Bê bối “leo thang“ tại khu tái định cư lớn nhất Thủ đô
Bức xúc trước chất lượng sống xuống thấp, hàng trăm hộ dân tại khu tái định cư (TĐC) Trung Hòa - Nhân Chính (khu tái định cư lớn nhất Thủ đô) đã gửi đơn kêu cứu tới các cấp lãnh đạo ở Hà Nội và Trung ương...
"Hô biến" vỉa hè thành nơi trông xe
Theo đơn thư của người dân, UBND TP.Hà Nội đã ủy quyền cho Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội triển khai thực hiện Quyết định 2381 về quản lý, vận hành thí điểm khu TĐC trong giai đoạn 2010-2012, nhưng cả khu vực này hiện đang như khu tập thể cũ. Hàng loạt khối nhà trong khu TĐC bị xuống cấp nhanh chóng không được sửa chữa.
Điển hình như khu nhà N4 (A, B, C, D), dù vẫn còn thời gian bảo hành nhưng nhiều căn hộ đã có hiện tượng bong tróc, thấm dột, mốc khắp tường. Các công trình ngầm vệ sinh bị tắc như tại nhà N6E, bể nước bị hỏng khiến nước bẩn tràn vào như nhà N6D, thang máy hỏng ở N3A, dột ngâm tường như N3B,… “Người dân gọi cho công ty xuống sửa không được, sửa xong lại hỏng nên đa số đều phải tự bỏ tiền túi ra để sửa chữa cho yên tâm”- ông Lê Hùng (nhà N5A) nói.
Toàn bộ tầng 1 trong khu TĐC Trung Hòa - Nhân Chính được “ưu tiên” cho các công ty, cá nhân bên ngoài vào thuê làm điểm kinh doanh |
Qua hai năm thực hiện Quyết định 2381, khu TĐC ngày càng xuống cấp, hầu hết các vườn hoa bị bê tông hóa để bán hàng, nhiều bếp than tổ ong đủ các cỡ được đun nấu khắp nơi, cả vỉa hè, các ban công,… Suốt một thời gian dài các bãi đỗ xe ô tô xuất hiện, chiếm dụng các khoảng không để kinh doanh trái phép. Do không được bố trí quỹ đất xây chợ dân sinh nên nhiều năm nay, vỉa hè đã biến thành chợ cóc hoạt động suốt ngày.
Chưa dừng lại ở đó, mới đây nhất, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội và Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đã hợp tác để quy hoạch nhiều khoảng trống trong các khu TĐC ở Hà Nội như Trung Hòa - Nhân Chính, Trung Yên, Đồng Tầu, CT13-CT14 Nam Thăng Long, Dịch Vọng, khu 7,2ha Vĩnh Phúc, Định Công làm điểm đỗ xe, gây bức xúc cho nhiều hộ dân.
Riêng tại khu TĐC Trung Hòa - Nhân Chính, hai công ty này dự kiến sẽ biến các khoảng không trên vỉa hè, lòng đường thành nơi chứa… 900 ô tô. “Như thế thì 50% diện tích đường giao thông nội bộ đã bị chiếm dụng để kinh doanh và cả nghìn người dân ở khu TĐC này phải hít khói độc từ ô tô nhả ra hàng ngày” - bà Nguyễn Thị Ngọc (nhà N6D) bức xúc.
Vẫn xin ngân sách… 16 tỉ đồng
Theo chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội phải tiến hành tổng kết Quyết định 2381 để TP có cơ sở đánh giá, khắc phục và nhân rộng mô hình quản lý. Tuy nhiên, theo tố giác của người dân, dù không tổ chức cuộc gặp gỡ, họp bàn nào với người dân nhưng Công ty này vẫn làm báo cáo gửi UBND TP.Hà Nội tổng kết Quyết định 2381 với đầy… “ưu điểm”, “đã làm được”.
Mới đây, lãnh đạo Công ty này đề nghị người dân họp để thành lập mô hình Ban quản trị phụ trách việc quản lý, vận hành, khai thác khu TĐC sau thời gian thí điểm đã gặp phải sự phản ứng gay gắt của hầu hết người dân. Người dân phản ánh Công ty đã tự tổng kết và báo cáo TP.Hà Nội nhiều thông tin không trung thực.
Theo Quyết định 2381, toàn bộ tầng 1 của các khu nhà phải được ưu tiên cho người dân TĐC tại đây thuê để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, khi dẫn chúng tôi đi khắp các tuyến đường nội bộ trong khu TĐC Trung Hòa - Nhân Chính, người dân cho biết hầu hết các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê,… đều đã được cho cá nhân, doanh nghiệp bên ngoài thuê kiếm lời. “Người dân trong khu TĐC chỉ vạ vật bán nước trà đá, đồ ăn sáng lèo tèo thôi. Nhiều người ngỏ ý muốn thuê nhưng không được, dù họ vẫn còn những phòng trống, đóng cửa bỏ đó”- ông Lê Hùng bức xúc.
Dù nhà cửa của người dân vẫn liên tục xuống cấp, đường đi lối lại bị bịt kín, không gian sống ô nhiễm, điểm vui chơi không có, các khu tầng 1 được cho doanh nghiệp thuê toàn bộ nhưng tài liệu mà người dân thu thập được cho thấy Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội vẫn đề xuất TP.Hà Nội “rót” tiền từ ngân sách nhà nước hơn 16 tỉ đồng cho công ty này do chênh lệch thu - chi trong quản lý, vận hành, sửa chữa, thay thế thiết bị suốt thời gian thực hiện Quyết định 2381.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet