Biến đổi khí hậu tác động thế nào đến phát triển đô thị?
NHững hiện tượng trái đất nóng lên, băng tan, hiệu ứng nhà kính đang tác động tiêu cực đến hạ tầng cơ sở. Việt Nam không "chống" lại hiệu ứng nhà kính mà đưa ra một số giải pháp thích nghi.
Mất đất do nước biển xâm thực
Theo Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), định hướng tổng thể hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn 2030, sẽ có 38% dân số sống tại đô thị vào năm 2015, và khoảng 50% dân số sống tại các đô thị vào năm 2025. Như vậy, với những kịch bản BĐKH và nước biển dâng của Việt Nam, cũng trong giai đoạn 2030 - 2050, quy mô dân số sống trong các đô thị sẽ ngày càng tăng và nguy cơ đối với dân cư ngày càng lớn.
Theo TS Đỗ Tú Lan - Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị, trước hết là những dạng tác động của BĐKH đối với cơ cấu sử dụng đất tại hệ thống đô thị, đó là các hiện tượng như xâm thực bờ biển, xói lở bờ biển, triều cường và ngập nước. Chẳng hạn, tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình trước kia là nơi có diện tích lấn biển nhiều nhất nước, hàng năm trung bình đất liền lấn biển từ 80 - 100m do phù sa của hai con sông Đáy và sông Vạc bồi đắp, nhưng 5 năm gần đây hiện tượng xâm thực biển khiến cho đất nhiễm mặn và điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng sản xuất rất nhiều. Hiện tương xâm thực biển ngày càng lớn, mỗi năm biển xâm thực từ 15 - 20km làm cho việc bồi lắng cũng trở nên khó khăn hơn.
Tại vùng ven biển huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đang xảy ra hiện tượng biển xâm thực bất thường, cuốn trôi nhiều tài sản của nhân dân ven biển. Tình trạng này kéo dài từ tháng 5/2009 tới nay.
Cơ sở hạ tầng đô thị trong những năm gần đây đã xuất hiện những tác động của hiện tượng BĐKH. Năm 2009, cơn bão số 9 đã khiến TP Đà Nẵng thiệt hại lớn, các tuyến đường trong TP, hầu hết cây cối bị đánh đổ, ước tính 40% diện tích cây xanh của TP bị hỏng, hay đối với đường ven bờ biển Nguyễn Tất Thành sóng đã đánh sập và làm hư hỏng hầu như toàn bộ kè. Đoạn cầu Phú Lộc sóng đánh mất nửa mố cầu, có đoạn sóng đã ăn vào nửa con đường. Cũng trong năm 2009 trận bão số 9 đã làm cho đoạn đường Hồ Chí Minh đi qua TT-Huế bị sạt khoảng 1.290m3.
Hiện tượng xâm thực bờ biển và mặn hóa đất liền còn là mối lo lớn đối với chất lượng nước ngầm. Đặc biệt vùng Duyên hải Bắc bộ khả năng nước ngầm nhiễm mặn rất có thể diễn ra. Các công trình đầu mối như cấp thoát nước, cấp điện, xử lý nước thải, chất thải rắn tại các hệ thống đô thị ven biển cũng có nguy cơ ảnh hưởng.
Mực nước biển dâng và sự không ổn định của địa mạo ở vùng ven biển miền Trung ngày càng diễn biến phức tạp. Mực nước biển dâng bao gồm: Dâng do thủy triều, dâng do bão, lũ, dâng do BĐKH. Vì vậy những năm gần đây, tình hình bờ biển bị xâm thực xảy ra nhiều hơn. Sự đe dọa của mực nước biển dâng lên các khu dân cư và cơ sở hạ tầng dọc bờ biển là thường xuyên hơn. Đã nhiều năm qua, cứ đến mùa mưa bão, người dân sống dọc ven biển của các địa phương vùng ven biển miền Trung thường rơi vào trạng thái lo lắng bởi nạn xâm thực của sóng biển. Cứ mỗi mùa mưa bão, nhà cửa, đất đai, và nhiều tài sản khác bị sóng cuốn ra biển.
Điển hình trong nhiều năm qua, gần 100 hộ dân sống dọc bờ biển Nam Ô (TP Đà Nẵng) luôn phải sống trong nỗi ám ảnh bởi sự xâm thực của sóng biển. 750ha đất sản xuất, đất sinh hoạt của người dân nơi đây đang ngày càng bị thu hẹp bởi biển ngày càng “ăn sâu” vào đất liền.
Đối với hệ thống đô thị hiện nay đang có xu thế hướng ra biển, xây dựng những khu nghỉ dưỡng, resort sẽ phải chịu ảnh hưởng lớn của nước biển dâng và bão lũ. Những đô thị như Phan Thiết, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu đang có những hiện tượng xói lở bờ biển làm ảnh hưởng lớn đến cảnh quan cũng như các công trình trên biển.
Rõ ràng, những tác động tiêu cực của BĐKH đến phát triển đô thị ở Việt Nam là tiềm tàng. Bởi thế, nói như TS Đỗ Tú Lan, ngay từ bây giờ, các cấp chính quyền cần phải hành động ngay; các cơ quan nghiên cứu cần đưa ra những giải pháp, tư vấn khoa học để xây dựng các đô thị theo hướng thích ứng với sự biến đổi của khí hậu ngay trong tương lai gần.
(Theo Báo Xây dựng)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet