tế nữa mà còn mang giá trị tinh thần, giá trị biểu tượng đậm nét và giá trị ấy đã hạn chế quyền tiếp cận đất đai của người phụ nữ.
Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất chung ngoài mục đích giảm thiểu sự bất bình đẳng giới về các vấn đề pháp lý liên quan đến đất đai còn bảo vệ gia đình khỏi những hành động đơn phương của chồng và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong trường hợp ly hôn hoặc trong các tranh chấp về đất đai. Một số chuyên gia cho rằng, pháp luật đã quy định hai vợ chồng đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay nhà và nếu chỉ có một người đứng tên thì các giao dịch trên thực tế đều có chữ ký của người còn lại.
Có điều, tình trạng đứng tên một bên trên giấy tờ cũng như giao dịch về đất, nhà vẫn phổ biến, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã dẫn đến sự bất bình đẳng về quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ so với nam giới. Hệ quả là người phụ nữ dễ mất quyền với đất đai trong mọi trường hợp, nhất là khi vợ chồng ly hôn hoặc góa bụa. Đấy là chưa kể đến khó khăn của phụ nữ trong trường hợp cần vay vốn tín dụng của Nhà nước khi chồng ốm đau hay được quyền quyết định chủ động đối với nhiều vấn đề khác.
Trợ giúp người dân làm “sổ đỏ” theo quy định mới
Những nỗ lực của nhà nước và truyền thông trong việc đẩy mạnh bình đẳng giới thời gian vừa qua như quy định đưa tên hai vợ chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, sự đa dạng của các kênh truyền thông, cung cấp thông tin… đã làm gia tăng khả năng tiếp cận bình đẳng của phụ nữ đối với đất đai.Tuy nhiên, để hướng tới sự bình đẳng hơn nữa, Việt Nam cần tăng cường công tác truyền thông một cách hiệu quả thông qua việc đổi mới cách thức và nội dung tuyên truyền; khuyến khích và trợ giúp người dân giấy tờ nhà, đất theo quy định mới.
Mặt khác, trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn thực thi Luật Đất đất đai, nên cân nhắc những khác biệt về phong tục, giới, quan hệ xã hội, đặc tính vùng…
Một chuyên gia cao cấp về đất đai nói thêm: “Cần tăng cường phổ biến rộng rãi, thu hút sự cam kết và sự tham gia tích cực của các tổ chức phụ nữ cơ sở và các nhóm tư vấn sử dụng đất công để đảm bảo rằng phụ nữ tiếp cận đất đai dễ dàng. Và sau đó, cần tạo ra một hệ thống phân tách dữ liệu để có thể quản lý và đánh giá tác động đối với quyền sở hữu của phụ nữ”.
(Theo PLVN)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet